Bệnh nhân đái tháo đường sử dụng đồ uống có cồn được không và chất tạo ngọt bao nhiêu là hợp lý?

Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng. Vậy, bệnh nhân đái tháo đường có thể sử dụng thức uống có cồn hay không, và tiêu thụ chất tạo ngọt bao nhiêu là hợp lý? Để Kinhnghiem360.edu.vn bật mí cho nè!

Bệnh nhân đái tháo đường tiêu thụ quá nhiều thức uống có cồn sẽ dẫn đến những nguy cơ gì?

  • Xơ gan do rượu
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn mỡ máu
  • Nguy cơ hạ đường huyết, đặc biệt ở những người đang điều trị bằng insulin. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Nguyên nhân là do rượu ức chế quá trình tạo đường glucose ở gan. Chính vì vậy, những người đái tháo đường không ăn mà uống rượu sẽ dẫn tới hạ đường huyết.

Khuyến cáo tiêu thụ thức uống có cồn ở bệnh nhân đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường cần tuân theo khuyến cáo khi sử dụng đồ uống có cồn (Nguồn: Internet)

Bệnh nhân đái tháo đường có thể tiêu thụ thức uống có cồn ở mức vừa phải. Mức vừa phải đối với nữ là dưới 1 đơn vị cồn/ngày và đối với nam là dưới 2 đơn vị cồn/ngày. 1 đơn vị cồn tương đương 1 lon bia 330ml hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.

Tuy nhiên, những bệnh nhân có kèm rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp hay suy giảm chức năng gan thì nên hạn chế tiêu thụ thức uống có cồn. Nên ăn thực phẩm giàu chất bột đường như cơm, mì, khoai,… khi uống bia rượu.

Trong những ngày uống bia rượu, bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi đường huyết thường xuyên, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Khuyến nghị sử dụng chất tạo ngọt cho bệnh nhân đái tháo đường

Đường cát, mật ong giúp tạo vị ngọt cho món ăn. Thế nhưng, những loại đường đơn giản này làm tăng nhiều và tăng nhanh đường huyết. Do đó, để tạo vị ngọt mà không ảnh hưởng nhiều đến đường huyết, người ta thường sử dụng chất tạo ngọt. Đây là chất có đậm độ ngọt cao hơn nhiều lần so với đường sucrose (đường cát thường dùng thông thường) và được phân thành 2 loại tùy theo chất tạo ngọt đó có cung cấp năng lượng hay không.

Chất tạo ngọt không cung cấp năng lượng (đường hóa học)

Chất tạo ngọt không cung cấp năng lượng có độ ngọt cao gấp hàng trăm lần so với đường sucrose (đường cát) và đặc biệt là không làm tăng đường huyết. Một số loại đường hóa học phổ biến là saccharin, aspartam, acesulfam potassium. Hiện nay, đường cyclamate đã bị cấm sử dụng.

Trong thời kỳ mang thai và cho con bú thì không khuyến cáo sử dụng đường saccharin, thay vào đó thì nên sử dụng liều lượng vừa phải aspartam và acesulfam potassium. Các loại đường này được sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm cho người ăn kiêng và đái tháo đường. Ví dụ như nước ngọt Coca Light sử dụng aspartam để tạo vị ngọt.

Nên hạn chế tối đa sử dụng đường (Nguồn: Internet)

Chất tạo ngọt aspartam có liều sử dụng an toàn hàng ngày (Acceptable Daily Intake – ADI) là 40 mg/kg/ngày. Chất tạo ngọt acesulfam potassium có liều sử dụng an toàn hàng ngày (Acceptable Daily Intake – ADI) là 15 mg/kg/ngày. Chất tạo ngọt saccharin có liều sử dụng an toàn hàng ngày (Acceptable Daily Intake – ADI) là 5 mg/kg/ngày.

Trên đây là liều sử dụng an toàn hằng ngày các chất tạo ngọt không cung cấp năng lượng. Thực tế thì liều sử dụng an toàn mỗi ngày (ADI) cao hơn rất nhiều so với liều sử dụng trong tạo ngọt món ăn. Tuy nhiên, các chất tạo ngọt này được xếp vào nhóm phụ gia thực phẩm và được khuyến cáo là sử dụng càng ít càng tốt, nếu được, không nhất thiết phải dùng.

Chất tạo ngọt có cung cấp năng lượng

Chất tạo ngọt có cung cấp năng lượng bao gồm 2 loại, một là thành phần của trái cây như đường fructose và hai là đường rượu như sorbitol, xylitol, manitol, isomalt,… Nếu sử dụng nhiều đường rượu có thể gây đau bụng, tiêu chảy. Những loại đường này có khả năng tạo vị ngọt không cao hơn đường sucrose (đường cát) và gây tăng đường huyết yếu hơn.

Nên sử dụng đường trong mức cho phép (Nguồn: Internet)

Các chất tạo ngọt này có thể sử dụng cho người đái tháo đường nhưng cần chú ý giảm đi lượng glucid tương ứng. Tiêu thụ một lượng vừa phải chất tạo ngọt có thể được xem là một phần của chế độ ăn cân bằng cho bệnh nhân đái tháo đường. Một điểm đáng lưu ý là không nên sử dụng chất tạo ngọt để chữa hạ đường huyết.

  • Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
  • Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Hà Nội (2016) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *