Covid-19 và những căn bệnh từng trở thành đại dịch kinh hoàng trên thế giới

Hơn ba tháng kể từ khi virus Corona xuất hiện tại Trung Quốc, nó đã nhanh chóng lây lan cho hơn hai triệu người trên toàn cầu, cướp đi hơn một trăm nghìn sinh mạng. Chính xác Covid-19 nguy hiểm và dễ lây lan đến mức nào vẫn còn là một vấn đề tranh luận. Hôm nay hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn so sánh Covid-19 với các căn bệnh từng trở thành đại dịch khác trên thế giới nhé.

Covid-19

Hình dạng virus Corona, nguyên nhân gây ra trận đại dịch Covid-19 hiện nay. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: 2
  • Tỷ lệ tử vong: 4,5% (số liệu ước tính hiện nay và có thể thay đổi)
  • Dân số thế giới: 7,8 tỷ

Tỷ lệ tử vong

Cảnh nhân viên y tế ở Vũ Hán đưa bệnh nhân nhiễm bệnh lên xe cứu thương hồi tháng 1 (Ảnh: Internet)

Tỷ lệ tử vong là một thước đo quan trọng đối với các nhà dịch tễ học, nó giúp xác định có bao nhiêu người sẽ chết vì một căn bệnh cụ thể và tác động tiềm tàng của nó đối với các hệ thống y tế.

Tỷ lệ tử vong về cơ bản là tỷ lệ phần trăm số ca tử vong chia cho số ca nhiễm bệnh. Khi bắt đầu bùng phát, tỷ lệ tử vong có thể có nhiều biến động khi nhiều người mắc bệnh di chuyển đến các khu vực khác nhau trên thế giới.

Các con số tử vong trong các trường hợp được báo cáo chỉ là “một bức ảnh chụp nhanh”. Tồn tại một loạt các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong như: địa lý, chất lượng chăm sóc sức khỏe, độ tuổi dân số, lối sống và các điều kiện cơ bản khác. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong Covid-19 là 4%; ở Ý khoảng 10%; Iran khoảng 7,6%; Đức dưới 1% và tại Mỹ, nơi dịch bệnh đang hoành hành có tỷ lệ 1,5%.

Cảnh nhân viên y tế vận chuyển xác bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại một bệnh viện Mỹ. (Ảnh: Internet)

Tỷ lệ tử vong thường giảm khi tăng việc xét nghiệm và nhiều bệnh nhân được phát hiện. Tuy nhiên điều ngược lại vẫn có thể xảy ra đối với những nơi đang thiếu thốn trầm trọng các thiết bị cần thiết cho việc điều trị như Mỹ. Các nhà khoa học vẫn chưa biết mức độ bùng phát của dịch bệnh do chủng virus Corona này ra sao, vì vậy hiện tại chúng ta chưa biết được con số chính xác những người sẽ chết trong số người nhiễm bệnh.

Ước tính tỷ lệ tử vong ban đầu của Covid-19 là 2,3% theo WHO và cũng đã được tổ chức này điều chỉnh lên 3,4% vào ngày 3 tháng 3 vừa qua, tức 3,4% dân số bị nhiễm bệnh được xác nhận đã chết trong thời điểm đó. Theo thống kê ghi nhận của WorldOMeters vào ngày 15/4, tỷ lệ tử vong đã ở mức 6,3% với 126.839 ca tử vong trên 2.004.991 ca nhiễm. Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng tỉ lệ này sẽ giảm theo thời gian dịch bệnh diễn ra.

Hệ số lan truyền R0

Hệ số lan truyền R0 thể hiện mức độ lây lan của một bệnh truyền nhiễm. (Ảnh: Internet)

Các nhà khoa học cũng đánh giá hệ số lan truyền R0 của căn bệnh, một thuật ngữ cho biết có bao nhiêu người sẽ bị lây bệnh từ một người nhiễm bệnh. Giống với tỷ lệ tử vong, hệ số lan truyền R0 sẽ biến động theo thời gian khi các nhà khoa học thu thập được nhiều dữ liệu hơn và có thể thay đổi tùy thuộc vào nơi sinh sống.

WHO ước tính hệ số lan truyền R0 của Covid-19 vào khoảng 1,95 trong khi các ước tính khác từ các nhà nghiên cứu sau khi dịch bệnh bùng phát vào khoảng 2,2 – tức cứ một người nhiễm sẽ có hai người bị lây bệnh.

Ước tính mỗi bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ có hai người bị lây bệnh. (ảnh: Internet)

Hệ số lan truyền R0 cũng sẽ giảm đáng kể tùy thuộc vào cách ứng phó với dich bệnh của mỗi quốc gia. Đó là lí do các quan chức nhà nước và địa phương Mỹ muốn các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa và giữ yên người dân trong nhà. Sau gần hai tháng phần lớn lãnh thổ quốc gia bị phong tỏa, Trung Quốc vào ngày 19/3 đã báo cáo có ngày đầu tiên không có ca nhiễm mới.

Nhà nghiên cứu y tế công Yanzhong Huang tại Hội đồng quan hệ quốc tế cho biết, khi hệ số lan truyền lớn hơn 1, nó sẽ dễ dàng phát tán và lây lan. Ông cũng bày tỏ thêm, nếu không có bất kì biện pháp ngăn chặn nào, về mặt lý thuyết, nó có thể lan rộng ra toàn dân.

Số trường hợp nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang thay đổi từng giờ. Dưới đây chúng ta hãy cùng so sánh độ nguy hiểm của Covid-19 so với các dịch bệnh nghiêm trọng khác đã từng xảy ra trên thế giới.

Cúm mùa

Cúm là một căn bệnh tương tự Covid-19 và đã có vắc xin phòng chống. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: 1,3
  • Tỷ lệ tử vong: 0,1%

Nhiều người đã so sánh ổ dịch Covid-19 với bệnh cúm thông thường, một bệnh về đường hô hấp có triệu chứng tương tự Covid-19.

Cho đến nay, Covid-19 đang được chứng minh có khả năng lây nhiễm cao hơn so với bệnh cúm khoảng hai lần. Cúm mùa có hệ số lan truyền R0 là 1,3 và lây nhiễm cho 49 triệu người Mỹ mỗi năm. Dựa trên tỷ lệ tử vong gần nhất mà WHO xác nhận là 3,4%, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành nguy hiểm ít nhất gấp 34 lần so với cúm, căn bệnh có tỷ lệ tử vong 0,1%. Mỗi năm cúm giết chết khoảng 290.000 đến 650.000 người trên toàn cầu.

Cúm A H1N1 (2009)

Hình dạng chủng cúm A H1N1 có nguồn gốc từ lợn. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: 1,5
  • Tỷ lệ tử vong: 0,02%
  • Dân số thế giới năm 2009: 6,79 tỉ người

Cúm A H1N1 có nguồn gốc từ lợn xuất hiện ở Mexico vào tháng 4 năm 2009, lây nhiễm cho 60,8 triệu người chỉ riêng ở Mỹ và ít nhất 700 triệu người trên toàn thế giới. Theo ước tính của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) của Mỹ, có khoảng 151.700 đến 575.400 người chết vì virus này trên toàn cầu. Các nhà dịch tễ học ước tính nó có hệ số lan truyền R0 là 1,5 ít lây nhiễm hơn Covid-19.

Đại dịch cúm A H2N2 (1957)

Hàng trăm sinh viên trường đại học Massachusetts ở Mỹ đã bị nhiễm cúm A H2N2 vào năm 1957. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: 1,7
  • Tỷ lệ tử vong: 0,6%
  • Dân số thế giới năm 1957: 2,87 tỉ người

Đại dịch cúm A H2N2 được báo cáo lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 2 năm 1957. Nó đã giết chết khoảng 1,1 triệu người trên toàn thế giới và 116.000 người tại Mỹ. Covid-19 có hệ số lan truyền R0 tương tương với virus H2N2, nhưng hiện tại có khả năng nguy hiểm hơn rất nhiều.

Đại dịch cúm 1918

Dịch cúm năm 1918 là một trong những đại dịch kinh khủng nhất thế kỉ 20. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: khoảng 1,8
  • Tỷ lệ tử vong: 2,5%
  • Dân số thế giới năm 1918: 1,8 tỉ người

Bệnh cúm năm 1918 là một trong những đại dịch khủng khiếp nhất thế kỉ 20, đặc biệt tấn công những người ở độ tuổi 20 đến 40. Theo so sánh, Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao hơn một chút so với cúm năm 1918.

Cúm năm 1918 còn được gọi là cúm Tây Ban Nha, bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Căn bệnh có tỷ lệ tử vong 2,5% và giết chết hơn 30 đến 50 triệu người so với 20 triệu người đã chết vì Thế chiến thứ I. Nếu tỷ lệ tử vong 4,5% của Covid-19 giảm, dịch sẽ không tệ như cúm 1918. Nếu tiếp tục theo đà tăng quỹ đạo hiện nay, Covid-19 sẽ nguy hiểm gần gấp đôi.

SARS (2003)

Dòng người đeo khẩu trang đi bộ tại Hồng Kông thời kì dịch SARS năm 2003. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: 2 đến 5
  • Tỷ lệ tử vong: 10%
  • Dân số thế giới năm 2003: 6,38 tỉ người

Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, hay SARS là một loại virus Corona xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào tháng 11/2002 nhưng đã lan rộng đủ để trở thành một đại dịch.

Không giống như Covid-19, SARS thường chỉ truyền bệnh sau khi người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, đặc điểm này đã góp phần ngăn chặn sự bùng phát. SARS đã lây nhiễm 8.098 người trên toàn thế giới tính đến tháng 7/2003. Tỷ lệ tử vong của SARS khiến gần 800 người thiệt mạng, ước tính khoảng 10%.

MERS (2012)

Hình dạng của virus MERS-CoV, nguyên nhân gây ra căn bệnh đường hô hấp mang tên MERS. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: 0,5
  • Tỷ lệ tử vong: 35%
  • Dân số thế giới năm 2012: 7,13 tỉ người

MERS, viết tắt của hội chứng hô hấp Trung Đông, xuất hiện ở Ả Rập Saudi vào năm 2012 do chủng virus MERS-CoV gây ra. Căn bệnh đã lây nhiễm cho ít nhất 2.494 người trên 27 quốc gia, trong đó có 858 trường hợp tử vong theo WHO. Với hệ số lan truyền R0 là 0,5 , MERS ít lây nhiễm hơn so với Covid-19, tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại lên tới 35%.

Bệnh sởi

Nhân viên y tế Ấn Độ tiêm vắc xin sởi cho học sinh tại một trường học vào năm 2018. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: 12 đến 18
  • Tỷ lệ tử vong: không rõ

Sởi là một trong những virus dễ lây lan nhất thế giới với hệ số lan truyền R0 từ 12 đến 18, tỷ lệ tử vong rất khó xác định. Trước khi vắc xin được phát triển vào đầu những năm 1960, hầu hết các trường hợp đều không được báo cáo và tổ chức CDC ước tính có tới 4 triệu người Mỹ thật sự đã mắc sởi mỗi năm, giết chết từ 400 đến 500 người trong số đó.

Theo WHO, trong năm 2009, tỷ lệ tiêm phòng sởi trên toàn thế giới đạt 82% và từ năm 2000 đến 2008, số ca tử vong do sởi đã giảm từ 733.000 xuống còn 164.000. Bệnh sởi xảy ra có tính theo mùa, sẽ bùng phát trong một khoảng thời gian nhất định mỗi năm.

Ebola

Cảnh nhân viên y tế đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị Ebola tại châu Phi vào năm 2014. (Ảnh: Internet)

  • Hệ số lan truyền R0: khoảng 2
  • Tỷ lệ tử vong: hơn 50%

Bệnh do virus Ebola hay còn gọi sốt xuất huyết Ebola đã được tìm ra vào năm 1976 tại Cộng hòa Congo gần sông Ebola. Từ năm 1976 cho đến năm 2013 chưa đến 1000 người nhiễm mỗi năm. Năm 2014 căn bệnh đột nhiên bùng phát mạnh tại Tây Phi, tính tới tháng 10 cùng năm đã có 7.497 trường hợp nghi nhiễm, trong đó có 3.439 ca tử vong. Nếu so sánh, Ebola sẽ nguy hiểm hơn Covid-19 rất nhiều vì căn bệnh này giết chết hơn một nửa số người nhiễm.

Diễn biến và mức độ nguy hiểm của Covid-19 hiện vẫn còn đang được các nhà khoa học thống kê và nghiên cứu. Hãy thường xuyên ghé thăm và theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để được cập nhật những bài viết mới nhất về sức khỏe nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *