Viêm loét dạ dày – tá tràng là một trong những bệnh phổ biến nhất ở đường tiêu hoá. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng phối hợp với điều trị để giảm triệu chứng và cải thiện chức năng tiêu hoá, tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu xem chế độ ăn uống cho người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng cần thực hiện như thế nào nhé!
Viêm loét dạ dày – tá tràng là gì?
Viêm dạ dày – tá tràng là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày – tá tràng.
Loét dạ dày – tá tràng là tổn thương sâu tạo ổ loét ở thành dạ dày – tá tràng.
Bệnh có thể diễn tiến âm thầm, không triệu chứng hoặc có các triệu chứng thường gặp như: Đau vùng bụng trên, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng, ói mửa, giảm ăn do ăn không tiêu hoặc đau sau ăn,… Nếu người bệnh không được điều trị thì biến chứng có thể gặp như: Chảy máu dạ dày, thủng dạ dày hoặc dần bị tắc nghẽn đường tiêu hóa do khối u ung thư,…
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (thường được gọi là nhiễm HP).
- Lạm dụng một số loại thuốc như: Thuốc giảm đau, kháng viêm (trong điều trị đau xương khớp, viêm mũi,…).
- Lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
- Công việc, cuộc sống thường xuyên bị căng thẳng.
Ảnh hưởng của viêm loét dạ dày – tá tràng lên tình trạng dinh dưỡng
Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng có nguy cơ cao bị suy dinh duỡng do đau bụng, ợ hơi, ợ chua hoặc ăn không tiêu, đau bụng sau ăn, làm cho người bệnh ăn ít đi nhằm giảm bớt các triệu chứng này. Từ đó gây thiếu hụt chất dinh dưỡng, sụt cân, suy dinh dưỡng. Một khi bệnh tiến triển nặng hơn do không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân phải nằm viện để điều trị biến chứng như: Viêm loét nặng, chảy máu dạ dày hoặc thủng dạ dày phải được mổ cấp cứu thì lúc này, tình trạng dinh dưỡng sẽ diễn tiến xấu hơn.
Lý do là bởi vì vài ngày đầu khi điều trị các biến chứng, người bệnh phải được nhịn ăn và những ngày sau đó lại ăn rất ít do đường tiêu hóa chưa hồi phục, từ đó gây thiếu hụt dinh dưỡng nặng hơn, dẫn đến suy kiệt. Chính vì vậy, cần phải phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và đúng cách cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý là mấu chốt trong điều trị khỏi bệnh.
Vì sao cần có chế độ dinh dưỡng đúng cách?
Chế độ dinh dưỡng đúng cách giúp người bệnh:
- Giảm bớt các triệu chứng như đau hoặc chướng bụng trong đợt cấp.
- Cải thiện sự dung nạp và tiêu hóa thức ăn.
- Phòng ngừa sụt cân, suy dinh dưỡng.
Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đúng cách cho người bệnh
- Ăn 4 – 6 bữa/ngày, mỗi bữa nên ăn ít và chậm.
- Ăn thức ăn mềm, ít béo, dễ tiêu như cháo thịt nạc, cháo đậu với một ít rau củ nấu mềm, nhừ hoặc xay nhuyễn hay cơm nấu mềm, thịt, cá chế biến ít dầu mỡ để dễ tiêu hóa và giảm đau bụng, đầy hơi.
- Không được kiêng khem quá mức, đặc biệt cần ăn đủ lượng thức ăn giàu đạm trong ngày.
- Tránh ăn thức ăn thô ráp, cứng, chua, cay, nhiều gia vị như hành, tỏi,… vì dễ sinh hơi, gây chướng bụng.
- Tránh uống thức ăn có cồn (rượu, bia) và cà phê trong giai đoạn này.
- Người bệnh có thể ăn bình thường.
- Đối với bệnh nhân sau khi xuất viện về nhà, với tình trạng sức khỏe chưa hồi phục, có sút cân trong thời gian nằm viện, người bệnh nên có thêm 1 – 2 bữa ăn phụ để tăng cường thêm dinh dưỡng, cải thiện tình trạng sức khỏe chung. Bữa phụ có thể là các món ăn lỏng (phở, hủ tíu, cháo,…) hoặc sữa dinh dưỡng năng lượng và đạm cao.
- Nên hạn chế ăn các thức ăn vị chua, cay nhiều.
- Không lạm dụng rượu bia để tránh bệnh tái phát.
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng