Dày sừng hoạt tính (Actinic keratosis) gây ra các mảng da sần sùi, có vảy. Nếu không được điều trị, dày sừng hoạt tính có thể dẫn đến ung thư da được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy. Cách tốt nhất để ngăn ngừa là tự bảo vệ mình khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Nếu bạn nhận thấy những vết sưng đỏ hoặc sần sùi mới xuất hiện trên da, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Dày sừng hoạt tính là gì?
Dày sừng hoạt tính (hay còn gọi là dày sừng quang hóa, dày sừng ánh sáng, dày sừng mặt trời, dày sừng actinic) là một rối loạn của da gây ra các mảng da sần sùi, có vảy. Đây là một tình trạng tiền ung thư, có nghĩa là nếu không điều trị thì nó có thể chuyển thành ung thư, cụ thể là một loại ung thư da được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy.
Những người không bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nhiều khả năng bị dày sừng hoạt tính hơn. Nguy cơ mắc bệnh này cũng cao hơn nếu bạn có:
- Tóc vàng hoặc đỏ (bẩm sinh)
- Mắt xanh lam hoặc xanh lục
- Da trắng hoặc sáng màu
- Tiền sử bị cháy nắng nhiều lần
- Hệ miễn dịch suy yếu vì bệnh tật hoặc liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư
Nguyên nhân gây ra dày sừng hoạt tính
Nguyên nhân phổ biến nhất của dày sừng actinic là do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV). Tia UV đến từ mặt trời hoặc các thiết bị nhuộm da nâu, chẳng hạn như giường tắm nắng. Tia UV có thể làm hỏng lớp tế bào bên ngoài của da, được gọi là tế bào sừng.
Các triệu chứng của dày sừng hoạt tính
Thông thường, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh dày sừng hoạt tính là những nốt sần sùi, gồ lên trên da. Chúng có thể khác nhau về màu sắc nhưng thường có lớp vỏ màu vàng hoặc nâu ở trên. Màu sắc của vết sừng này có thể là xám, hồng, đỏ hoặc cùng màu với làn da.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Chảy máu
- Cảm giác như bị đốt, châm chích hoặc ngứa
- Môi khô, có vảy
- Da mọc sừng nhô ra ngoài (như sừng của động vật)
- Môi bị nhạt màu
- Đau nhức trên da
Điều trị dày sừng hoạt tính như thế nào?
Cách điều trị cụ thể phụ thuộc vào mức độ dày sừng nhiều hay ít và chúng trông như thế nào. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên loại bỏ các mảng da bị bệnh. Để loại bỏ dày sừng hoạt tính có thể sử dụng các phương pháp:
- Lột da hóa học: Giống như một loại mặt nạ y tế, các hóa chất trong quá trình điều trị sẽ phá hủy mảng da không mong muốn ở lớp da trên cùng một cách an toàn. Trong vài ngày đầu, vùng da được điều trị sẽ bị đau và tấy đỏ. Khi lành lại, bạn sẽ thấy một lớp da mới khỏe mạnh.
- Liệu pháp áp lạnh: Nếu chỉ có một hoặc hai lớp da dày sừng hoạt tính, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp áp lạnh. Trong quá trình này, một chất lạnh chẳng hạn như nitơ lỏng được dùng để làm đông cứng sự phát triển của da. Trong vòng vài ngày, những vết dày sừng hoạt tính sẽ phồng rộp và bong ra.
- Cắt bỏ: Bác sĩ sẽ gây tê vùng da xung quanh tổn thương, sau đó cắt bỏ các phần bị dày sừng hoạt tính và khâu các phần da lành lại với nhau. Thông thường vết thương sẽ lành sau 2 đến 3 tuần.
- Liệu pháp quang động: Nếu có nhiều chỗ trên da bị dày sừng hoạt tính hoặc tái phát trở lại sau khi điều trị, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp quang động. Phương pháp này sử dụng kem và liệu pháp ánh sáng đặc biệt để tiêu diệt các tế bào da tiền ung thư. Bạn sẽ phải tránh nắng trong vài ngày để vùng da lành lại.
Dày sừng hoạt tính có thể điều trị tại nhà hay không?
Nếu bạn chỉ có một vài mảng vảy hoặc dày sừng nhỏ, bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà, thường là bôi các loại kem thuốc lên da, có thể kéo dài tối đa 4 tháng. Mặc dù trên thị trường có nhiều loại thuốc bôi không cần kê đơn nhưng không nên sử dụng những loại thuốc này để điều trị dày sừng hoạt tính trừ khi được bác sĩ hướng dẫn cụ thể.
Một số loại kem được dùng để điều trị bao gồm:
- Gel bôi da Diclofenac
- Kem bôi da 5-FU (Fluorouracil)
- Kem bôi da Imiquimod
- Gel bôi ingenol mebutate
Mất bao lâu để chữa hết bệnh dày sừng hoạt tính?
Tùy thuộc vào kích thước và số lượng tổn thương, có thể mất đến 3 tháng để bệnh dày sừng hoạt tính biến mất hoàn toàn sau khi điều trị kết thúc. Sau khi hết bệnh, bạn vẫn phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe 1 hoặc 2 lần mỗi năm. Những người bị suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh này cần đi khám da liễu thường xuyên hơn, khoảng 4 đến 6 lần trong một năm.
Hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ biến mất sau khi điều trị. Khoảng 90% những người bị dày sừng hoạt tính không tiến triển đến ung thư da. Tuy nhiên hầu hết các chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy đều bắt đầu từ dày sừng hoạt tính. Nếu bạn nghi ngờ rằng mình đã bị bệnh thì hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Dày sừng hoạt tính có tái phát sau khi điều trị không?
Trong một số trường hợp, dày sừng actinic có thể quay trở lại nếu bạn không ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời. Cần hạn chế tiếp xúc với tia UV trong và sau khi điều trị.
Ngăn ngừa bệnh dày sừng hoạt tính như thế nào?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh này là tránh tiếp xúc lâu với tia cực tím, bảo vệ làn da bằng cách:
- Bôi kem chống nắng hàng ngày, ngay cả khi trời nhiều mây hoặc trong mùa đông, và bôi lại thường xuyên – ít nhất 2 giờ một lần. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30 để ngăn chặn cả tia UVA và UVB.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi tia cực tím có cường độ mạnh nhất, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
- Tránh các thiết bị nhuộm da nâu, đèn tắm nắng và giường tắm nắng.
- Mặc quần áo chống nắng như áo sơ mi dài tay, quần dài và đội mũ.
Nguy cơ tiến triển thành ung thư da sẽ ít hơn nếu dày sừng hoạt tính được điều trị sớm. Bạn nên đến khám tại cơ sở y tế nếu xuất hiện các triệu chứng:
- Da bị chảy máu, phồng rộp, cảm giác châm chích hoặc ngứa
- Da mọc sừng nhô ra ngoài
- Các mảng da thô ráp, nổi gồ lên hoặc đỏ
Tổng kết
Dày sừng hoạt tính là một chứng rối loạn da nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức. Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ biến mất khi điều trị bằng phẫu thuật hoặc thuốc bôi da. Có thể giảm nguy cơ dày sừng hoạt tính bằng cách bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và tia cực tím.
Nếu nghi ngờ da mình đã bị dày sừng hoạt tính, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị càng sớm bạn sẽ càng ít có nguy cơ bị ung thư da.
Nhớ theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật tin tức thường xuyên nhé!
- 5 điều quan trọng cần biết về vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai