Những triệu chứng ban đầu của sỏi túi mật thường không rõ ràng và chỉ được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi sỏi đã gây ra biến chứng. Vậy sau phẫu thuật sỏi túi mật cần phải lưu ý điều gì, cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
Bệnh sỏi túi mật là gì?
Dịch mật được sản xuất bởi gan, được dự trữ ở túi mật và được bài xuất xuống ruột để tiêu hóa chất béo có trong bữa ăn. Sỏi túi mật thường là sỏi cholesterol, số ít trường hợp là sỏi muối canxi hoặc muối mật, có thể có một viên hoặc nhiều viên. Bệnh thường xảy ra khi trong dịch mật khi có nồng độ cholesterol dư thừa quá cao, tạo thành các tinh thể, mà từ đó tạo nên sỏi túi mật.
Người béo phì, phụ nữ dùng thuốc ngừa thai hoặc người bệnh mắc bệnh lý đường ruột như Crohn hoặc viêm loét đại tràng dễ có nguy cơ mắc bệnh này. Phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi là phổ biến và người bệnh có thể xuất viện sau vài ngày nằm viện nếu túi mật không viêm nhiễm. Bệnh nhân sẽ nằm viện lâu hơn nếu túi mật bị viêm nhiễm nặng, hoại tử, viêm phúc mạc,…
Bệnh sỏi túi mật có ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng ra sao?
Sau phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi, thông thường người bệnh có thể ăn được lại chế độ bình thường rất sớm (trong vòng 24 tiếng) và tình trạng dinh dưỡng ổn định trong thời gian nằm viện. Ngược lại, trường hợp phẫu thuật sỏi túi mật có biến chứng như viêm, hoại tử, hoặc viêm phúc mạc thì người bệnh thường có tình trạng sụt cân trong quá trình nằm viện do tình trạng nhiễm trùng nặng, chán ăn, khó tiêu,…
Cho nên lúc này, can thiệp, chăm sóc dinh dưỡng lại rất cần thiết để người bệnh có thể tăng sức đề kháng, thúc đẩy hồi phục và hạn chế biến chứng. Bên cạnh đó, sau xuất viện, tình trạng tiêu hóa và chuyển hóa chất béo cũng bị rối loạn sau phẫu thuật cắt túi mật. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy,… sau ăn.
Chế độ dinh dưỡng đúng cách cho người bệnh sỏi túi mật
Điều nên làm
- Ăn 3 bữa chính trong ngày, có thể thêm 1 – 2 cữ phụ cho người ăn uống ít hoặc bị sụt cân trong lúc nằm viện. Cữ ăn phụ có thể là thức ăn lỏng như: Súp, cháo thịt, cá,… hoặc sữa dinh dưỡng dành cho người bệnh.
- Ăn lượng chất béo vừa phải theo khả năng dung nạp thức ăn (ăn nhưng không có cảm giác khó tiêu hoặc chướng bụng đầy hơi,… sau khi ăn thức ăn có chứa chất béo).
- Ăn tăng cường lượng thức ăn giàu đạm và ít béo như thịt, cá nạc, gà, vịt không da, đậu,… đặc biệt cho bệnh nhân bị sụt cân trong lúc nằm viện. Người bệnh vẫn có thể ăn 1-2 quả trứng trong tuần nếu cơ thể dung nạp tốt. Lượng thịt, cá nạc trung bình 200 – 300g/ngày.
- Tăng cường ăn thức ăn giàu chất xơ như yến mạch, rau củ quả có màu sắc đậm (súp lơ, cà rốt, ớt chuông, cần tây, cà chua, cải bó xôi,…) giúp điều chỉnh cholesterol và bổ sung vitamin.
- Tập luyện thể dục đều đặn.
Điều không nên làm
- Kiêng khem quá mức vì sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, suy yếu.
- Ăn bữa ăn có nhiều tinh bột như cơm, xôi, hủ tíu, mì sợi,… vì dễ gây thừa cân, béo phì.
- Ăn thức ăn chứa nhiều chất béo như đồ lòng, lạp xưởng, thịt dăm bông, xúc xích, thịt xông khói… chè, bánh ngọt,…sà lách trộn nhiều dầu, mayonnaise,… thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Uống nước ngọt, nước có ga hoặc bia, rượu,… hay uống nhiều cà phê trong ngày.
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh phẫu thuật sỏi túi mật