Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính, xảy ra khi ăn phải các thức ăn, đồ uống có chứa chất độc, nếu không xử trí kịp thời có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Vậy xử trí ngộ độc thực phẩm như thế nào mới đúng cách? Mời các bạn cùng tham khảo qua các thông tin ở bài viết dưới đây.
Nguyên nhân, cơ chế ngộ độc thực phẩm
Hiện nay, ở Việt Nam, tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trên các đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Ngộ độc thực phẩm gây ra do ăn phải các thức ăn có chứa chất độc, cụ thể được phân thành các nhóm sau:
Ngộ độc do ăn phải thức ăn ôi thiu, biến chất, bị nhiễm vi sinh vật
Các loại thực phẩm chế biến trong điều kiện vệ sinh kém hay sau khi chế biến, để lâu ngày và bảo quản trong điều kiện không đảm bảo, dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn, kí sinh trùng, nấm mốc, nấm men, và các độc tố do chúng tiết ra, khiến thức ăn bị biến chất, thay đổi về màu sắc, mùi vị.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các thay đổi này xảy ra ở mức độ nhẹ, khiến người sử dụng không nhận ra và vô tình ăn phải.
Ngộ độc do thực phẩm đã có sẵn chất độc
Các loại thực phẩm thường gặp như cá nóc, cóc, mật cá trắm, khoai tây mọc mầm, một số loại nấm độc, sắn… Ngộ độc các thực phẩm này thường do người sử dụng thiếu kỹ năng trong quá trình sơ chế hay chưa có kiến thức khi nhận biết, phân loại thực phẩm.
Ngộ độc do thực phẩm bị nhiễm các chất hóa học
Thực phẩm bị nhiễm các chất phóng xạ, tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật, nhiễm các kim loại nặng,… Các chất gây độc sau khi đi vào có thể cùng với thức ăn, gây nên những biến đổi bất thường về sinh lý của cơ thể, biểu hiện ra bên ngoài bằng những dấu hiệu rất dễ nhận biết.
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như thế nào?
Các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay lập tức hay một vài giờ sau khi ăn thức ăn nhiễm độc, tùy thuộc vào lượng chất độc và bản chất của chất độc ăn phải.
Thông thường, một người được chẩn đoán hay nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm khi thấy có các biểu hiện sau đây:
- Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên gặp phải khi bị ngộ độc thực phẩm, các cơn đau bụng dữ dội, co thắt, căng cứng bụng.
- Nôn: Đây là dấu hiệu sớm và điển hình khi bị ngộ độc thực phẩm, là phản ứng nhất thời của cơ thể nhằm đẩy các tác nhân ngộ độc ra khỏi cơ thể và cũng là biểu hiện khi ống tiêu hóa bị kích thích bởi các chất gây độc.
- Có máu lẫn trong phân hoặc chất nôn.
- Tiêu chảy.
- Sốt.
- Đau đầu.
- Thay đổi thị lực, mắt nhìn mờ, lảo đảo, choáng váng.
- Mất nước, khô miệng, khô môi, khát nước, tiểu ít.
- Chán ăn, mệt mỏi.
Khi nôn nhiều (trên 5 lần) và tiêu chảy nhiều lần (trên 5 lần), cơ thể mất nhiều nước, dẫn đến mất cân bằng nước, điện giải, trụy tim mạch, dễ gây ra sốc nhiễm khuẩn với trường hợp ngộ độc do vi khuẩn, kiếm tra thấy mạch nhanh, thở nhanh, người mệt mỏi, yếu sức, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
Khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc hay nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, người xung quanh và người thân cần giữ bình tĩnh, căn cứ tùy tình trạng của từng bệnh nhân, có các phương pháp xử lý như:
- Với bệnh nhân còn tỉnh táo, tiến hành gây nôn để tống chất độc ra bên ngoài bằng cách dùng 2 ngón tay móc vào họng, hoặc dùng thìa nhỏ/ tăm bông đưa vào vị trí gốc lưỡi để gây phản xạ nôn.
- Chỉ thực hiện gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh táo, khi gây nôn để đầu nằm nghiêng hoặc cúi đầu thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.
- Không gây nôn với các trường hợp đã biết chất độc là xăng, dầu hỏa, hóa chất trừ sâu, vì khi gây nôn có thể khiến bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi nôn.
- Lưu giữ lại chất nôn để phục vụ xét nghiệm tìm nguyên nhân ngộ độc, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
- Khi bệnh nhân còn tỉnh táo, hỏi bệnh nhân về các loại thức ăn, đồ uống đã sử dụng gần đây, thời gian, địa điểm ăn, những người cùng ăn, để khoanh vùng phạm vi và nguồn gây độc, hạn chế nhiễm độc tiếp theo ở những người xung quanh.
- Sau khi ăn phải thức ăn có độc, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để rửa dạ dày, chậm nhất là sau 4 đến 6 giờ sau khi nhiễm độc. Không rửa dạ dày với bệnh nhân lơ mơ, không tỉnh táo và đang trong cơn co giật.
- Sau khi rửa dạ dày, cho bệnh nhân uống than hoạt tính để hấp phụ chất độc, ngăn không cho chất độc thấm vào máu. Cho uống than hoạt tính: người lớn (1g/1kg thể trọng), trẻ em (0,5g/kg thể trọng), uống nhắc lại liều sau 3-4 giờ.
- Cho người bệnh uống thuốc tẩy sunfat magnesium hay sorbitol để loại bỏ chất độc còn lại trong ruột và than hoạt tính qua đường phân.
- Khi tiêu chảy nhiều, không uống thuốc kìm tiêu chảy, để cho bệnh nhân đi ngoài hết, nhằm loại bỏ hết tác nhân ngộ độc, lưu ý theo dõi và bổ sung đầy đủ nước, điện giải cho bệnh nhân.
- Với bệnh nhân bị ngộ độc nặng, sau khi sơ cứu tạm thời, cần nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị.
- Sau khi bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm và hồi phục, bổ sung dinh dưỡng bằng cách cho ăn các loại thức ăn mềm, dễ ăn, tránh ăn thức ăn cứng, khó tiêu hay các loại thức ăn tanh, cay nóng, dễ gây kích ứng đường tiêu hóa.
- Bổ sung nhiều nước và điện giải, tránh sốc, trụy tim mạch, bằng cách cho người bệnh uống 1 lít nước có pha orezol.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không có sẵn orezol, có thể thay thế bằng cách pha 1 thìa cà phê muối, 4 thìa cà phê đường vào trong 1 lít nước rồi cho bệnh nhân uống.
Với bài viết trên đây, Kinhnghiem360.edu.vn đã gửi tới bạn đọc các thông tin cơ bản nhất về ngộ độc thực phẩm, cũng như những biện pháp xử trí ngộ độc thực phẩm kịp thời, tránh những nguy hiểm đối với tính mạng.
Đừng quên tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nữa nhé!