Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến sức khỏe của chúng ta?

Càng ngày chúng ta càng thấy nhiều thông tin về biến đổi khí hậu đáng lo ngại, từ băng tan, mực nước biển dâng cho tới nhiệt độ nóng hơn và thiên tai thường xuyên hơn. Bạn nghĩ rằng những chuyện đó chỉ dành cho các nhà khoa học chứ chẳng ảnh hưởng gì đến mình? Nghe có vẻ khó tin, nhưng thực ra những thay đổi về môi trường và khí hậu đều có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe của chúng ta ngay lúc này. Hãy cùng khám phá những tác động đó là gì nhé!

Các nhà khoa học hiện nay đều đồng ý rằng biến đổi khí hậu không chỉ là chuyện băng tan làm ảnh hưởng đến loài gấu Bắc Cực, và cũng không còn là vấn đề của tương lai nữa. Nó đang tác động đến sức khỏe của con người và đe dọa cuộc sống của chúng ta, một số khu vực dân cư đặc biệt đang phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu mỗi ngày.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới chúng ta ngay bây giờ (Ảnh: Internet)

Tổ chức Y tế Liên Mỹ đã gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21”, đe dọa hàng triệu con người trên khắp thế giới. Điều đó không hề phóng đại chút nào bởi khí hậu thay đổi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số ảnh hưởng rõ nhất được các chuyên gia tiết lộ và cách làm thế nào để giảm bớt tác hại của chúng.

Biến đổi khí hậu làm hại sức khỏe của chúng ta như thế nào?

1. Nhiệt độ nóng lên cản trở giấc ngủ ngon

Một nghiên cứu được đăng trên One Earth vào tháng 5/2022 cho thấy: vào năm 2099, nhiệt độ tăng có thể làm giảm thời gian ngủ của mỗi người từ 50 đến 58 giờ mỗi năm. Như vậy cũng tương đương với mất ngủ hơn một tuần trong mỗi năm.

Bạn có thấy khó ngủ khi trời nóng? (Ảnh: Internet)

Không cần chờ tới hàng chục năm nữa, chúng ta có thể nhận thấy điều này rất dễ dàng ngay bây giờ: mọi người khó ngủ hơn mỗi khi trời nóng, nhất là những người không có hệ thống làm mát hoặc thông gió tốt.

Tác động này càng nghiêm trọng hơn ở các đô thị do hiện tượng được gọi là “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”, khiến cho các khu vực nhà cửa đông đúc trở nên nóng hơn các khu vực ngoại ô và nông thôn. Đó là vì các bề mặt bê tông trong thành phố giữ nhiệt từ ánh sáng mặt trời nhiều hơn, đồng thời thiếu cây xanh nên càng nóng hơn. Ban đêm là lúc nhiệt được thải ra ngoài nhưng cũng bị mắc kẹt lại trong thành phố và sau đó tới buổi sáng sẽ kết hợp lại với nhau. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Các nghiên cứu cho thấy mất ngủ có liên quan với giảm chức năng nhận thức của trí óc và giảm khả năng miễn dịch đối với bệnh tật, cũng như tăng nguy cơ chấn thương, các vấn đề về tim mạch và sức khỏe tâm thần của con người.

2. Thời tiết thay đổi có thể làm tăng sự lây lan các bệnh truyền nhiễm

Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi có thể làm cho môi trường sống của chúng ta trở thành nơi cư trú lý tưởng của các loài vật mang mầm bệnh như muỗi và bọ ve. Điều đó cũng có nghĩa là các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết và bệnh Lyme có thể lây lan sang các khu vực mà trước đây rất ít nguy cơ bị bệnh. Nhiệt độ ấm hơn cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sinh sôi của một số mầm bệnh như vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.

Khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến các loài gây bệnh và truyền bệnh (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự di cư của động vật và cả con người để tìm những khu vực dễ sống hơn, nhưng điều đó cũng khiến chúng ta tiếp xúc với những căn bệnh lạ ít gặp trước đây. Khi nhiệt độ Trái đất nóng lên, một số loài động vật di chuyển dần về phía hai cực và do đó tiếp xúc với các loài động vật khác cũng như với con người, tạo cơ hội lan truyền bệnh giữa các loài.

Phá rừng cũng là một nguyên nhân quan trọng làm mất môi trường sống tự nhiên và khiến động vật di chuyển đến các khu vực mới, từ đó chúng có thể truyền mầm bệnh cho người hoặc động vật khác.

3. Ô nhiễm không khí gây các bệnh về đường hô hấp

Ô nhiễm không khí có liên quan với nhiều bệnh hô hấp. Nhiệt độ tăng lên gây ô nhiễm ôzôn nhiều hơn cũng như tạo ra nhiều khói bụi làm tổn thương đường hô hấp và làm nặng thêm các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi mãn tính như khí phế thũng và viêm phế quản. Ô nhiễm ôzôn cũng có thể gây ra bệnh hen.

Nhiều nơi trên thế giới đang hứng chịu hậu quả nặng nề của ô nhiễm không khí (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia cho biết rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng, giải phóng một lượng khói bụi khổng lồ có thể lan rộng hàng trăm cây số. Khói từ các vụ cháy rừng chứa đầy vật chất dạng hạt siêu nhỏ có thể làm nặng thêm bệnh hen suyễn, tăng nguy cơ đau tim và có liên quan đến sinh non cũng như các vấn đề nghiêm trọng khác của thai kỳ.

4. Phấn hoa trong không khí có thể làm nặng thêm các bệnh dị ứng và bệnh da

Nhiệt độ ấm hơn kích thích các loài thực vật tạo ra nhiều phấn hoa hơn, và đó là một trong những tác nhân gây dị ứng thường gặp. Nhiều người bị dị ứng nhận thấy tình trạng của mình trở nên nặng hơn vào mùa phấn hoa.

Khí hậu ảnh hưởng đến những người mắc chứng dị ứng phấn hoa (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo của Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Harvard, ô nhiễm carbon và nhiệt độ ấm lên khiến thực vật tạo ra nhiều phấn hoa hơn. Thậm chí các nhà khoa học đã dự đoán rằng lượng phấn hoa trung bình vào năm 2040 sẽ nhiều gấp đôi so với năm 2000. Và một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Allergologie Select năm 2021 cho thấy những thay đổi này cũng có thể khiến bệnh chàm da (còn gọi là eczema) trở nên trầm trọng hơn.

5. Sự lo lắng về môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Các chuyên gia đã nhận thấy sự lo lắng về môi trường và khí hậu ngày càng tăng trong xã hội của chúng ta: nhiều người muốn hành động để góp phần thay đổi nhưng có thể chưa đủ tuổi, chưa có kinh tế hoặc quyền lực để làm điều đó.

Sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề khí hậu (Ảnh: Internet)

Những người đã trải qua thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu cũng chịu tổn thương nặng nề về tinh thần và kéo dài nhiều năm sau đó. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychiatric Quarterly vào năm 2020 cho thấy các thảm họa nghiêm trọng do biến đổi khí hậu có thể làm mọi người gia tăng sử dụng rượu, mắc chứng lo âu, tức giận và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

6. Nhiệt độ nóng có thể ảnh hưởng đến các bệnh mãn tính

Theo các chuyên gia, nhiệt độ quá cao khiến cơ thể khó điều hòa thân nhiệt như bình thường, điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tim mạch cũng như các vấn đề liên quan như huyết áp cao và cholesterol cao. Cơ thể của họ dễ bị mất nước, say nắng và stress do nhiệt.

Người mắc bệnh tim mạch có thể gặp nguy hiểm khi trời nóng (Ảnh: Internet)

Biến đổi khí hậu từ lâu đã được biết là có liên quan với tăng nguy cơ mắc ung thư, nhưng nó cũng có thể làm trầm trọng thêm kết cục của các bệnh nhân ung thư. Theo một bài đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention năm 2020, các thảm họa thiên tai ngày càng nhiều hơn có thể giải phóng các chất gây ung thư vào môi trường khiến các biện pháp phòng chống bệnh và chăm sóc người bệnh trở nên khó khăn hơn, kém hiệu quả hơn.

Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu là trẻ em, phụ nữ mang thai, người có điều kiện kinh tế thấp và người có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính, ví dụ như người lớn tuổi. Khả năng tiếp cận với bệnh viện, trường học và hệ thống giao thông cũng ảnh hưởng đến cơ hội được chăm sóc sức khỏe, thậm chí có thể quyết định sinh mạng trong những trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, chất lượng nhà ở cũng đóng vai trò rất lớn giúp chúng ta giữ nhiệt độ mát mẻ, không khí trong lành ít mầm bệnh và an toàn trước thiên tai. Ví dụ như những ngôi nhà cũ có đường ống dẫn nước bằng chì sẽ nguy hiểm cho sức khỏe vì hàm lượng chì tăng cao trong nước uống vào những ngày thời tiết quá nóng.

Làm thế nào để góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe của chính mình?

Mỗi người chúng ta đều có thể tự bảo vệ chính mình và người khác (Ảnh: Internet)

Chống lại biến đổi khí hậu là một mục tiêu rất lớn, nhưng bạn cũng có thể thực hiện các bước đơn giản để góp phần bảo vệ bản thân và những người thân yêu của mình. Các chuyên gia gọi ý chúng ta nên làm những điều sau:

Tìm hiểu kiến thức về sức khỏe

Điều cực kỳ quan trọng là phải hiểu rõ sức khỏe của chính bản thân mình và gia đình để biết cách xử lý đúng trong mọi trường hợp. Bạn hãy hỏi bác sĩ về các thay đổi thời tiết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như nắng nóng, mùa lạnh và các chất gây dị ứng trong môi trường.

Trang bị sẵn các đồ dùng khẩn cấp

Mỗi gia đình đều nên có sẵn tủ thuốc đơn giản cùng với những vật dụng chăm sóc sức khỏe thông thường như bông băng, cồn sát khuẩn. Đặc biệt nếu bạn sống ở khu vực dễ xảy ra thiên tai như lũ lụt, bão hoặc cháy rừng thì càng phải trang bị thêm các đồ chuyên dụng để ứng phó có tình huống khẩn cấp.

Giảm ăn thịt

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Advances in Nutrition vào năm 2020 cho thấy chế độ ăn ít thịt và nhiều rau củ quả có liên quan với giảm phát thải khí nhà kính. Đó là do quá trình chăn nuôi động vật để lấy thịt tạo ra lượng khí thải nhiều hơn so với trồng thực vật. Ngoài ra cách ăn lành mạnh này cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ở con người để cơ thể có đủ sức chống chịu khi thời tiết thay đổi.

Giảm sử dụng đồ nhựa

Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên cho biết rằng các hành động nhỏ của mỗi cá nhân có thể góp phần tạo ra thay đổi lớn, và một số cách đơn giản để thực hiện điều đó là mang theo giỏ đựng đồ khi mua sắm, dùng bình đựng nước lâu dài thay cho chai nhựa dùng một lần và nấu ăn tại nhà nhiều hơn.

Chú ý đến các cảnh báo về nhiệt và tìm cách giữ mát cho bản thân

Theo các chuyên gia, chỉ cần vài giờ sử dụng điều hòa không khí mỗi ngày cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan với nhiệt độ cao. Nếu trong nhà không có máy lạnh, bạn có thể đến những nơi như trung tâm mua sắm, thư viện công cộng hoặc những điểm vui chơi có nước để làm mát cơ thể mình.

Uống đủ nước cũng là một cách bảo vệ cơ thể trong mùa nắng nóng (Ảnh: Internet)

Giữ cho phòng ngủ mát mẻ cũng giúp bạn ngủ ngon hơn và sức khỏe được đảm bảo. Ngoài ra cũng đừng quên chú ý theo dõi người thân của mình trong mùa nắng nóng, đặc biệt là người cao tuổi.

Ủng hộ các hoạt động bảo vệ khí hậu và chăm sóc sức khỏe công đồng

Bạn có thể tham gia các sự kiện để nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, mời gọi bạn bè và người thân của mình tham gia để cùng nhau thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đơn giản. Mỗi người chỉ đóng góp một chút công sức, nhưng kết hợp lại tất cả chúng ta sẽ tạo ra thay đổi lớn.

Trên đây là những điều cần biết về tác hại của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của chúng ta. Bạn có sẵn sàng tham gia các hoạt động để bảo vệ môi trường không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

  • Chế độ ăn thân thiện với môi trường – Hãy áp dụng 7 mẹo nhỏ này

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *