Vitamin C và acid folic (vitamin B9) đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ cũng như sự tăng trưởng của bé trong thai kỳ. Bổ sung vitamin C và acid folic cho bà bầu là điều đặc biệt quan trọng bởi đây là các dưỡng chất giúp cơ thể mẹ khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Nhu cầu acid folic trong thai kỳ
Acid folic hay còn gọi là vitamin B9 là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tạo thành và duy trì các tế bào mới cho cơ thể, quan trọng nhất là tế bào thần kinh cũng như trong việc sản xuất hồng cầu. Chính vì vậy, nhu cầu acid folic đặc biệt tăng cao ở thai phụ và trẻ em.
Việc cung cấp đủ acid folic trong thai kỳ, đặc biệt là trong thời gian đầu mang thai đã được chứng minh là giúp giảm thiểu nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Khuyết tật ống thần kinh là một bệnh lý bẩm sinh nghiêm trọng gây ra hở xương sống, hở hộp sọ, thậm chí vô não.
Ống thần kinh được hình thành từ rất sớm, khoảng tuần thứ 3 của thai kỳ, đó là thời điểm mà cơ thể người phụ nữ chưa nhận biết mình mang thai. Do đó, acid folic chỉ có tác dụng ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh khi mẹ được bổ sung đầy đủ acid folic trước thai kỳ và trong vài tuần lễ sau thụ thai.
Bên cạnh đó, acid folic còn hỗ trợ sản xuất hồng cầu trong suốt thai kỳ, do vậy phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên uống bổ sung acid folic hàng ngày. Theo khuyến cáo của Dietary Guilines for Americans 2005 thì tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung 400mcg acid folic và phụ nữ mang thai thì bổ sung 600mcg hàng ngày.
Nhu cầu vitamin C trong thai kỳ
Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước, có rất nhiều vai trò khác nhau đối với cơ thể và đặc biệt là thai kỳ. Vai trò được biết đến nhiều nhất của vitamin C là chống oxy hóa, chống stress, giúp người mẹ tăng sức đề kháng để ngăn ngừa bệnh tật, nhất là bệnh cảm cúm, rất nguy hiểm trong giai đoạn thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu.
Vitamin C giúp nhiều loại vi khoáng như sắt, kẽm, đồng,… được hấp thu tốt hơn, đồng thời cũng là một thành phần quan trọng tham gia vào quá trình sản xuất collagen. Collagen là thành phần chính trong cấu trúc xương sụn, do vậy tổng hợp collagen trong thai kỳ giúp xương sụn phát triển tốt và chắc chắn, làm nền tảng cho sự phát triển tầm vóc sau này.
Nhu cầu khuyến nghị vitamin C hằng ngày của người Việt Nam vào khoảng 70 – 100mg/ngày. Nhu cầu vitamin C hàng ngày cho phụ nữ mang thai thường không quá cao, tăng thêm so với bình thường khoảng 13%, chỉ khoảng 200mg/ngày. Nhu cầu này có thể được đáp ứng dễ dàng với chế độ ăn dồi dào rau củ quả tươi.
Vitamin C có nhiều trong trái cây tươi như quả kiwi, cam, nho, quýt, bưởi và trong rau có lá màu xanh, cà chua, bông cải trắng, súp lơ, bắp cải, khoai tây,… Các mẹ nên chọn các thực phẩm càng tươi càng tốt, chế biến đơn giản như hấp, luộc, xào nhanh,… Đặc biệt, không nên nấu rau củ ở nhiệt độ cao và quá lâu.
Bên cạnh việc chú ý đến chế độ ăn uống và bổ sung axit folic, vitamin C đầy đủ ngay từ đầu thai kỳ, các mẹ bầu cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc khám thai. Những lần khám thai rất quan trọng, giúp xác định chính xác thai nhi đã ổn định trong tử cung và bắt đầu phát triển hay chưa.
Ở bài viết sau, Kinhnghiem360.edu.vn sẽ giúp các mẹ tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu nước, nhu cầu chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng khác trong thai kỳ. Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Hà Nội (2016) – Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Nhà xuất bản Y học.