Tỏi được biết đến là một loại gia vị phổ biến trong bữa ăn của người Việt Nam. Tỏi làm nước chấm, tỏi trong các món xào,… ngoài ra tỏi còn được dùng làm vị thuốc dân gian chữa bệnh cảm cúm, tăng cường sức đề kháng. Vậy công dụng tuyệt vời từ tỏi như thế nào mà được ví như một thần dược quý? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1. Tỏi là gì? Tại sao tỏi tốt cho sức khỏe?
Tỏi là một loài thực vật được xếp vào họ Hành, giống với nhiều loại cây gia vị như hành ta, hành tím, hành tây, tỏi tây, v.v. Tỏi khá dễ trồng, thời gian phát triển ngắn, có thể trồng ở các mảnh vườn nhỏ của gia đình. Sau khi thu hoạch, chúng thường được đem đi phơi khô và được dùng dần cho cả năm.
Tỏi chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng lượng calo rất ít. Một tép tỏi sống trọng lượng khoảng 3 gam có chứa:
- Mangan: 2% nhu cầu hằng ngày
- Các loại vitamin như: vitamin B6 (2%), vitamin C (1%).
- Selen: 1%
- Chất xơ: 0,06 gam
- Cùng với canxi, đồng, kali, phốt pho, sắt và vitamin B1
- Trong khi đó chỉ chứa 4,5 calo, 0,2 gam protein và 1 gam carbohydrates.
Như vậy ngoài việc sử dụng như một loại gia vị tạo hương thơm cho món ăn, tói còn chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt hàm lượng các hợp chất vi lượng tốt cho sức khỏe cũng được tìm thấy nhiều trong tỏi.
2. Lợi ích sức khỏe từ tỏi mang lại
2.1. Ngăn ngừa và giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường
Hệ miễn dịch được xem là hàng rào, lá chắn bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi các tác nhân gây bệnh. Khi miễn dịch suy yếu, mầm bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, do vậy để chống lại các tác nhân ấy cần có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tỏi là một trong những thực phẩm giúp cơ thể tăng cường miễn dịch hiệu quả.
Allicin là một loại hợp chất thực vật được tìm thấy trong tỏi với đặc tính kháng khuẩn:
- Ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài vào cơ thể.
- Tăng cường phản ứng miễn dịch để chống lại mầm bệnh một cách hiệu quả.
Từ xa xưa, ông cha ta đã biết cách sử dụng tỏi như một vị thuốc dân gian giúp bảo vệ cơ thể, phần nào hạn chế các bệnh cảm cúm, cảm lạnh thông thường.
2.2. Tỏi giúp làm giảm huyết áp
Sở dĩ tỏi có tác dụng này vì nó kích thích tổng hợp oxit nitric làm giãn nở các mạch máu và ức chế hoạt động của enzym chuyển đổi angiotensin ACE, qua đó giúp ổn định huyết áp, hỗ trợ tuần hoàn máu giúp ngăn ngừa tăng huyết áp.
Theo một phân tích tổng hợp vào tháng 2 năm 2020 trên tạp chí Y học thực nghiệm và trị liệu: 12 thử nghiệm được thực hiện trên 550 người bị tăng huyết áp, khi dùng thực phẩm bổ sung tỏi trong 3 tháng làm giảm huyết áp tâm thu khoảng 8 điểm và huyết áp tâm trương giảm 5,5 điểm. Điều đó cho thấy tỏi có tác dụng như một loại thuốc chống tăng huyết áp.
Một nghiên cứu khác phát hiện: dùng chiết xuất tỏi với liều 600-1500 mg (bằng khoảng 4 tép tỏi mỗi ngày) có tác dụng giảm huyết áp trong 24 tuần tương đương với thuốc Atenolol.
2.3. Tỏi có tác dụng chống viêm hiệu quả
Tỏi giúp ức chế hoạt động của một số protein gây phản ứng viêm trong cơ thể. Quá trình viêm kéo dài là nguyên nhân gây nên các bệnh mãn tính nguy hiểm như: bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, thậm chí là ung thư.
2.4. Ngăn ngừa ung thư
Trong tỏi có các hợp chất chứa lưu huỳnh, là nguyên nhân tạo ra mùi hôi khó chịu sau khi chúng ta ăn tỏi. Các chất này có thể ức chế ung thư, tiêu diệt các thành phần tế bào gây ung thư.
Tỏi có thể chống lại vi khuẩn, bao gồm cả H. pylori (vi khuẩn có liên quan đến viêm loét và ung thư dạ dày). Nghiên cứu cho thấy tỏi làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản, tuyến tụy và ung thư vú. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người lớn nên ăn khoảng MỘT TÉP TỎI MỖI NGÀY để tăng cường sức khỏe.
2.5. Cải thiện cholesterol trong máu
Cholesterol máu tăng cao là nguyên nhân gây nên các bệnh nguy hiểm về tim mạch. Bổ sung tỏi mỗi ngày giúp làm giảm lượng cholesterol toàn phần, đặc biệt là LDL – thành phần cholesterol có hại cũng giảm đáng kể.
Cholesterol có 2 dạng chính là HDL và LDL, trong đó chỉ có LDL là cholesterol gây hại cho sức khỏe. Do vậy khi giảm LDL sức khỏe của chúng ta sẽ được cải thiện.
2.6. Làm tăng hương vị cho các món ăn
Và cuối cùng phải kể đến là công dụng làm tăng hương vị tuyệt vời cho các món ăn. Tỏi được sử dụng trong các món xào, món rau muống xào tỏi không xa lạ gì với các bữa cơm của gia đình Việt.
Tỏi làm dậy thêm mùi thơm, làm gia vị ướp cho các món nướng. Việc tăng thêm hương vị từ tỏi có thể giúp chúng ta giảm nhu cầu ăn muối – là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp,…
Có thể ăn tỏi sống được không?
Trong hầu hết món ăn, tỏi thường được nấu chín hoặc dùng dạng bột để tạo hương thơm tinh tế và món ăn mềm hơn. Trong nhiều trường hợp, tỏi có thể được ăn sống thay vì nấu chín. Hạn chế của việc dùng tỏi sống là vị cay nồng hơn, hăng hơn, tuy nhiên đây là cách dùng khá an toàn và là sự bổ sung tuyệt vời cho nhiều món ăn. Chúng ta có thể cắt lát ăn trực tiếp, hoặc cho vào nước chấm.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỏi không bị chế biến qua nhiệt độ cao có thể giữ lại các hoạt chất có lợi nhiều hơn so với tỏi nấu chín. Tùy vào sở thích mỗi người mà lựa chọn cách chế biến phù hợp.
Những trường hợp không nên ăn tỏi
Người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế ăn tỏi vì dễ gây tình trạng ợ nóng. Một số hợp chất trong tỏi còn có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, gây cảm giác nóng ở ngực và dạ dày.
Tỏi còn làm tăng nguy cơ chảy máu do ngăn sự hình thành cục máu đông, nguy hiểm cho những người bị bệnh máu khó đông.
Những trường hợp như trên cần giảm lượng tỏi ăn vào để vừa có thể thưởng thức món ăn lại đảm bảo lành mạnh cho sức khỏe.
Kết luận
Tỏi có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe. Nếu sử dụng đúng cách nó sẽ đem lại hiệu quả tuyệt vời cho bạn.
Hãy lắng nghe vị giác của mình, có một câu nói rất hay là: “Khi chúng ta yêu thích món ăn mà chúng ta ăn và học cách lắng nghe những tín hiệu của chúng ta để cảm thấy no, điều đó sẽ khiến bạn hài lòng hơn”. Với những ai yêu thích tỏi, hương vị nó mang lại thật sự tuyệt vời!
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!