Cẩn trọng khi liên tục sử dụng chức năng báo thức lại!

Thức dậy và ra khỏi giường vào buổi sáng khi chuông báo thức reng có thể rất khó khăn với nhiều người và chúng ta thường có xu hướng nhấn nút báo thức lại để ngủ thêm vài phút. Chính thói quen này đang gây ra một số tác hại cho sức khỏe và các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo cần cẩn trọng khi liên tục sử dụng chức năng báo thức lại.

Cẩn trọng khi sử dụng chức năng báo thức lại (Ảnh: Internet)

Báo thức lại có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của cơ thể bạn, nhưng đáng lo ngại hơn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải một vấn đề thậm chí còn lớn hơn: thiếu ngủ.

Sunjay Kansagra, bác sĩ, giáo sư về thần kinh trẻ em và thuốc ngủ tại Đại học Y tế Duke, nói với Health: “Việc bạn cần báo thức tự nó cho bạn biết rằng có lẽ bạn đang bỏ qua thời lượng giấc ngủ mà cơ thể cần. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ đến mức phải nhấn nút báo lại, thì đó là một dấu hiệu khác cho bạn biết rằng có lẽ bạn đang bỏ qua [ngủ] nhiều hơn mức cần thiết.

Sử dụng báo thức lại có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ

Chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn (Ảnh: Internet)

Tiến sĩ Kansagra giải thích, nhấn báo lại khi đồng hồ báo thức reng sẽ cho phép cơ thể ngủ trở lại, mặc dù những phút ngủ thêm đó không thực sự hữu ích.

Tiến sĩ Kansagra cho biết, khi đồng hồ báo thức kêu vào buổi sáng, chúng ta có thể bị đánh thức sau giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Giấc ngủ REM thường xảy ra muộn hơn trong chu kỳ – đây là lúc não bộ hoạt động và những giấc mơ thường xuất hiện trong giai đoạn này.

Tiến sĩ Kansagra cho biết thêm, một khi bị đánh thức khỏi giấc ngủ REM, có thể quay trở lại giấc giai đoạn ngủ nông và thêm vài phút ngủ trong giai đoạn này không cho cơ thể cảm giác sảng khoái bằng ngủ ở giai đoạn ngủ sâu.

Patrick Fuller, bác sĩ, nhà thần kinh học và giáo sư phẫu thuật thần kinh tại UC Davis Health cho biết, cũng có thể giấc ngủ sẽ quay lại giai đoạn giấc ngủ sâu khi chọn chức năng báo lại của báo thức. Nhưng ngay cả việc tiếp tục ngủ sâu cũng gây nên một số vấn đề. Khi tái khởi động chu kỳ ngủ và quay trở lại chu kỳ REM điều này sẽ gây tình trạng não bộ nhầm lẫn và khiến cơ thể thức dậy trong tình trạng mơ hồ, mất phương hướng.

Nó có thể liên quan đến một hiện tượng gọi là quán tính giấc ngủ, đó là cảm giác uể oải, mất phương hướng hoặc chậm tư duy mà nhiều người gặp phải sau khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau một giấc ngủ dài.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng đưa ra kết luận về mối quan hệ giữa quán tính giấc ngủ và độ sâu của giấc ngủ. Việc thức dậy sau một giấc ngủ sâu hơn có thể dẫn đến quán tính giấc ngủ lớn hơn (tình trạng uể oải). Trong một nghiên cứu trên chuột nhắt và chuột cống, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các tế bào thần kinh “tắt” hoặc kích hoạt chậm hơn khi thức dậy từ giấc ngủ ở chu kỳ REM so với giấc ngủ ở ngoài chu kỳ REM.

Vì vậy, nhấn nút báo thức lại nhiều lần thực sự có thể khiến cơ thể cảm thấy mất phương hướng và mệt mỏi hơn sau khi ra khỏi giường, Tiến sĩ Fuller cho biết.

Mặc dù có thể có tác động đến chu kỳ giấc ngủ của con người, nhưng vẫn chưa rõ việc ngủ nướng có thể ảnh hưởng như thế nào đến nhịp sinh học của cơ thể, nhịp sinh học kiểm soát huyết áp, sự trao đổi chất, nhiệt độ cơ thể… Một nghiên cứu cho thấy những người ngủ nướng có nhịp tim lúc nghỉ ngơi cao hơn, vẫn cần thêm những nghiên cứu để làm sáng tỏ mối liên quan này.

Tiến sĩ Kansagra cho biết, thay vì đặt báo thức và sau đó lại tiếp tục nhấn nút báo lại vào buổi sáng để ngủ, thì nên đặt báo thức vào thời điểm trễ nhất cần thức giấc và như vậy thức dậy với một lần báo thức thay vì nhiều lần.

Tiến sĩ chia sẻ: “Chỉ cần đặt báo thức của bạn vào thời gian muộn nhất có thể mà bạn có thể thức dậy. Bằng cách đó, bạn đảm bảo mình ngủ được nhiều nhất có thể với chất lượng tốt hơn thay vì phải nhấn nút báo lại nhiều lần.”

Dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn

Vấn đề ẩn sau hành vi liên tục sử dụng chức năng báo thức lại (Ảnh: Internet)

Fuller cho biết mặc dù việc ngủ nướng không phải là một phần lý tưởng trong thói quen ngủ nhưng chắc chắn nó không nguy hiểm.

Mối quan tâm thực sự ở đây là việc nhấn nút báo lại thường xuyên có thể là triệu chứng của một vấn đề lớn.

Mặc dù điều này có vẻ khó xảy ra, nhưng các chuyên gia đã đồng ý rằng trong một thế giới hoàn hảo, mọi người thậm chí không cần đến đồng hồ báo thức để thức dậy vào buổi sáng. Họ nên thức dậy một cách tự nhiên khi cơ thể đã ngủ đủ mức cần thiết.

Fuller nói: “Vấn đề không nằm ở đồng hồ báo thức và nút báo thức lại, mà là chúng ta đang thiếu ngủ và cần ngủ thêm.”

Thật không may, thói quen sử dụng chức năng báo thức lại khá phổ biến. Trong một nghiên cứu, hơn một nửa số người – khoảng 57% – được báo cáo là cần nhiều lần báo thức để ra khỏi giường vào buổi sáng. Và khoảng một phần ba người Mỹ trưởng thành không ngủ đủ giấc, với gần 40% nói rằng họ ngủ gật ít nhất một lần một tháng.

Vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc ngủ nướng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài như thế nào. Nhưng dữ liệu về tình trạng thiếu ngủ rất rõ ràng – nó có liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp II, trầm cảm, béo phì và bệnh tim, đồng thời có thể tạo ra những tình huống nguy hiểm khi mọi người đang lái xe hoặc làm việc.

Tìm một thói quen thức giấc lành mạnh hơn

Đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc là thói quen cần xây dựng (Ảnh: Internet)

Mặc dù việc nhấn nút báo thức lại vốn dĩ không có gì nguy hiểm, nhưng cảm giác không thể ra khỏi giường vào buổi sáng là lời cảnh báo rằng bạn có thể bị thiếu ngủ và có nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Tiến sĩ Kansagra giải thích rằng việc khắc phục tình trạng thiếu ngủ đòi hỏi phải có hai tiêu chí của một giấc ngủ ngon, đó là số lượng và chất lượng.

Nói chung, người trưởng thành nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Nhưng nếu đạt thời lượng mà vẫn cảm thấy mệt mỏi thì đó không hẳn đã là điều xấu.

Tiến sĩ Kansagra cho biết: “Nhu cầu ngủ của mọi người được xác định về mặt di truyền và thật không may là bạn không thể thay đổi nó. Bạn phải ngủ đủ giấc mà cơ thể bạn cần một cách tự nhiên.”

Con số đó cũng có thể dao động trong suốt cuộc đời của một người – người cao tuổi thường cần ngủ ít hơn, còn trẻ em và thanh thiếu niên thì cần nhiều hơn thế.

Ngoài số lượng, Tiến sĩ Kansagra cho biết điều quan trọng là giấc ngủ của một người cũng phải thực sự có chất lượng tốt.

Không thể ra khỏi giường ngay cả khi đã ngủ đủ số giờ được khuyến nghị có thể cho thấy một người đang phải vật lộn với chứng rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ hoặc hội chứng chân không yên, hoặc một vấn đề sức khỏe khác khiến họ khó chịu khi cố gắng ngủ, chẳng hạn như dị ứng hoặc viêm khớp. Đây là thời điểm cần tham khảo ý kiến ​​chuyên gia về thuốc ngủ.

Nói chung, một đêm ngon giấc cũng đòi hỏi phải tuân theo tất cả những điều cơ bản về thói quen ngủ hợp lý. Fuller và Tiến sĩ Kansagra cho biết, những điều này bao gồm giữ cho căn phòng mát mẻ, hạn chế ánh sáng, tránh dùng cà phê, rượu hoặc các chất khác, đồng thời duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy nhất quán.

Việc sử dụng đồng hồ báo thức là bình thường và tạo giác yên tâm, nhưng Fuller nói rằng tốt nhất là nên để nó ở xa để ít bị cám dỗ ngủ tiếp.

Tiến sĩ Kansagra nói: “Hãy ngủ đủ giấc mà bạn cần. Dấu hiệu tốt nhất cho điều đó là thức dậy vào buổi sáng với cảm giác hoàn toàn sảng khoái, không cần báo thức hay cần phải ngủ lại và không cần bất kỳ chất nào giúp bạn cảm thấy tỉnh táo trong ngày.”

Nguồn: health.com

  • Luyện tập thể dục bằng đôi chân trần, nên hay không?
  • Tác hại của việc uống quá nhiều thuốc kháng sinh

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *