Bệnh sởi là căn bệnh rất thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh không tái lại do cơ thể tự miễn dịch sau lần đầu bị bệnh. Nói như vậy không có nghĩa là ở tuổi trưởng thành không mắc bệnh mà chúng ta vẫn có thể gặp bệnh sởi ở người lớn với những dấu hiệu điển hình.
Bệnh sởi là gì?
Sởi là một căn bệnh phổ biến, do virus gây ra. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường lây qua đường hô hấp, vì vậy nếu không kiểm soát chặt chẽ rất dễ tạo thành dịch bệnh khó ngăn chặn và có thể đem lại những biến chứng rất nguy hiểm.
Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ độ tuổi từ 1 đến 6. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể gặp bệnh sởi ở người lớn – những người chưa miễn dịch với bệnh, đặc biệt khi mắc bệnh sởi, người lớn biểu hiện các biến chứng nặng hơn ở trẻ em.
Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn
Thông thường khi mắc phải virus gây bệnh, người lớn sẽ có thời gian ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày (trung bình là 10 ngày) rồi mới phát tán và biểu hiện thành các triệu chứng cụ thể. Các triệu chứng điển hình ở bệnh sởi người lớn (thường giống bệnh sởi ở trẻ em) như là:
- Sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn: khi mắc bệnh sởi, triệu chứng đầu tiên xuất hiện là sốt cao. Bệnh nhân có thể sốt cao lên tới 39 – 40 độ kèm các triệu chứng mệt mỏi toàn thân, đau đầu và chán ăn, ăn kém.
- Viêm đường hô hấp trên: ho khan, ngạt mũi, chảy nước mũi.
- Mắt: sưng nề mi mắt, đỏ cộm, chảy nước mắt và sợ ánh sáng.
- Hạt Koplik: Có các hạt nhỏ màu trắng hoặc xám, kích thước 0,5-1mm và quầng ban đỏ nổi gồ lên trong bề mặt niêm mạc má (trong khoang miệng, ngang với răng hàm trên).
- Phát ban: sau sốt cao 3 – 5 ngày, người bệnh xuất hiện ban hồng nổi trên mặt da, bắt đầu từ sau tai, gáy, trán, mặt, cổ rồi lan ra toàn thân và tứ chi, không ngứa. Khi ban đã phát ra toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
Việc nắm bắt được những triệu chứng của bệnh giúp bệnh nhân kiểm soát và chữa trị căn bệnh của mình, tránh để lại biến chứng nguy hiểm sau này.
Bệnh sởi ở người lớn có nguy hiểm không?
Tuy bệnh sởi là căn bệnh phổ biến, dễ chữa và có thể chữa khỏi, nhưng người bệnh cũng không được chủ quan về căn bệnh của mình, vì nếu không điều trị bệnh tốt có thể để lại những biến chứng nguy hiểm.
Khác với trẻ nhỏ, người lớn khi mắc bệnh sởi có thể để lại biến chứng rất nặng nề (viêm não, động kinh, liệt…), thậm chí là tử vong (tỷ lệ tử vong ở người lớn mắc bệnh sởi lên đến 15%). Đối với phụ nữ mang thai khi mắc bệnh sởi có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non, sinh con nhẹ cân, thậm chí là sảy thai (mắc bệnh trong những tháng đầu mang thai thì tỉ lệ con bị dị tật bẩm sinh lên đến 50%).
Thực tế, rất nhiều người vẫn cho rằng sởi chỉ gặp ở trẻ em nên rất chủ quan. Vì vậy khó phát hiện các biến chứng để ngăn chặn kịp thời.
Thông thường, khi triệu chứng sốt và phát ban không còn, bệnh nhân sẽ nghĩ rằng đã khỏi hẳn, tuy nhiên, sau đó có rất nhiều trường hợp bị sốt cao trở lại kèm các cơn co giật, đau đầu, thay đổi ý thức từ lú lẫn tới hôn mê, có thể liệt các chi, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không kiểm soát). Đó là khi bệnh đã biến chứng thành viêm màng não hoặc viêm tủy. Người lớn mắc bệnh sởi cũng có thể gặp các biến chứng nặng khác như viêm phổi, viêm kết – giác mạc dẫn tới loét giác mạc và mù lòa, viêm phế quản phổi.
Cách điều trị bệnh sởi
Nguyên tắc điều trị bệnh sởi thực chất là điều trị các triệu chứng kết hợp với chế độ dinh dưỡng và vệ sinh hợp lý. Đối với bệnh này, nếu có điều kiện cách ly và chăm sóc đúng thì có thể để bệnh nhân điều trị tại nhà mà không cần nằm viện. Bên cạnh đó, cần phát hiện sớm các biến chứng của bệnh để kịp thời ngăn chặn.
Với những người mắc bệnh sởi đã để lại biến chứng, cần lưu ý trong điều trị:
- Bệnh nhân cần được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện cấp huyện trở lên.
- Nếu bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn, cần sử dụng kháng sinh tùy từng loại biến chứng, tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh phải dưới sự giám sát của bác sĩ điều trị.
- Bệnh nhân có biến chứng viêm não: chống viêm, chống phù nào, chống co giật.
- Các phương pháp điều trị và chăm sóc có thể được thực hiện thêm như: bồi phụ điện giải, làm sạch đờm dãi, hỗ trợ hô hấp nếu có suy hô hấp.
Phòng tránh bệnh sởi hiệu quả
Chắc chắn rằng việc phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều cần nắm rõ những kiến thức phòng bệnh dưới đây để đảm bảo tốt cho sức khỏe của bản thân. Để phòng bệnh sởi hiệu quả, chúng ta cần:
- Vệ sinh sạch sẽ: da, miệng, mắt.
- Cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng: các loại vitamin, protein, lipid… có trong các loại rau củ quả, thịt, cá, trứng, sữa…
- Thể dục: Tập luyện hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch.
- Cách ly: Có các chế độ cách ly với người bệnh thật tốt để tránh lây lan.
- Tiêm phòng sởi: Đây là phương pháp phổ biến được mọi người áp dụng. Có thể tiêm phòng tại bất kể cơ sở y tế nào uy tín. Tuy nhiên, cần lưu ý phụ nữ đang mang thai không thể tiêm phòng sởi. Vì vậy, các mẹ bầu nên có chế độ vệ sinh, chăm sóc và luyện tập hợp lý để giúp cơ thể khỏe mạnh tránh mắc bệnh.
Dinh dưỡng cho người bệnh sởi
Người mắc bệnh sởi cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng của bản thân. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể là cực kỳ quan trọng. Cụ thể:
- Bổ sung các loại vitamin cho cơ thể, đặc biệt là vitamin A. Theo khoa học chứng minh, vitamin A có thể làm giảm 50% nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh sởi. Ngoài ra, việc thiếu vitamin A có thể dẫn đến loét giác mạc, thậm chí là mù lòa.
- Bên cạnh đó, cần cung cấp cho cơ thể các chất cần thiết như protein, lipid, các chất khoáng, chất xơ có trong các thực phẩm tự nhiên như rau củ quả, thịt, cá, trứng, sữa…
- Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể người bệnh giúp bệnh nhân tăng cường hệ miễn dịch và mau chóng khỏi bệnh.
Tóm lại, bệnh sởi không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn có thể gặp ở người lớn và phụ nữ mang thai. Nếu không sớm chẩn đoán và điều trị được bệnh, nó có thể để lại các biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
Đừng quên tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích bạn nhé!