8 triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường cần đặc biệt lưu ý ở phụ nữ

Suy nghĩ mơ hồ, mệt mỏi và đói quá mức đều là những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Có hàng triệu người mắc bệnh tiểu đường type 2 không được chẩn đoán, bởi trong giai đoạn đầu mọi người không có triệu chứng nào cả.

Trong khi nhiều người không có triệu chứng, có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường có các triệu chứng nhưng không được chẩn đoán vì họ không biết rằng bệnh tiểu đường là nguyên nhân. Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh tiểu đường dễ nhận biết các triệu chứng hơn và vì vậy họ thường được chẩn đoán sớm hơn.

Đó là một vấn đề lớn vì chẩn đoán sớm có thể giúp ngăn ngừa những tổn thương vĩnh viễn của bệnh tiểu đường như tổn thương thận hay thần kinh. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, bạn nên hỏi bác sĩ xem có nên làm xét nghiệm bệnh tiểu đường hay không.

Điều đó càng đúng hơn nếu bạn ở độ tuổi trung niên trở lên. Sự suy giảm nồng độ estrogen liên quan đến thời kỳ mãn kinh có thể khiến cơ thể phụ nữ khó duy trì lượng đường trong máu ở mức hợp lý, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ngay cả khi bạn không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào về tuổi tác, cân nặng hoặc di truyền đối với bệnh tiểu đường, vẫn có những dấu hiệu cảnh báo mà bạn nên chú ý theo dõi. Dưới đây là 8 triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường ở phụ nữ:

1. Nhiễm trùng tiểu thường xuyên

Nếu từ trước đến nay bạn thường xuyên bị nhiễm trùng tiểu hoặc các bệnh nhiễm trùng âm đạo khác, đừng lo lắng. Nhưng nếu bạn nhận thấy sự gia tăng gần đây thì có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tiềm ẩn. Lượng đường trong máu cao tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng này dễ xảy ra hơn. Đặc biệt, hãy coi chừng nhiễm trùng nấm men. Nấm men ăn đường, vì vậy chúng thường phát triển mạnh khi lượng đường trong máu tăng cao.

2. Bạn liên tục cảm thấy khát nước

Những người mắc bệnh tiểu đường thường mô tả triệu chứng rất khát nước. Khi lượng đường trong máu tăng cao, lượng natri trong máu thường giảm xuống. Natri giúp cơ thể giữ nước, do đó lượng natri giảm có thể làm tăng cảm giác khát. Nghiên cứu cho thấy uống nước sẽ giải quyết vấn đề tạm thời, nhưng nếu bạn cảm thấy khát hơn nhiều so với trước đây (mặc dù bạn vẫn uống cùng một lượng nước) thì đó là dấu hiệu cảnh báo.

Bạn có thể mắc bệnh tiểu đường nếu thường xuyên cảm thấy khát nước (Nguồn: Internet)

3. Bạn cảm thấy mắt nhìn mờ

Đường trong máu có thể đi vào thủy tinh thể của mắt và làm thị lực bị giảm sút. Người bệnh cảm thấy bị mờ mắt và nghĩ rằng cần phải đeo kính hoặc thay kính mới, nhưng khi lượng đường trong máu của họ giảm xuống thì tình trạng mờ mắt sẽ biến mất. Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như trái cây và bánh mì dễ làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Nếu bạn nhận thấy thị lực của mình có vấn đề sau khi ăn những thực phẩm đó thì hãy cảnh giác.

4. Bạn buồn đi tiểu liên tục

Điều này đi đôi với cảm giác mất nước, do lượng đường trong máu tăng cao làm giảm lượng natri trong máu, cơ thể bạn phải cố gắng giữ nước ngay cả khi đã uống rất nhiều nước. Thay vì giữ lại lượng nước đó, cơ thể lại thải ra ngoài rất nhiều.

5. Suy nghĩ của bạn không được minh mẫn

Mất nước có thể dẫn đến suy nghĩ lộn xộn hoặc nhầm lẫn, điều đó có thể giải thích mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và triệu chứng suy nghĩ mơ hồ. Nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng đường trong máu tăng cao cũng có thể làm cho các mạch trong não giảm độ đàn hồi, làm giảm lượng oxy đến não, kích thích viêm và có thể dẫn đến suy nghĩ vẩn vơ.

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến trí óc (Ảnh: Internet)

6. Lúc nào bạn cũng thấy mệt mỏi

Một lần nữa, điều này là do cơ thể bị thiếu nước. Nhưng sự thay đổi lớn về lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường cũng có thể giải thích cho sự mệt mỏi này, theo một nghiên cứu năm 2011. Nghiên cứu cũng cho thấy các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như hội chứng bồn chồn có tỷ lệ cao hơn ở bệnh nhân tiểu đường và có thể giải thích tại sao những người mắc bệnh tiểu đường thường cảm thấy mệt mỏi.

7. Sự thèm ăn của bạn nằm ngoài tầm kiểm soát

Bệnh tiểu đường có thể gây thèm ăn liên tục (Ảnh: Internet)

Bệnh tiểu đường hạn chế khả năng cơ thể vận chuyển đường ra khỏi máu để đưa vào trong các tế bào, nơi đường được lưu trữ và sử dụng làm năng lượng. Bởi vì cơ thể bạn không nhận đủ năng lượng đó, bệnh nhân tiểu đường có thể bị “ăn nhiều”, tức là lúc nào cũng thấy đói.

8. Vết thương trên cơ thể rất khó lành

Khi lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể gây khó khăn trong việc chữa lành vết thương. Bệnh tiểu đường có thể làm giảm lưu lượng máu đến các chi, từ đó làm chậm quá trình lành vết thương. Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi lượng đường trong máu liên quan đến bệnh tiểu đường có thể gây rối loạn chức năng tế bào, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chữa lành.

Nguồn tham khảo:

  • syt.baclieu.gov.vn
  • Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *