COVID-19 sau sáu tháng, chúng ta biết được những gì?

Xét nghiệm, vắc-xin, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa là tất cả những gì một người bình thường biết về COVID-19 suốt sáu tháng qua. Là thủ phạm gây ra căn bệnh phổi bí ẩn tại Vũ Hán, virus Corona giờ đây đã lan nhanh ra toàn cầu với tốc độ chóng mặt và thách thức thế giới nhiều câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Thật khó tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy âu lo vì virus Corona suốt sáu tháng qua. Khi CNET lần đầu tiên đưa tin về virus Corona vào tháng 12 năm 2019, Corona lúc đó vẫn còn là một virus bí ẩn. Đến tháng 1 năm 2020, các trường hợp ở Mỹ còn chưa đếm đủ tới 10 người và các chuyên gia đã trấn an mọi người đừng lo lắng.

Thế nhưng không ngờ mọi thứ thay đổi quá nhanh. Gần như ngay lập tức số ca nhiễm ở Mỹ tăng vọt, lệnh phong tỏa được thi hành, việc đi lại bị hạn chế đi nhiều. Ứng dụng Zoom trở nên đáng giá và cả cỗ máy làm việc trên thế giới hầu như thu nhỏ lại thành những phiên bản trực tuyến. COVID-19 đã thật sự mang lại quá nhiều mối lo và bất tiện cho con người.

Theo dấu đại dịch virus Corona

Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng đầu thế giới. (Nguồn: Internet)

Nước Mỹ như thể đã thấy được “ánh sáng nơi cuối đường hầm” vào tháng 5 và tháng 6 khi các tiểu bang bắt đầu nới lỏng hạn chế. Thứ cảm giác như hy vọng ấy giờ đây đã trở thành sai lầm khi các ca nhiễm ở Mỹ một lần nữa lại gia tăng. Không riêng gì Mỹ, Việt Nam chúng ta cũng đang phải chiến đấu đợt bùng phát COVID-19 thứ hai.

Dù tình hình có ra sao Việt Nam cùng các quốc gia khác trên thế giới vẫn hết sức chiến đấu với đại dịch, hỗ trợ vật chất và tinh thần khi cần thiết. Tuy nhiên giả thuyết về nguồn gốc virus Corona vẫn còn là một bí ẩn. Dù vậy, trải qua 6 tháng, nhân loại đã có những hiểu biết rõ ràng hơn về nó.

Virus Corona so với cúm nguy hiểm ra sao?

Ảnh kính hiển vi điện tử quét cho thấy virus Corona có màu vàng nổi trên nền tế bào hồng và xanh. (Nguồn: Internet)

Mặc dù một số bệnh nhân nhiễm virus Corona có triệu chứng giống bệnh cúm, COVID-19 lại không giống cúm. Tuy chúng đều là bệnh về đường hô hấp, nhưng COVID-19 do virus Corona gây ra, trong khi bệnh cúm do virus cúm gây ra. Hai kiểu virus này có phương thức lây truyền và tỉ lệ tử vong khác nhau.

Nếu bạn bắt đầu có triệu chứng giống cúm, việc quan trọng trước mắt là bạn phải đi xét nghiệm ngay và cách ly bản thân khỏi các thành viên khác trong gia đình, bởi vì chỉ dựa trên các triệu chứng sẽ rất khó phân biệt giữa cúm và COVID-19.

Làm thế nào bảo vệ bản thân trước virus Corona?

Cách bảo vệ tốt nhất cho bạn và mọi người tránh khỏi COVID-19 là hãy thường xuyên vệ sinh cá nhân và tuân theo các hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cộng đồng của quốc gia, địa phương. Các biện pháp quan trọng nhất cần thực hiện gồm có:

  • Rửa tay thường xuyên trong 20 giây hoặc hơn.
  • Sử dụng nước rửa tay khô khi không có xà phòng hoặc nước.
  • Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
  • Giữ khoảng cách tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là những người bệnh.
  • Tránh đi lại tùy tiện, chỉ đi ra ngoài khi cần thiết.
  • Tránh các cuộc tụ tập đông người.

Nên làm gì nếu nghi nhiễm virus Corona?

Tại Việt Nam, các ca dương tính virus Corona đều sẽ được cách ly điều trị ngay lập tức. Nếu bạn chẳng may mắc các triệu chứng nhẹ liên quan bệnh đường hô hấp, hãy chủ động cách ly bản thân cho đến khi hoàn toàn không còn triệu chứng.

Trong quá trình theo dõi, hãy giữ liên lạc với bác sĩ để báo cáo nếu như có bất kỳ triệu chứng thay đổi nào hoặc tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Cơ thể sẽ ra sao khi bị nhiễm virus Corona?

Các triệu chứng chính khi nhiễm virus Corona là ho, sốt và khó thở. (Nguồn: Internet)

Virus Corona đáng sợ ở chỗ nhiều bệnh nhân nhiễm có thể không có triệu chứng giống nhau. Đầu tiên, các triệu chứng hay gặp là ho, sốt và khó thở.

Đối với một số người đã nhiễm COVID-19 và hồi phục, cảm giác sẽ giống như vừa khỏi một cơn cảm thông thường. Tuy nhiên ở một số trường hợp lại kéo dài các triệu chứng nặng nề trong nhiều tháng, khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi.

Đối tượng nào được xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam?

Dòng người xếp hàng ngồi chờ test nhanh COVID-19 tại Hà Nội. (Nguồn: Internet)

Với tình hình chưa thật sự lan rộng như các cụm dịch lớn trên thế giới, các đối tượng được chỉ định xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam rơi vào các trường hợp:

  • Những người tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính.
  • Những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
  • Những người đang sống trong các ổ dịch được cách ly hoặc đi từ vùng dịch về.
  • Những người nhập cảnh vào Việt Nam.

Cho đến ngày 28/07/2020, đã có 66 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam có miễn phí không?

Theo Công văn mới nhất của Bộ Y tế, những người có thẻ BHYT sẽ được thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong các trường hợp sau:

  • Những người có thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
  • Những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị.
  • Những người được cơ sở y tế chỉ định lấy mẫu xét nghiệm tuân theo hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp do nCoV của Bộ Y tế.

Hiện nay có hai phương pháp xét nghiệm khác nhau:

  • Xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng Real-time PCR có giá 734.000 VND/1 mẫu.
  • Xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng test nhanh có giá 238.000 VND/1 mẫu.

Xét nghiệm COVID-19 được thực hiện như thế nào?

Hình ảnh mô phỏng xét nghiệm COVID-19. (Nguồn: Internet)

Phương pháp chính để xét nghiệm COVID-19 là ngoáy mũi. Trong cuộc xét nghiệm, y tá hoặc bác sĩ sẽ đưa một tăm bông dài khoảng 6 inch ((tương tự tăm bông Q-tip dài) vào lỗ mũi. Tăm bông sẽ di chuyển đến phía sau khoang mũi và xoay tròn ở đó. Quá trình có thể phải ngoáy hai lỗ mũi để đảm bảo các y bác sĩ có được mẫu xét nghiệm đầy đủ.

Một số cơ sở sử dụng phương pháp thoải mái hơn là xét nghiệm nước bọt hoặc cổ họng. Với xét nghiệm nước bọt, người xét nghiệm sẽ nhổ nước bọt vào ống, trong khi xét nghiệm cổ họng sẽ tương tự như ngoáy mũi. Cả ba cách lấy mẫu ở mũi, họng và nước bọt được gọi là xét nghiệm chẩn đoán, nhằm xem một người nào đó hiện tại có nhiễm COVID-19 hay không.

Máu cũng có thể được dùng để xét nghiệm COVID-19. Đây được gọi là xét nghiệm kháng thể, nhằm để xác định xem trước đây người đó có từng bị nhiễm COVID-19 hay không.

Khi nào chúng ta sẽ có vắc-xin ngừa COVID-19?

Chúng ta vẫn phải chờ đợi nhiều tháng nữa để có vắc-xin ngừa COVID-19. (Nguồn: Internet)

Trên thế giới hiện nay, một số vắc-xin ngừa COVID-19 tiềm năng đang bước vào tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, tức đã sẵn sàng thử nghiệm vắc-xin cho hàng trăm ngàn người. Tuy nhiên, dù thử nghiệm thành công, vẫn phải chờ thêm vài tháng để vắc-xin được phê duyệt và thêm một số tháng nữa vắc-xin mới có sẵn cho mọi người.

Còn những gì chúng ta chưa biết về COVID-19?

Nhiều điều về virus Corona vẫn còn là một bí ẩn. (Nguồn: Internet)

Bất chấp những gì chúng ta đã hiểu biết, vẫn còn nhiều điều ở COVID-19 cần được khám phá. Chẳng hạn như liệu con người có trở nên miễn dịch với virus hay không; ảnh hưởng của virus đến trẻ em như thế nào; làm thế nào để các quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng; làm thế nào điều trị virus hiệu quả nhất; và có lẽ điều đáng lo ngại nhất, COVID-19 sẽ tồn tại trong bao lâu, nếu biến mất, nó có quay trở lại hay không.

Hy vọng bài viết mang lại cho bạn những kiến thức bổ ích để bảo vệ bản thân cũng như hiểu rõ hơn về COVID-19. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để được cập nhật những bài viết bổ ích mới nhất bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *