Hiện nay có rất nhiều chế độ ăn kiêng, detox và các xu hướng ăn uống mới được mọi người quan tâm và làm theo. Nhưng có phải việc ăn kiêng lúc nào cũng là tốt? Dù mục tiêu của bạn là tăng cường dinh dưỡng hay giảm cân nhanh chóng thì ăn kiêng luôn có những ảnh hưởng mà bạn cần lưu ý.
Ăn kiêng là gì?
Điều quan trọng cần lưu ý là “ăn kiêng” thực sự có ý nghĩa như thế nào. Ở đây không đề cập đến những chế độ ăn kiêng theo khuyến nghị chính thức về y tế, chẳng hạn như chế độ ăn ít natri đối với bệnh tăng huyết áp, chế độ ăn FODMAP cho người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hay chế độ ăn tập trung vào thực vật dành cho người bị tăng cholesterol trong máu.
Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến những chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, cực đoan trong đó yêu cầu bạn phải loại bỏ một số loại thực phẩm nhất định khỏi chế độ ăn bình thường mà không liên quan tới các vấn đề y tế. Những chế độ ăn kiêng này thường hứa hẹn mang lại hiệu quả thần kỳ, thậm chí thay đổi cuộc sống của bạn, chẳng hạn như giảm cân nhanh hoặc tăng lực. Ngoài ra chúng thường có giới hạn thời gian, bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn trong 10 ngày, 30 ngày hoặc 3 tháng và được hứa hẹn là sẽ đạt được những kết quả đáng kinh ngạc mà không tốn nhiều công sức.
Nếu bạn có ý định thực hiện những kiểu ăn kiêng này thì trước tiên hãy tìm hiểu về những tác dụng tiêu cực của chúng đối với sức khỏe.
6 ảnh hưởng tiêu cực khi ăn kiêng không đúng cách
Dưới đây là 6 vấn đề thường gặp ở những người ăn kiêng không đúng cách khiến họ phải đến gặp các chuyên gia dinh dưỡng.
Ăn kiêng một cách cực đoan
Các chế độ ăn kiêng thường hoạt động theo chu kỳ gồm giai đoạn ăn kiêng và giai đoạn không ăn kiêng. Nhưng chúng không giúp bạn chuẩn bị cho cuộc sống bình thường sau khi ngừng ăn kiêng, kết quả là bạn quay lại với những thói quen ăn uống trước đây của mình. Sau đó bạn lại quyết định thử một chế độ ăn kiêng khác, cứ lặp lại như vậy.
Điều này tạo ra sự mất cân bằng về dinh dưỡng và được cho là nhược điểm lớn nhất của các chế độ ăn kiêng. Nó khiến bạn không thể làm cả hai việc cùng lúc là thưởng thức đồ ăn ngon và chăm sóc sức khỏe bằng việc ăn uống. Nó khiến bạn có cảm giác như ăn kiêng là tốt và không ăn kiêng là xấu, không có khoảng ở giữa.
Dẫn đến cảm giác thèm ăn nhiều hơn
Bạn thực sự muốn ăn món kem yêu thích của mình trong tủ lạnh, nhưng bạn lại tự nhủ rằng mình không được ăn? Kết quả là bạn càng muốn ăn nó nhiều hơn nữa. Và không chỉ vậy, bạn còn thèm ăn đến mức nó gần như chiếm lấy suy nghĩ của bạn và đột nhiên trở thành điều quan trọng nhất trong tâm trí bạn.
Đây là nhược điểm thứ hai của việc ăn kiêng: cảm giác thèm ăn cực độ. Khi bạn thực sự muốn ăn một món gì đó nhưng bị đột ngột hạn chế hoặc loại bỏ nó khỏi chế độ ăn bình thường, suy nghĩ của bạn sẽ ngay lập tức chuyển sang trạng thái thèm ăn. Bạn không thể ngừng suy nghĩ về những món mà bạn phải kiêng và cảm giác tuyệt vời như thế nào khi được ăn chúng. Kết quả là bạn phải đấu tranh tinh thần với chính mình để ngăn cảm giác thèm ăn. Đây là vấn đề mà chắc chắn bạn đã từng trải qua nếu đang ăn kiêng.
Dẫn đến mất kiểm soát đối với thực phẩm
Sau khi những cơn thèm ăn như trên xuất hiện, tiếp theo sẽ là sự mất kiểm soát. Ví dụ bạn đang ăn kiêng nhưng có một buổi đi chơi với bạn bè vào tối cuối tuần, bạn biết là “không được phép” ăn pizza, nhưng lại có món pizza trong bữa tiệc. Cuối cùng bạn đã ăn nó, sau đó khi về nhà bạn nghĩ: “Mình bị sao vậy? Mình hoàn toàn không kiểm soát được khi thấy pizza”. Nhưng có đúng là bạn không có quyền kiểm soát? Không, chỉ đơn giản là chế độ ăn kiêng tạo ra cảm giác này.
Nhược điểm của việc ăn kiêng là nó không chỉ gây ra cảm giác thèm ăn mà còn gây ra suy nghĩ “khan hiếm”. Bởi vì chế độ ăn kiêng nói với bạn rằng pizza là “không tốt”, “không được phép” và “ngoài giới hạn”, nên bất cứ khi nào bạn nhìn thấy pizza thì dường như đó là cơ hội duy nhất của bạn và bạn phải ăn vì nó khan hiếm. Cuối cùng bạn ăn nhiều hơn mức mà bạn thực sự muốn, ăn quá mức cho phép và dường như mất kiểm soát. Ngày hôm sau bạn cảm thấy tội lỗi và căng thẳng, khiến bạn tự nhủ rằng hôm nay sẽ “bắt đầu lại” và “làm tốt hơn”, cứ lặp lại như vậy.
Chỉ đạt kết quả ngắn hạn
Như vậy chúng ta đã biết chế độ ăn kiêng gây ra sự mất kiểm soát đối với thực phẩm, khiến chúng ta thèm ăn nhiều hơn và khiến chúng ta dao động qua lại giữa những thói quen không tốt, nhưng tại sao mọi người vẫn thực hiện điều đó?
Bởi vì ăn kiêng có thể mang lại kết quả ngắn hạn và nhanh chóng. Các chế độ ăn kiêng tạm thời có tác dụng vì chúng quá khắc nghiệt, chỉ cần bạn tuân theo các quy tắc của chúng, bạn sẽ thấy kết quả trong thời gian ngắn. Điều đó khiến bạn bị thuyết phục và cảm thấy ăn kiêng có hiệu quả. Nhưng rất nhanh sau đó bạn lại thèm ăn và ăn nhiều hơn, rồi quay trở lại ăn kiêng để lấy lại những kết quả đó, cứ tiếp tục như vậy.
Nhược điểm của việc ăn kiêng là những kết quả mà bạn đạt được thường không thể duy trì lâu dài mà chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và khiến bạn “nghiện”, khiến bạn muốn lặp lại nhiều hơn để có được kết quả đó.
Ảnh hưởng tới cảm giác tự nhiên của cơ thể
Khi chúng ta bắt buộc phải tuân theo các quy tắc ăn kiêng không mong muốn, sẽ rất khó để nhận ra cơ thể chúng ta thực sự muốn gì và cần gì. Cơ thể có khả năng cảm nhận và cho chúng ta biết những món nào là ngon hay không ngon, và báo hiệu khi nào chúng ta cảm thấy đói no. Nhưng chế độ ăn kiêng lại thay đổi những điều đó, yêu cầu chúng ta phải ăn một số món nhất định mỗi ngày với lượng calo cụ thể và chỉ có thể ăn vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Những người ăn kiêng lâu ngày hầu như không biết cảm giác đói hay no thực sự là như thế nào, và họ cũng khó phân biệt những món họ thực sự thích với những món mà họ tin rằng họ “nên” ăn. Đây là một vấn đề của việc ăn kiêng. Mối quan hệ cân bằng, bền vững với thực phẩm phải giúp chúng ta cảm nhận cơ thể tốt hơn chứ không phải chống lại nó, nhưng chế độ ăn kiêng sẽ khiến bạn chống lại những cảm giác đó và bỏ qua chúng.
Làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn và tốn thời gian
Khi bạn đang ăn kiêng hoặc đã quen với việc ăn kiêng thường xuyên thì việc lựa chọn thức ăn bắt đầu trở nên phức tạp, chiếm rất nhiều thời gian và suy nghĩ của bạn. Bạn phải cố gắng nhớ lại các quy tắc, nhớ ngày hôm đó bạn đã ăn gì hoặc tối qua bạn đã ăn bao nhiêu. Thậm chí bạn phải viết tất cả ra giấy để tính toán chính xác hơn.
Việc lựa chọn thực phẩm trở thành một phần kiểm soát cuộc sống của bạn, ảnh hưởng tới hành động của bạn và thậm chí là những hoạt động xã hội của bạn. Đây là ảnh hưởng tiêu cực của việc ăn kiêng. Thức ăn là để thưởng thức và cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, không nên trở thành vấn đề khó khăn và ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bạn.
Lời kết
Khi bạn có mối quan hệ cân bằng, bền vững với thực phẩm, bạn sẽ không gặp phải những vấn đề bất lợi của ăn kiêng như trên. Bạn có thể ăn một món gì đó vì bạn thực sự muốn ăn nó, đồng thời cảm thấy có thể kiểm soát được các lựa chọn và hành động của mình. Bạn có thể trải nghiệm các hoạt động xã hội một cách dễ dàng. Bạn thậm chí còn cảm thấy tự tin khi lắng nghe cảm giác của cơ thể và thưởng thức đồ ăn để cảm thấy hạnh phúc.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!