Mặc dù uống cà phê được ghi nhận là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên việc uống cà phê khi bụng đói lại không phải là một thói quen tốt. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để thấy những tác hại không ngờ đối với cơ thể nếu bạn lỡ chẳng may uống cà phê với chiếc bụng rỗng nhé.
Tác dụng phụ tiềm ẩn khi uống cà phê lúc bụng đói
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy: sau một đêm ngủ không ngon giấc, uống cà phê khi bụng đói có thể làm giảm đáng kể việc kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.
Giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định là điều vô cùng quan trọng bởi điều này có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và bệnh tim. Do vậy, bạn hoàn toàn không nên uống cà phê buổi sáng trước khi ăn nếu không muốn mắc các bệnh lý trên.
Một tác dụng phụ khác mà bạn có thể gặp phải khi uống cà phê khi bụng đói là trào ngược axit.
Khi bạn nuốt thức ăn hoặc uống một ngụm nước, một van ở đầu dạ dày được gọi là cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra, cho phép thức ăn hoặc đồ uống đi vào dạ dày. Khi thức ăn hoặc nước uống vào bên trong, van sẽ đóng lại.
Nhưng theo Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa Hoa Kỳ, cà phê làm giãn cơ thắt thực quản dưới, kết quả là van này có thể không được đóng hoàn toàn, khiến axit trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản, gây ra tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản.
Các triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược axit là chứng ợ nóng và có thể cảm thấy tức ngực. Ngoài ra, cà phê cũng làm tăng nguy cơ ợ chua vì nó có thể kích thích tiết axit trong dạ dày.
Trong một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology, thay 2 phần cà phê mỗi ngày bằng nước lọc sẽ giúp giảm nguy cơ trào ngược axit.
Trào ngược axit thường không liên quan đến các biến chứng lâu dài hoặc nghiêm trọng. Tuy nhiên khi tình trạng trào ngược axit xảy ra thường xuyên và không được điều trị, nó có thể dẫn đến các vấn đề khác như viêm thực quản, loét dạ dày và ung thư. Nếu cà phê khiến bạn bị trào ngược axit, hãy cân nhắc chuyển sang món đồ uống tốt cho sức khỏe khác là trà xanh.
Một trong những tác dụng phụ mà nhiều người gặp phải khi uống cà phê lúc bụng đói là cảm thấy bồn chồn và lo lắng. Nguyên nhân đó là do caffeine đã được hấp thu vào cơ thể nhanh chóng. Thông thường, caffeine sẽ mất từ 15 phút đến 2 giờ để hấp thu vào cơ thể sau khi bạn uống cà phê, và thời gian hấp thu sẽ nhanh hơn nếu bạn không ăn gì trước khi uống.
Lo lắng, hồi hộp hay tỉnh táo, vui vẻ sau khi uống một tách cà phê phụ thuộc phần lớn vào gene di truyền, nhưng cách ăn uống của bạn cũng đóng một vai trò quan trọng làm tăng các vấn đề đó.
Nếu bạn thuộc tạng người chuyển hóa nhanh, uống một tách cà phê thường không khiến bạn gặp tình trạng trên, kể cả khi bụng đói. Nhưng đối với những người chuyển hóa chậm thì khác, uống cà phê khi bụng đói có thể làm cho tác dụng của caffeine rõ ràng hơn và kéo dài lâu hơn trong cơ thể.
Nếu bạn là người chuyển hóa chậm, hãy cố gắng uống cà phê lai rai trong suốt một giờ để giảm lượng caffeine hấp thu vào cơ thể. Tốt hơn hết là bạn nên uống cà phê sau khi ăn một bữa ăn giàu chất xơ, điều này có thể làm chậm tốc độ hấp thu caffeine hơn nữa.
Thời điểm nào là tốt nhất để uống cà phê?
Thời điểm tốt nhất để uống cà phê là ngay sau khi ăn sáng. Nếu uống cà phê trước khi ăn, bạn sẽ có nguy cơ tăng đột biến lượng đường trong máu, trào ngược axit và cảm thấy bồn chồn.
Hơn nữa, mức cortisol trong cơ thể thường sẽ đạt đỉnh vào khoảng 7 giờ sáng. Cortisol là một loại hormone giúp tăng cường năng lượng, giúp bạn cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng.
Hãy đợi cho đến khi nồng độ cortisol bắt đầu giảm để uống cà phê. Uống cà phê sau vài tiếng thức giấc sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, bạn nên tránh uống cà phê sau 2 giờ chiều. Uống cà phê vào buổi chiều hoặc tối sẽ khiến bạn không có một đêm ngon giấc.
Do vậy, dù có là một tín đồ nghiện cà phê thế nào đi chăng nữa, hãy nhớ rằng tuyệt đối không nên uống cà phê với một chiếc bụng rỗng nhé. Hãy làm đầy dạ dày của mình với một chiếc bánh ngọt hoặc vài lát hoa quả rồi sau đó hẵng thưởng thức món đồ uống yêu thích của mình nhé.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!