Biến thể R.1 có nguy cơ kháng vaccine COVID-19, khiến các chuyên gia phải theo dõi sát sao

Trong lúc đại dịch COVID-19 vẫn đang khiến cả thế giới điêu đứng vì biến thể Delta thì mới đây đã xuất hiện tin tức về một biến thể virus khác đang lan rộng và có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là nguy cơ kháng vaccine COVID-19.

Biến thể R.1 lây lan tại Nhật Bản và Mỹ

Biến thể mới được đặt tên là R.1, được phát hiện lần đầu tại Nhật Bản vào tháng 1 năm 2021. Trong số 3 người đầu tiên bị nhiễm có một người ở độ tuổi 40, còn lại là 2 trẻ em dưới 10 tuổi, tất cả đều trong cùng một gia đình. Theo một báo cáo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), “3 bệnh nhân này sống ở Nhật Bản và không có tiền sử đi du lịch nước ngoài”.

Virus SARS-CoV-2 liên tục phát sinh các biến thể mới (Ảnh: Internet).

Tại Mỹ, biến thể R.1 lần đầu tiên được tìm thấy ở bang Kentucky, là 1 trong 3 bang có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở nước này, theo Thống đốc Andy Beshear. Biến thể mới này đã lây lan mạnh trong một viện dưỡng lão ở Kentucky, nhiễm cho tổng cộng 45 người, đặc biệt nhiều người trong số đó đã được tiêm phòng.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), trong tổng số 83 người già (cư dân) sống ở viện dưỡng lão nói trên và 116 nhân viên làm việc tại đó, có 26 cư dân và 20 nhân viên có kết quả dương tính với COVID-19. Nhiều mẫu bệnh phẩm đã được giải trình tự gene toàn bộ, và đến ngày 01/3/2021 được phát hiện có các đột biến phù hợp với dòng R.1.

Các cơ sở y tế, viện dưỡng lão là nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao (Ảnh: Internet).

Biến thể R.1 có kháng vaccine COVID-19 không?

Đợt bùng phát này được cho là bắt đầu từ một nhân viên bị nhiễm bệnh. Theo kết quả nghiên cứu, “tỷ lệ tấn công ở những cư dân và nhân viên chưa được tiêm phòng cao gấp 3 đến 4 lần so với những người đã được tiêm phòng”. Cụ thể, khoảng 90% cư dân tại đó và 52% nhân viên đã được tiêm 2 liều vaccine, trong số này có 25,4% cư dân và 7,1% nhân viên bị nhiễm bệnh.

Theo phân tích của CDC, số liệu nói trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm khả năng miễn dịch bảo vệ của vaccine đối với biến thể R.1. Không chỉ vậy, báo cáo nêu ra 4 trường hợp được cho là tái nhiễm, có thể coi là “bằng chứng về khả năng miễn dịch tự nhiên hạn chế hoặc suy yếu đối với biến thể này”. Tất cả những người này đều biểu hiện triệu chứng bệnh, và một người trong số họ đã tử vong.

Các chuyên gia lo ngại biến thể R.1 có khả năng kháng vaccine (Ảnh: Internet).

Mặc dù CDC chưa công nhận R.1 là biến thể đáng quan tâm hoặc đáng lo ngại, nhưng chủng này mang một số đột biến quan trọng đáng chú ý. Theo CDC, một trong số các đột biến là “bằng chứng về sự gia tăng khả năng lây truyền của virus”, trong khi những đột biến khác cũng đã được phát hiện ở các biến thể đáng lo ngại hiện nay, “cho thấy bằng chứng về sự giảm trung hòa bởi huyết thanh sau khỏi bệnh và sau tiêm chủng. Một đột biến khác được thấy trong R.1 có thể làm giảm hiệu quả của các kháng thể trung hòa.”

Biến thể R.1 có nhiều đột biến đáng chú ý (Ảnh: Internet).

Tin tốt là mặc dù có những ca nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm ngừa, nhưng vaccine vẫn giúp giảm khả năng lây nhiễm và các triệu chứng bệnh cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Hơn nữa, R.1 dường như không dễ lây truyền hơn so với biến thể Delta và cũng không có dấu hiệu sẽ lấn át Delta.

Tính đến ngày 22/4 năm nay, CDC cho biết đã có 1.125 ca mắc R.1 ở Mỹ. Còn tới hiện nay đã có hơn 10.000 ca mắc biến thể này được ghi nhận, theo tiến sĩ William Haseltine, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, viết trên tạp chí Forbes. Những con số đó rất mờ nhạt so với hàng triệu ca mắc biến thể Delta.

Cũng theo tiến sĩ Haseltine, biến thể R.1 mang đột biến D614G có khả năng lây nhiễm cao đã được phát hiện trong các biến thể khác gây ra đợt bùng phát mới của COVID-19. “R.1 là một biến thể đáng theo dõi. Nó đã tạo dựng được chỗ đứng ở cả Nhật Bản và Mỹ”.

Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *