Bạn đã hiểu đúng về ung thư da? 13 điều lầm tưởng cực sai mà rất thường gặp

Ung thư da rất dễ phát hiện, chỉ cần nhìn da mỗi ngày là biết được? Có thể sử dụng giường tắm nắng để tạo làn da ngăm khỏe mạnh mà không sợ bị ung thư da? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn khám phá sự thật về những điều lầm tưởng cực sai này nhé!

1. Chỉ những người hay tắm nắng mới bị ung thư da?

Tắm nắng sai cách chắc chắn gây hại cho da, nhưng chúng ta cũng thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím có hại thông qua các hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như khi đi dạo trong công viên hoặc chơi thể thao ngoài trời.

Không chỉ có tắm nắng mới làm cho da tiếp xúc với tia cực tím (Ảnh: Internet).

Những người làm việc ngoài trời có nguy cơ bị tổn thương da nhiều hơn. Tia cực tím có thể tấn công làn da ngay cả trong những ngày trời mát mẻ, và cơ thể chúng ta không cảm nhận được điều đó. Tất cả các trường hợp tiếp xúc quá nhiều với tia UV đều làm tăng khả năng xuất hiện ung thư da.

2. Những người có da sẫm màu sẽ không bị ung thư da?

Đúng là màu da ngăm sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi tia UV, nhưng vẫn có thể nhận đủ lượng bức xạ có hại để gây tổn thương vĩnh viễn cho DNA của tế bào da và làm tăng khả năng hình thành ung thư da. Tất cả mọi người bất kể màu da và loại da như thế nào đều nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi đi ra ngoài.

3. Phơi nắng lâu mới đủ để tạo ra vitamin D cho cơ thể?

Ngay cả với mức độ tia cực tím thấp thì chỉ cần một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày là đủ để cung cấp vitamin D. Có thể tận dụng ánh nắng thông qua các hoạt động đơn giản hằng ngày như đợi xe buýt hoặc ra ngoài ăn trưa.

Các hoạt động ngoài trời giúp cơ thể nhận đủ lượng ánh nắng để tổng hợp vitamin D (Ảnh: Internet).

Những người sống ở nơi có mức độ tia UV rất thấp có thể dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời, và những người có làn da rất sẫm màu cũng vậy. Tuy nhiên tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng sẽ làm tổn thương da và tăng khả năng mắc ung thư.

4. Vào những ngày có gió, mát mẻ hoặc nhiều mây thì không cần sợ ánh nắng và tia cực tím?

Da của chúng ta không thể cảm nhận được bức xạ UV, trong khi nó có thể đạt mức độ khá cao vào những ngày hè mát mẻ hoặc có gió. Tia UV cũng có thể xuyên qua một số đám mây, do đó vào những ngày trời mát cũng có thể làm da bị tổn thương.

Luôn phải cảnh giác với tia UV kể cả vào những ngày trời mát (Ảnh: Internet).

Nhiều người lầm tưởng rằng nếu trời không quá nắng nóng thì không cần lo cho da, nhưng điều này không đúng. Thủ phạm gây cháy nắng là tia cực tím chứ không phải nhiệt độ, do đó điều quan trọng là phải biết được mức độ tia UV nhiều đến đâu. Ngày nay có nhiều ứng dụng trên điện thoại có thể đo được tia UV trong môi trường, chẳng hạn như app SunSmart.

5. Nếu phơi nắng làm da ngăm nhưng không bị cháy nắng thì cũng không cần chống nắng?

Thực tế là phơi nắng không bao giờ an toàn tuyệt đối cho da. Khi da chuyển sang màu ngăm đen cũng có nghĩa là các tế bào đang phản ứng lại với tổn thương do bức xạ UV gây ra.

Làn da rám nắng có thể đi kèm với nguy cơ ung thư da (Ảnh: Internet).

DNA trong tế bào da có thể bị tổn thương ngay cả khi không có triệu chứng bong tróc hoặc đỏ da. Các tế bào da càng bị tổn thương nhiều thì nguy cơ hình thành ung thư càng tăng lên, vì vậy ngay cả những người có làn da rám nắng “khỏe mạnh” cũng nên sử dụng các biện pháp chống nắng.

6. Chỉ cần thoa kem chống nắng ngay trước khi đi ra ngoài trời?

Nếu bạn thoa kem chống nắng rồi đi ra ngoài ngay, thậm chí là đi ra rồi mới thoa kem, thì da có thể sẽ bị tia cực tím độc hại tấn công như thường. Vào những ngày trời quá nóng, kem chống nắng có thể bị chảy ra và không được da hấp thụ đầy đủ nếu thoa quá trễ. Tốt nhất bạn nên thoa kem chống nắng phổ rộng SPF 50+ khoảng 30 phút trước khi đi ra ngoài.

Thoa kem chống nắng một lúc rồi mới đi ra ngoài (Ảnh: Internet).

7. Cửa kính ô tô có thể bảo vệ làn da khỏi bị cháy nắng?

Da vẫn có thể bị tổn thương khi được cửa kính ô tô che chắn, đặc biệt là loại cửa không có lớp phủ đặc biệt. Mặc dù kính có thể làm giảm lượng tia cực tím chiếu xuyên qua nhưng lượng tia còn lại vẫn là quá nhiều, do đó thay vì ỷ lại vào cửa kính thì bạn nên thoa kem chống nắng ngay cả khi ngồi trong xe để bảo vệ da mình.

Nên dùng miếng dán chuyên dụng để chắn tia UV (Ảnh: Internet).

8. Giường tắm nắng là phương pháp an toàn để có làn da ngăm mà không sợ cháy nắng?

Giường tắm nắng là thiết bị tạo ra tia UV giống như ánh nắng mặt trời (Ảnh: Internet).

Giường tắm nắng tạo ra lượng tia UV nhiều hơn đáng kể so với ánh sáng mặt trời, trên thực tế là hơn 3 lần. Nghiên cứu cho thấy những người sử dụng giường tắm nắng trước 35 tuổi có nguy cơ phát triển ung thư da melanoma tăng 35%. Mỗi lần sử dụng thiết bị này sẽ làm tổn thương da của bạn và có thể khiến da trở nên thô ráp, nhăn nheo.

Giường tắm nắng chắc chắn không phải là cách an toàn để mang lại làm da ngăm khỏe mạnh, và thực tế cũng không có cách nào được coi là an toàn cả.

9. Nếu ung thư da xuất hiện thì cũng rất dễ nhận biết và điều trị?

Đây là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất về ung thư da. Việc tự quan sát và kiểm tra làn da của mình thường xuyên là rất quan trọng và nên làm, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu bất thường của da. Một số triệu chứng rất nhỏ và khó phát hiện, đó là chưa kể có những vùng da rất khó quan sát nếu tự làm một mình.

Điều trị ung thư da có thể rất phức tạp và “mạnh tay” trong một số trường hợp, đặc biệt là nếu không được phát hiện sớm. Do đó đừng bao giờ xem nhẹ căn bệnh này, hãy thường xuyên kiểm tra và đến gặp bác sĩ có kinh nghiệm để xác định bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào trên da càng sớm càng tốt.

10. Chỉ cần sử dụng biện pháp chống nắng cho da mặt, các phần còn lại của cơ thể không quan trọng?

Nhiều người rất chú ý đến da mặt và vùng cổ nhưng lại quên bảo vệ cho các phần còn lại của cơ thể. Mặc dù mặt và cổ thường là những vùng da tiếp xúc với ánh nắng nhiều nhất, nhưng các bộ phận khác cũng có thể bị cháy nắng và gây ra tổn thương da nghiêm trọng.

Tất cả mọi vùng da đều có thể bị tổn thương và hình thành ung thư (Ảnh: Internet).

Hãy nhớ rằng nếu da bị rám nắng thì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng với lượng tia UV quá mức, do đó sử dụng kem chống nắng phổ rộng cho tất cả các vùng da bị lộ ra ngoài là rất quan trọng.

11. Các sản phẩm “giả rám nắng” có thể bảo vệ da khỏi tổn thương?

Kem nhuộm da nâu có chống lại tia UV được không? (Ảnh: Internet).

Các loại kem giả rám nắng làm cho da trở nên sẫm màu hơn, nhưng chúng không có tác dụng bảo vệ da khỏi tia UV. Một số sản phẩm có chứa chất chống nắng trong công thức, khi đó chúng sẽ có tác dụng như kem chống nắng bình thường và chỉ có khả năng bảo vệ hạn chế tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bạn sẽ phải thoa lại liên tục hoặc sử dụng kem chống nắng bình thường để đảm bảo.

Bạn có thể mua kem nhuộm da nâu tại đây

12. Các loại mỹ phẩm được dán nhãn SPF cũng đủ khả năng bảo vệ da khỏi tia UV?

Mỹ phẩm và kem dưỡng ẩm thường không chứa bất kỳ thành phần chống nắng nào, vì chúng không được sản xuất ra với vai trò là sản phẩm chống nắng. Do vậy bạn vẫn nên thoa kem chống nắng bình thường trước khi dùng mỹ phẩm.

Chỉ những sản phẩm có SPF 30+ mới có khả năng bảo vệ da đạt chuẩn trong một khoảng thời gian nhất định. Tốt nhất là hãy đọc kỹ hướng dẫn để biết thời gian bảo vệ kéo dài bao lâu và nên thoa lại kem chống nắng thường xuyên để tránh da bị tổn thương.

13. Tất cả các loại kem chống nắng đều có tác dụng như nhau?

Chỉ có kem chống nắng phổ rộng mới ngăn được cả tia UVA và UVB, và lý do cần loại kem như vậy là vì UVA làm da bị lão hóa còn UVB làm bỏng da. Tiếp xúc quá nhiều với những tia độc hại này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da.

Kiểm tra hạn sử dụng của kem chống nắng cũng rất quan trọng, vì kem quá hạn có thể bị giảm tác dụng.

Trên đây là những điều lầm tưởng về ung thư da và sự thật chính xác mà bạn nên biết. Hãy chăm sóc làn da của mình đúng cách để luôn khỏe đẹp, tràn đầy sức sống nhé!

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *