Thời kỳ trẻ sơ sinh là tính từ lúc trẻ mới ra đời đến khi hết tuần thứ 4 sau khi sinh. Chăm sóc trẻ sơ sinh trong thời kỳ này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và sạch sẽ gần như tuyệt đối. Các mẹ hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tham khảo bài viết sau để có thể chăm sóc bé một cách tốt nhất, tránh nguy cơ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
1. Chăm sóc đối với trẻ sơ sinh đủ tuần đủ tháng
Trẻ sơ sinh đủ tuần đủ tháng là trẻ có tuổi thai phát triển trong tử cung từ 37 đến 42 tuần (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối).
Có thể khẳng định tỷ lệ trẻ sơ sinh bị bệnh nặng và tử vong chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng của việc chăm sóc. Những nguyên tắc cần đảm bảo là: sữa mẹ, vô khuẩn, đảm bảo thân nhiệt.
1.1. Quan sát trẻ sơ sinh hằng ngày
- Màu sắc da: Bình thường da bé luôn hồng hào, trên da bé có một lớp gây màu trắng. Lớp mỡ phát triển, không thấy các mao mạch dưới da. Nếu trên da có mụn mẩn đỏ, mưng mủ, tím tái cần cho trẻ đi khám ngay
- Hô hấp của trẻ: Trẻ có ngừng thở không? Nếu có thì thời gian ngừng là bao lâu? Nếu cơn ngừng thở kéo dài, kèm theo tím tái da và niêm mạc thì phải mau chóng đến bệnh viện, vì rất có thể trẻ đã bị bệnh đường hô hấp hoặc sang chấn não.
- Tim mạch: Nhịp tim của trẻ sơ sinh thường phụ thuộc vào nhịp thở nên thường không đều, dao động khoảng 100 – 160 lần/phút.
- Tiêu hóa: nếu trẻ bú kém, ngủ li bì hoặc chướng bụng, ngày đầu không đi tiêu, phân su hoặc phân có tính chất khác thường thì phải đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
- Tiết niệu: Trong ngày đầu sau sinh trẻ có thể tiểu rất ít hoặc không tiểu. Thận thải nước tốt từ sau ngày thứ 3. Trong tháng đầu trẻ có thể tiểu từ 20 – 25 lần/ngày, nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt.
- Thần kinh: hệ thần kinh của trẻ sơ sinh thường bị ức chế nên trẻ có thể ngủ suốt ngày. Ở trẻ sơ sinh có hiện tượng tăng trương lực các cơ gấp nên luôn ở trong tư thế co tay, co chân, bàn tay nắm chặt.
Nếu trẻ quấy khóc liên tục và tư thế chân tay duỗi thẳng thì có thể trẻ bị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Ngoài ra mẹ bỉm sữa cũng nên để ý thêm về phản xạ bú của trẻ vì đây là phản xạ tự nhiên ở trẻ sơ sinh, nếu mất phản xạ này thì rất có thể trẻ đã bị tổn thương nặng ở não.
Các giác quan khác như:
- Xúc giác: là giác quan phát triển tốt nhất ở trẻ sơ sinh, khi ta vuốt nhẹ lên ngực hoặc lưng thì trẻ sẽ thở sâu hơn. Khi chạm vào những bộ phận nhạy cảm như mắt – trẻ sẽ nhắm lại, nếu tiêm thì trẻ sẽ khóc. Nếu trẻ không có phản ứng gì thì nên đưa trẻ đi khám toàn diện.
- Thính giác: trẻ giật mình hoặc phản ứng khi có tiếng động mạnh.
- Khứu giác: khi được mẹ bế, bé quay đầu tìm vú mẹ do nhận biết được mùi sữa.
- Vị giác: Ở trẻ sơ sinh tuy vị giác đã phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Trẻ thích vị ngọt do đó nhiều trẻ bỏ bú mẹ sau khi được cho ăn sữa bò ngọt hơn. Các mẹ cần lưu ý điều này khi cho bé ăn hỗn hợp.
- Thị giác: là giác quan kém phát triển nhất, trẻ nhìn không định hướng, có thể bị lác nhẹ, đôi lúc có rung giật nhãn cầu.
- Tuyến nước mắt ở trẻ sơ sinh chưa phát triển nên khi khóc không có nước mắt.
1.2. Chăm sóc trẻ sơ sinh – những điều rất cần lưu ý
- Chăm sóc rốn của trẻ sơ sinh: Với trẻ sơ sinh bình thường, rốn sẽ rụng vào khoảng từ 5 đến 7 ngày sau sinh. Điều này sẽ xảy ra chậm hơn với trẻ sinh non.
- Nếu rốn của trẻ rụng quá sớm (hoặc quá muộn), rốn ướt, rốn có mủ, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Chăm sóc da: Với trẻ sơ sinh, ngày thứ nhất mẹ cần thấm khô và lau sạch lớp gây ở các nếp gấp cổ, bẹn, nách. Còn các vị trí khác chỉ cần thấm khô, tránh để mất lớp gây vì nó có tác dụng bảo vệ và dinh dưỡng cho da, giữ nhiệt độ cơ thể và chống nhiễm khuẩn.
- Sang đến ngày thứ hai, có thể dùng khăn ướt và ẩm lau hết lớp gây trên da cho trẻ.
- Tắm: Tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước sạch và ấm. Phòng tắm phải kín gió, ấm áp. Nước tắm ở khoảng nhiệt độ 37 – 38°C. Tắm không quá 5 phút. Không nhúng trẻ vào chậu nước mà phải lau từng phần, từ trên xuống dưới.
- Sau khi lau khô, quấn khăn và đặt trẻ nằm nghiêng một bên (nếu trẻ đủ tháng) hoặc nằm sấp, đầu nghiêng về một bên (nếu là trẻ đẻ non) để tránh sự trào ngược các chất từ dạ dày vào phổi. Trong thời gian rốn chưa rụng hoặc rốn chưa liền, khi tắm cần tránh vị trí rốn hoặc dây rốn.
- Cho ăn: Ngay sau khi trẻ chào đời đã có phản xạ bú, nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt. Trong những tuần đầu tiên, trẻ phải được ăn no sữa mẹ. Cho trẻ bú hết bên nọ chuyển sang bên kia để tận dụng hết được nguồn sữa cuối có nhiều chất béo. Nếu trẻ bú kém có thể vắt sữa vào bình cho trẻ ăn bằng thìa.
- Đảm bảo nhiệt độ cơ thể: Thay tã lót ngay sau khi trẻ tè hoặc ị. Mặc tã lót, quần áo cho trẻ bằng vải sợi bông, thoáng và đủ ấm.
2. Chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng (trẻ sinh non)
Trẻ sinh non hay còn gọi là trẻ thiếu tháng, là những bé ra đời trước thời kỳ phát triển bình thường trong tử cung của mẹ (ít hơn 37 tuần)
2.1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị thiếu tháng
- Do cơ thể người mẹ:
- Người mẹ sinh con khi tuổi đời quá trẻ hoặc quá lớn tuổi (dưới 16 hoặc trên 40 tuổi)
- Mẹ mắc bệnh cấp tính như sốt rét ác tính, cảm cúm, viêm phổi hoặc các bệnh mãn tính như lao, tiểu đường, bệnh tim…
- Các bệnh phụ khoa: rau tiền đạo, nhiễm độc thai nghén,…
- Các bệnh miễn dịch, di truyền, nội tiết: bất đồng nhóm máu Rh, mẹ có tiền sử sinh non hoặc sảy thai trước đó…
- Do con: Đa thai, thai dị tật nặng…
2.2. Chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng – các mẹ nên lưu ý
Trẻ sinh non chưa trưởng thành về chức năng các cơ quan và thiếu khả năng dự trữ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, do vậy khả năng thích nghi của trẻ sinh non với môi trường bên ngoài là rất kém. Trẻ rất dễ mắc các vấn đề như: suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, các bệnh nhiễm khuẩn và nguy cơ tử vong cao.
Nguyên tắc chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng là:
- Đảm bảo hô hấp
- Trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn
- Đảm bảo đủ ấm cho trẻ
- Điều kiện vệ sinh vô khuẩn
Đảm bảo hô hấp
Trẻ sinh non thường có kiểu thở và nhịp thở như sau:
- Kiểu thở bụng: khi hít vào bụng phình lên, thở ra xẹp xuống
- Nhịp thở có chu kỳ: trẻ thở nhiều lần với cường độ tăng dần lên, rồi lại giảm xuống. Khi trẻ thở đều là dấu hiệu phát triển hoàn thiện cơ thể. Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở kéo dài trên 30 giây, da tím tái, các mẹ phải kích thích da bằng cách xoa, vỗ nhẹ, nếu trẻ vẫn chưa thở lại cần đưa ngay tới cơ sở y tế.
Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thiếu tháng
- Cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh.
- Thuốc: Chỉ dùng kháng sinh khi trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn như: mẹ chuyển dạ lâu, ối vỡ sớm, trẻ ngạt, hít phải nước ối bẩn lẫn phân su. Có thể tăng cường một số loại vitamin và muối khoáng theo chỉ định của bác sĩ.
Đảm bảo giữ ấm cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp kangaroo (da kề da)
- Trẻ mặc áo mỏng, quấn tã, đầu đội mũ.
- Đặt trẻ ở tư thế thẳng đứng hoặc hơi nghiêng sao cho ngực trẻ áp sát vào ngực mẹ, một bên má tựa vào ngực giữa hai bầu vú.
- Mẹ mặc áo quây, dùng khăn dài để giữ trẻ cố định ở vị trí như trên để an toàn và thuận tiện cho việc đi lại của mẹ. Mẹ có thể dùng áo thường ngày của mình khoác bên ngoài che đắp cho trẻ.
- Thời gian có thể áp dụng: cả ngày và đêm, ngoại trừ khi tiêm, khi tắm và khi mẹ phải đi vệ sinh.
Điều kiện vệ sinh vô khuẩn
Trẻ sơ sinh thiếu tháng cơ thể đa phần rất yếu, khả năng thích nghi với môi trường ngoài tử cung là rất kém, nhất là khả năng chống đỡ với tình trạng nhiễm khuẩn, do đó môi trường sống của trẻ phải đảm bảo sạch sẽ.
- Trẻ sinh non sức đề kháng kém nên cần giữ vệ sinh da, các bé nên được tắm rửa hàng ngày theo nguyên tắc: Tắm bằng nước ấm, bằng xà phòng cho trẻ em, tắm nhanh chóng, lau thật khô.
- Mùa đông, sau khi tắm xong nên bôi thêm cho trẻ một lớp mỏng dầu parafin để giữ độ ẩm cho da và tránh tình trạng mất nhiệt.
- Trẻ sinh non, trẻ thiếu tháng rất yếu, dễ bị nhiễm khuẩn nếu chăm sóc không kỹ, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao, nên các mẹ sinh non cần cực kỳ cẩn thận và chu đáo.
Trên đây là một số kiến thức các mẹ bỉm sữa cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ sinh non để các bé có thể phát triển toàn diện nhất. Chúc các bố mẹ luôn khỏe mạnh, chúc các bé – những mầm non tương lai của đất nước luôn khỏe mạnh, lớn lên hạnh phúc và thông minh.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này !