Bạn đã nghe nói ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại và máy tính gây hại cho mắt, làm khó ngủ, nhưng với làn da thì sao? Khuôn mặt của chúng ta thường xuyên đối diện với các màn hình, da có bị lão hóa và xấu đi không? Nếu có thì làm cách nào để bảo vệ da? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Lâu nay chúng ta thường lo lắng về thủ phạm gây lão hóa sớm và ung thư da là tia UVA và UVB trong ánh nắng mặt trời, nhưng trong vài năm gần đây các nhà khoa học đã bắt đầu tìm hiểu về một loại ánh sáng khác cũng có nguy cơ gây hại cho da, đó là ánh sáng xanh.
Ánh sáng xanh luôn có sẵn trong ánh sáng mặt trời, nhưng ngày nay các thiết bị điện tử hiện đại như điện thoại và máy tính đang trở thành nguồn ánh sáng xanh phổ biến và đáng lo ngại hơn. Các bác sĩ cho biết ngày càng có nhiều người tìm cách chặn ánh sáng xanh để chăm sóc da và bảo vệ sức khỏe nói chung.
Ánh sáng xanh là gì?
Ánh sáng xanh là một phần nằm trong quang phổ ánh sáng mà mắt của con người có thể nhìn thấy được (bước sóng 380 đến 500 nanomet), có sẵn tự nhiên trong ánh sáng mặt trời. Theo các chuyên gia, ánh sáng xanh có khả năng xuyên qua da sâu hơn tia UV nhưng hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy nó liên quan với ung thư da.
Theo Viện Nhãn khoa Mỹ, hầu hết ánh sáng xanh mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày đều đến từ mặt trời, còn lượng ánh sáng xanh phát ra từ các màn hình chỉ là một phần nhỏ. Nhưng vấn đề là chúng ta sử dụng các thiết bị này rất thường xuyên và chúng luôn ở rất gần khuôn mặt của người dùng.
Đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, hầu hết mọi người đều phải sử dụng các thiết bị điện tử để học tập và làm việc nên càng tiếp xúc với ánh sáng xanh nhiều hơn. Mặc dù lượng ánh sáng này rất thấp nhưng thời gian tiếp xúc quá lâu cũng khiến nhiều người lo ngại: liệu ánh sáng xanh có gây hại cho làn da và sức khỏe nói chung?
Ánh sáng xanh ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
Các nhà khoa học đã biết rằng ánh sáng xanh có thể gây mỏi mắt, dù có nguồn gốc từ mặt trời hay các màn hình. Một bản đánh giá được đăng trên Tạp chí Nhãn khoa Quốc tế tháng 12/2018 cho biết: ánh sáng xanh năng lượng cao có bước sóng từ 415 đến 455 nanomet có thể xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể đến võng mạc, từ đó có thể gây ra các bệnh như khô mắt, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do lão hóa.
Các tác giả của nghiên cứu cũng cho biết: ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến quá trình tạo hormone của cơ thể, gây mất cân bằng hormone và rối loạn giấc ngủ.
Ánh sáng xanh có ảnh hưởng gì đối với làn da?
Đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của ánh sáng xanh đối với làn da, nhưng một vài nghiên cứu sơ bộ đã đưa ra gợi ý.
Một nghiên cứu từ năm 2010 trên Tạp chí Da liễu Điều tra đã phát hiện: những người có da sẫm màu khi tiếp xúc với ánh sáng xanh sẽ bị sưng tấy, mẩn đỏ và thay đổi sắc tố nhiều hơn so với những người có da sáng màu tiếp xúc với tia UVA mức độ tương tự. Ánh sáng xanh khi xâm nhập qua da có thể gây phản ứng oxy hóa làm tổn thương DNA, phá hủy các sợi collagen và elastin có chức năng giữ độ đàn hồi của da.
Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Oxidative Medicine and Cellular Longevity tháng 2/2015 cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng xanh có liên quan với sản sinh các gốc tự do trong da, được cho là thủ phạm gây lão hóa sớm.
Triệu chứng tổn thương da do ánh sáng xanh là gì?
Một số bác sĩ nói rằng ánh sáng xanh có thể gây triệu chứng tổn thương rõ rệt trên da như thay đổi sắc tố, mẩn đỏ, sưng tấy, xuất hiện nếp nhăn sớm. Tuy nhiên lại có quan điểm cho rằng chưa thể khẳng định chắc chắn ánh sáng xanh làm hại da. Thậm chí trên thực tế ánh sáng xanh còn được sử dụng để điều trị một số vấn đề của da như mụn trứng cá, và chưa có bằng chứng cho thấy phương pháp điều trị này gây hại cho sắc tố của da.
Làm cách nào để bảo vệ da khỏi tác hại tiềm ẩn của ánh sáng xanh?
Cách tốt nhất là hạn chế sử dụng các màn hình điện tử, ngoài ra có một số cách khác để giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh như dùng tấm chắn cho màn hình, giảm độ sáng màn hình hoặc đeo tai nghe khi dùng điện thoại để không cần áp sát màn hình vào mặt.
Các chuyên gia da liễu cũng khuyên nên thoa kem chống nắng lên mặt mỗi ngày với chỉ số SPF từ 30 trở lên. Đặc biệt nên chọn loại kem chống nắng vật lý như EltaMD hay Coola có chứa oxit kẽm hoặc titanium dioxide, vì loại kem chống nắng hóa học có thể ngăn tia UVA và UVB nhưng không chặn được các tia sáng xanh. Kem chống nắng khoáng có màu được cho là tốt hơn vì có khả năng ngăn ánh sáng xanh tiếp xúc với bề mặt da.
Hiện nay oxit kẽm và titanium dioxide là 2 hoạt chất duy nhất được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận là an toàn và hiệu quả khi dùng trong kem chống nắng. Một số chuyên gia cũng khuyên dùng loại kem chống nắng khoáng phổ rộng của thương hiệu Colorescience Sunforctures có khả năng chống lại ánh sáng năng lượng cao.
Đối với các sản phẩm được quảng cáo là “chống tác hại của ánh sáng xanh”, các chuyên gia cho rằng chưa thể khẳng định hiệu quả thực sự của chúng vì chưa có nhiều nghiên cứu rõ ràng về tác hại của ánh sáng xanh đối với làn da. Hầu hết các sản phẩm “chống ánh sáng xanh” có chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ da khỏi các gốc tự do, vì vậy chúng vẫn có thể giúp chăm sóc làn da ở mức độ nhất định.
Làm thế nào để phục hồi làn da đã bị tổn thương?
Vì ánh sáng xanh kích thích các gốc tự do phá hủy collagen nên các chuyên gia thường khuyên dùng sản phẩm chăm sóc da có chứa chất chống oxy hóa như vitamin C (axit ascorbic). Vitamin C thường được bổ sung vào các loại serum giúp bảo vệ da khỏi stress oxi hóa từ môi trường. Một thành phần khác có thể giúp phục hồi da là oxit sắt.
Nghiên cứu đã cho thấy vitamin C có thể giúp ngăn lão hóa da do ánh sáng và giúp điều trị tình trạng tăng sắc tố, trong khi oxit sắt có thể làm giảm độ nhạy cảm của làn da đối với ánh sáng xanh.
Như vậy là bạn đã biết ánh sáng xanh có ảnh hưởng như thế nào đối với làn da của mình. Bạn có đang áp dụng các biện pháp bảo vệ da khỏi ánh sáng xanh không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!