Suy dinh dưỡng không chỉ đơn thuần gây sụt cân mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Chậm lành vết thương, tăng biến chứng sau phẫu thuật, suy giảm chức năng của nhiều hệ cơ quan như hệ tiêu hóa gây kém hấp thu, hệ miễn dịch gây tăng nguy cơ nhiễm trùng,… Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu kỹ hơn nha!
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi chế độ ăn uống của bạn không có đủ chất dinh dưỡng. Theo IDI & WPRO (Hiệp hội tiểu đường các nước châu Á), cân nặng của một người trưởng thành được xem là khỏe mạnh khi BMI nằm trong khoảng từ 18,5 – 22,9 kg/m². BMI dưới 18,5 kg/m² được xem là suy dinh dưỡng, cần tăng cân.
BMI được tính theo công thức sau:
BMI = Cân nặng (kg) / (Chiều cao (m) x Chiều cao (m))
Dấu hiệu và triệu chứng của suy dinh dưỡng
Các dấu hiệu và triệu chứng của suy dinh dưỡng tùy thuộc vào từng loại suy dinh dưỡng khác nhau. Phát hiện ra những ảnh hưởng của suy dinh dưỡng có thể giúp sớm xác định được phương pháp điều trị phù hợp.
Thiếu dinh dưỡng có thể biểu hiện một số triệu chứng sau đây: Giảm cân, giảm mỡ và giảm khối cơ, má hóp và mắt trũng, tóc và da khô, mệt mỏi, khó tập trung, dễ cáu gắt, trầm cảm và lo âu,…
Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của cơ thể bằng cách nào?
- Đánh giá tình trạng sụt cân, đánh giá khẩu phần ăn 24 giờ, cân bằng dịch, triệu chứng của hệ tiêu hóa như: Chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,… sốt, mất dưỡng chất qua hệ tiết niệu, tiền sử dùng thuốc, bệnh nền,…
- Đo thành phần cơ thể
- Đánh giá mức độ viêm thông qua tình trạng bệnh và các xét nghiệm sinh hóa thể hiện mức độ viêm như công thức máu, albumin huyết thanh, C-reactive protein
- Đo chức năng: Chủ yếu là đo lường chức năng cơ xương do nhạy cảm với hàm lượng các chất dinh dưỡng được tiêu thụ và dễ thực hiện trên lâm sàng. Trương lực cơ sẽ nhanh chóng cải thiện trong vòng 2 – 3 ngày nếu được hỗ trợ dinh dưỡng đầy đủ. Ngược lại, chúng sẽ nhanh chóng suy yếu chỉ trong vài ngày nếu bệnh nhân bị bỏ đói hoàn toàn. Đo lường chức năng cơ xương bằng đánh giá khả năng vận động hàng ngày và trương lực kế hand grip
Nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể được xác định như thế nào?
- Năng lượng: 35 – 40 kcal/kg/ngày
- Protein: 20 – 25% tổng nhu cầu năng lượng. Nếu bệnh nhân có bệnh thận mạn thì phải điều chỉnh tỷ lệ protein theo mức khuyến nghị của các giai đoạn bệnh thận mạn
- Lipid: 20 – 30% tổng nhu cầu năng lượng
- Glucid: 50 – 60% tổng nhu cầu năng lượng
- Vitamin và khoáng chất: Bệnh nhân suy dinh dưỡng cần nhiều vitamin và khoáng chất hơn người bình thường. Cần chú ý đến kali, phospho, magie, kẽm.
Một số lưu ý cho bệnh nhân suy dinh dưỡng
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa thay vì 3 bữa lớn.
- Lựa chọn và chế biến thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt.
- Uống ít nước trong bữa ăn để giảm cảm giác no.
- Chất xơ gây cản trở sự tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng trong đường ruột nên nếu được thì cần hạn chế chất xơ trong khẩu phần ở bệnh nhân ăn kém, suy dinh dưỡng nặng.
Nếu bệnh nhân không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bằng chế độ ăn thông thường thì cần bổ sung sữa cao năng lượng. Ví dụ như: Ensure Plus Advance, Forticare, Fortimel Compact Protein, Prosure,… với thành phần dinh dưỡng cân đối, giàu protein nhưng thể tích nhỏ, giúp bệnh nhân dễ dàng tuân thủ điều trị và có thể được dùng để thay thế bữa ăn.
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
- Bộ Y tế (2020). Thông tư 18/2020/TT-BYT ngày 12/11/2020 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.
- Bộ Y tế (2015). Dinh dưỡng điều trị suy dinh dưỡng ở người trưởng thành nằm viện. Hướng dẫn điều trị dinh dưỡng lâm sàng, NXB Y học Hà Nội, 46 – 53.