Trong lúc cả thế giới vẫn đang tìm cách khống chế đại dịch COVID-19, mới đây đất nước Đan Mạch đã nổi lên như một điểm sáng kiểm soát dịch thành công. Nguyên nhân nào giúp họ làm được điều đó?
COVID-19 không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng” ở Đan Mạch
Ngày 10/9 vừa qua, chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả quy định hạn chế do dịch bệnh và tuyên bố rằng COVID-19 không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng” ở đất nước này. Tỷ lệ tiêm vaccine ở Đan Mạch rất cao: 86% công dân từ 12 tuổi trở lên và đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất một mũi, và 95% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đầy đủ.
Tỷ lệ tử vong trong đại dịch ở Đan Mạch tính đến thời điểm này là 450 người trên 1 triệu dân, thấp hơn nhiều so với các nước khác, chẳng hạn như ở Mỹ là 1.982 ca tử vong trên 1 triệu dân. Vậy đất nước Đan Mạch với dân số 5,8 triệu người đã làm thế nào để kiểm soát đại dịch tốt như vậy?
Các nhà chức trách Đan Mạch đã thực hiện một dự án lớn mang tên HOPE để nghiên cứu về hành vi của người dân liên quan đến COVID-19, trong đó khảo sát hơn 400.000 người dân ở Đan Mạch và 7 quốc gia khác. Kết quả cho thấy sự tin tưởng cao và ổn định của người dân đối với các cơ quan y tế là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của Đan Mạch. Sự tin tưởng này dẫn đến tỷ lệ người dân đi tiêm chủng rất cao và tuân thủ các chính sách quan trọng như xét nghiệm diện rộng và “hộ chiếu COVID”.
Đan Mạch đã tiêm vaccine COVID-19 cho người dân như thế nào?
Các nghiên cứu về thái độ của người dân đối với vaccine phát hiện ra rằng sự thiếu tin tưởng vào các cơ quan chức năng là một trong những lý do chính khiến mọi người từ chối tiêm.
Thực tế không phải ai cũng hiểu biết rõ về vaccine, chẳng hạn như liệu vaccine có hiệu quả và an toàn đúng như các hãng sản xuất tuyên bố hay không. Điều đó khiến người dân buộc phải tin tưởng vào các bên liên quan khác, từ các nhà khoa học thử nghiệm vaccine cho đến các cơ quan có trách nhiệm phê duyệt và phân phối chúng.
Dữ liệu khảo sát cho thấy hơn 90% người dân Đan Mạch tin tưởng các cơ quan y tế quốc gia. Tính đến mùa thu năm ngoái, hơn 80% dân số đủ điều kiện ở Đan Mạch cho biết sẵn sàng tiêm vaccine, trong khi ở Mỹ chỉ chưa tới 50%.
Mức độ tin cậy cao là rất ấn tượng, nhưng duy trì được điều đó lâu dài cũng không hề đơn giản, đặc biệt là khi có các thông tin so sánh vaccine này kém hiệu quả hơn hoặc tác dụng phụ nhiều hơn vaccine khác. Nghiên cứu cho thấy rằng trong những tình huống đó, thông tin minh bạch về tất cả các đặc tính của vaccine – cả ưu điểm và nhược điểm – chính là chìa khóa để duy trì sự tin tưởng của người dân, mặc dù trong ngắn hạn điều đó làm mọi người lo lắng một chút.
Biểu đồ trên cho biết tỷ lệ người dân “hoàn toàn đồng ý” hoặc “hơi đồng ý” với nhận định sau: “Nếu cơ quan y tế khuyên những người như tôi tiêm vaccine đã được phê duyệt để chống lại coronavirus, tôi sẽ làm theo lời khuyên của họ”, theo dự án HOPE.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự tin tưởng giữa người dân và chính quyền nên là hai chiều, vì nhà chức trách phải đưa ra quyết định đúng đắn đồng thời tin tưởng người dân có thể chống lại những tin tức xấu. Các nhà chức trách Đan Mạch mặc dù khởi đầu hơi dè dặt nhưng sau đó đã thẳng thắn về mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Họ cũng thừa nhận tác dụng phụ tiềm ẩn của một số loại vaccine và hồi tháng 3 năm nay đã quyết định ngưng sử dụng vaccine AstraZeneca.
Các cơ quan y tế Đan Mạch nói rằng: khi những người dễ bị tổn thương nhất đã được tiêm ngừa và dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, thì ngay cả những tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine AstraZeneca cũng trở thành mối đe dọa lớn hơn cho người dân so với bản thân virus.
Sự đồng lòng và đoàn kết của người dân
Đan Mạch ban đầu chỉ tạm dừng vaccine AstraZeneca, sau đó loại bỏ cả vaccine này và Johnson & Johnson khỏi chương trình tiêm chủng, ngoài ra còn tặng 3 triệu liều vaccine dự phòng cho các nước đang phát triển trong khi họ có thể dùng những liều đó để hoàn thành tiêm ngừa hiệu quả sớm hơn vài tuần.
Ngoài ra một yếu tố quan trọng để kiểm soát đại dịch là xét nghiệm trên diện rộng. Đỉnh điểm là vào đầu năm 2021, Đan Mạch đã thực hiện 4 triệu xét nghiệm mỗi tuần (tức là 75 xét nghiệm trên 100 công dân). Các nhà chức trách cũng khuyến khích người dân tuân thủ xét nghiệm và các hướng dẫn khác như một nghĩa vụ đạo đức – đó là điều đúng đắn cần làm vì nhau, chung tay với tập thể để chiến thắng đại dịch.
Việc “đạo đức hóa” cũng có thể phản tác dụng và dẫn đến xung đột, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi hoặc kết tội lẫn nhau để buộc tuân thủ quy định. Tuy nhiên điều đó dường như không xảy ra ở Đan Mạch: hầu hết mọi người đều làm theo hướng dẫn của nhà nước và không đổ tội cho nhau. Thậm chí sự ủng hộ đối với chính phủ cao đến mức hầu hết những người bỏ phiếu chống lại các đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vừa qua ở Đan Mạch vẫn nghĩ rằng chính phủ đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với đại dịch.
Biểu đồ trên cho thấy tỷ lệ người dân “hoàn toàn đồng ý” hoặc “hơi đồng ý” với nhận xét: “Chính phủ đã tiến hành các chính sách cần thiết để xử lý coronavirus.”, theo dự án HOPE.
Đan Mạch tránh được sự chia rẽ trong người dân như thế nào?
Một trong những nguyên nhân gây chia rẽ là mâu thuẫn đảng phái, thường bắt đầu từ các nhà lãnh đạo rồi lan xuống người dân. Trong một cuộc khủng hoảng kéo dài như đại dịch COVID-19, gánh nặng ngày càng dồn lên người dân khiến cho sự ủng hộ của họ dễ bị giảm dần theo thời gian. Sự chia rẽ lại càng làm cho điều này nghiêm trọng hơn.
Đan Mạch có một lợi thế để đối phó với đại dịch, đó là các đảng chính trị của nước này rất hợp tác với nhau. Khảo sát cho thấy ban đầu 80% người dân Đan Mạch tin rằng các nhà lãnh đạo của họ đoàn kết chống lại COVID-19, nhưng sự thống nhất này đã bị lung lay 2 lần:
- Tháng 11/2020, chính phủ quyết định tiêu hủy tất cả chồn ở Đan Mạch vì lo ngại chúng là vật chủ của virus. Hành động này đã bị người dân phản đối rộng rãi về mặt pháp lý và y tế.
- Đến tháng 2/2021, các đảng đối lập ở Đan Mạch lại bất đồng về lộ trình tái mở cửa đất nước.
Nhưng ở cả 2 sự kiện này, sau các cuộc đàm phán sâu rộng, các bên đã đi đến đồng thuận và sự chia rẽ trong người dân đã giảm dần. Các nhà lãnh đạo ưu tiên kiểm soát dịch bệnh hơn so với tranh thủ vận động bầu cử dựa trên sự chia rẽ. Kết quả này có được một phần là nhờ các nhà lãnh đạo cùng thống nhất tuân theo khoa học để khống chế dịch bệnh.
Giảm bớt gánh nặng của các quy định hạn chế trong đại dịch
Nghiên cứu cho thấy gánh nặng xã hội, tài chính và y tế trong thời gian đại dịch góp phần làm tăng sự phản đối của người dân. Ở Đan Mạch, sự tuân thủ và ủng hộ cao từ người dân đã giúp cho các lệnh hạn chế trở nên nhẹ nhàng hơn và giảm bớt gánh nặng này. Do đó người Đan Mạch ít gặp khó khăn hơn do COVID-19 và chấp hành xét nghiệm cùng với hộ chiếu vaccine như là công cụ để bảo vệ tất cả mọi người.
Tổng kết
Người dân Đan Mạch tin tưởng chính phủ và các cơ quan y tế sẽ đưa ra quyết định đúng đắn để chống lại đại dịch – mà thực tế đúng là như vậy. Ở chiều ngược lại, chính phủ và các cơ quan chức năng cũng tin tưởng người dân sẽ hành xử có trách nhiệm và tuân theo các hướng dẫn được đưa ra. Đó là yếu tố then chốt giúp họ kiểm soát được COVID-19 như hiện nay.
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!