Bạn muốn có cảm giác tập yoga giống như đang bay? Tư thế đom đóm (Tittibhasana) là bài tập yoga dùng cánh tay để giữ thăng bằng cơ thể, nhưng lại đòi hỏi sức mạnh của các cơ lõi nhiều hơn sức mạnh cánh tay. Dưới đây là hướng dẫn thực hiện tư thế đom đóm và những lưu ý bạn cần nhớ.
Tư thế đom đóm trong yoga là gì?
Trong tư thế này, hai chân đưa thẳng ra trước giống như râu của đom đóm. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến tư thế này có tên gọi như vậy. Đom đóm có khả năng phát sáng từ bên trong cơ thể, và tư thế này cũng giúp bạn làm điều đó – hãy khai thác năng lượng bên trong của bạn để sẵn sàng tỏa sáng.
Đây là một tư thế đòi hỏi khắt khe, bạn phải nâng hông của mình lên trong khi đưa cả hai đùi song song với sàn, điều này bắt buộc phải có sức mạnh của các cơ lõi, cơ gập hông và cánh tay. Nó cũng đòi hỏi năng lượng và sự tập trung, đó là lý do các chuyên gia yoga khuyên bạn nên tập tư thế này vào những ngày bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và thực sự khỏe mạnh.
- Kiểu tư thế: Giữ thăng bằng với cánh tay
- Tác động: Thân trên
Theo các chuyên gia, tư thế Tittibhasana dạy cho bạn sự kiên nhẫn trong quá trình luyện tập. Đó là tư thế giữ thăng bằng đòi hỏi sức mạnh cơ bắp, sự linh hoạt và chấp nhận có thể bị ngã xuống bất cứ lúc nào.
Lợi ích cho sức khỏe
Tư thế đom đóm giúp kéo giãn gân khoeo, khớp háng và lưng, giúp cải thiện tính linh hoạt của hông, mở rộng lồng ngực và giúp bạn tìm thấy cảm giác mới của cơ thể.
Hướng dẫn các bước thực hiện tư thế đom đóm
- Bắt đầu ở tư thế đứng gập người ra trước, bàn chân hơi xoay ra ngoài và đầu gối hơi co.
- Đưa tay phải xuống vòng ra sau bắp chân phải, sau đó đặt bàn tay xuống sàn phía sau gót chân và các ngón tay hướng ra trước. Thực hiện tương tự ở bên trái.
- Gập thân trên về phía trước và cẩn thận hạ đùi xuống phía sau cánh tay.
- Hít vào đồng thời nhấc chân lên khỏi sàn và duỗi thẳng chân. Bàn chân có thể duỗi thẳng hoặc gập lại.
- Giữ tư thế này trong 15 giây hoặc lâu hơn, sau đó thả chân xuống sàn và thở ra.
Lưu ý cho người mới bắt đầu
Những lưu ý sau đây sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi chấn thương và có trải nghiệm tốt nhất với tư thế đom đóm:
- Nếu tay của bạn chưa đủ sức mạnh để chống đỡ toàn bộ cơ thể thì bạn có thể thực hiện tư thế này dễ hơn bằng cách ngồi trên sàn, hai chân dang rộng một góc 90 độ. Đặt gót chân lên đồ kê và ấn lòng bàn tay xuống sàn ở giữa hai chân.
- Điều quan trọng là phải khởi động cho tư thế này bằng cách khởi động chân, hông và toàn bộ cơ thể bằng động tác Chào mặt trời. Có thể thực hiện Tư thế Chó úp mặt, sau đó là Tư thế mèo-bò, Anjaneyasana (Lunge thấp), Parivrtta Parsvakonasana (Tư thế góc quay xoay) và Lunge cao. Sau đó lặp lại tư thế Chó úp mặt và thực hiện Malasana (Tư thế Vòng hoa) trong 5-10 nhịp thở để kéo giãn phần lưng dưới và cột sống.
- Nếu bạn bị chấn thương ở vai, khuỷu tay, cổ tay hoặc lưng dưới thì nên tránh hoặc hạn chế tư thế này, hoặc thực hiện một biến thể nhẹ nhàng hơn như dưới đây.
Các biến thể của tư thế đom đóm
Tư thế đom đóm thấp với đầu gối co
Nếu bạn chưa có đủ sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng để duỗi thẳng hoàn toàn cả hai chân, thì có thể co đầu gối để giữ chân ở thấp.
Tư thế đom đóm kê tay cao
Thực hiện tư thế này với tay đặt trên đồ kê chắc chắn có thể giúp bạn cảm giác cơ thể mình được nâng cao hơn.
Các tư thế hỗ trợ và đối kháng
Tư thế hỗ trợ
- Uttanasana (Đứng cúi người về phía trước)
- Tư thế plank
- Chaturanga Dandasana (Tư thế cây gậy tứ chi)
- Malasana (Tư thế vòng hoa)
- Garudasana (Tư thế đại bàng) (chỉ tập cánh tay)
- Bakasana (Tư thế chim hạc)
- Baddha Konasana (Tư thế góc giới hạn)
- Prasarita Padottanasana (Chân rộng uốn cong về phía trước)
- Upavistha Konasana (Ngồi gập người ra trước góc rộng)
Tư thế đối kháng
- Uttanasana (Đứng cúi người về phía trước)
- Adho Mukha Svanasana (Tư thế chó úp mặt)
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!