Dinh dưỡng cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cần lưu ý điều gì?

COPD là bệnh được đặc trưng bởi sự hạn chế lưu thông không khí trong đường thở do đáp ứng viêm khi bệnh nhân hít phải các chất khí độc hại, thường là khói thuốc lá. Bệnh tiến triển từ từ và hồi phục không hoàn toàn. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu xem cần lưu ý gì về dinh dưỡng ở bệnh COPD nhé!

COPD bao gồm:

  • Viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính (được xác định trên lâm sàng)
  • Khí phế thũng (được xác định qua giải phẫu bệnh hay X-quang)

Nhiều bệnh nhân có các đặc điểm của cả hai.

Bệnh COPD làm tăng khả năng tiêu hao năng lượng lúc nghỉ và/hoặc giảm năng lượng ăn vào do nhiều nguyên nhân như khó thở, tác dụng phụ của thuốc hoặc là do tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại,… Điều này dẫn đến cân bằng năng lượng âm gây ra sụt cân, suy mòn cơ và thậm chí là suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây bệnh COPD (Nguồn: Internet)

Suy dinh dưỡng làm giảm sức cơ hô hấp, giảm tổng hợp các sợi đàn hồi trong nhu mô phổi, tăng khó thở và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tất cả những điều này góp phần làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân COPD. Khối cơ là một phần rất quan trọng đối với chức năng hô hấp, khả năng vận động thể lực và chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân COPD có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh loãng xương như hút thuốc lá, sử dụng thuốc corticoid, suy dinh dưỡng, giảm khả năng vận động, thiếu vitamin D,… Bổ sung dinh dưỡng đơn thuần không thể cải thiện chất lượng sống mà cần phải phối hợp thêm với tập luyện thể chất và chức năng hô hấp thì mới có thể cải thiện đáng kể khối cơ và giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân COPD

  • Năng lượng: 30 – 35 kcal/kg/ngày. Trong giai đoạn cấp tính, nhu cầu năng lượng chỉ nên khoảng 20 – 25kcal/kg/ngày, trong giai đoạn hồi phục thì có thể tăng nhẹ nhu cầu năng lượng lên 25 – 30kcal/kg/ngày.
  • Protein: 1.2 – 1.7g/kg/ngày

Thực phẩm giàu chất đạm (Nguồn: Internet)

  • Lipid: 30 – 40% tổng năng lượng. Trong đó 1/3 là acid béo no và 2/3 là acid béo không no
    • Lưu ý: Chế độ ăn tăng chất béo và giảm chất bột đường có thể làm giảm sinh khí CO2, tốt cho bệnh nhân COPD. Thế nhưng, nó có thể không cần thiết đối với bệnh nhân khi đã ổn định. Ngoài ra, chế độ ăn giàu béo còn có thể gây ra các tác dụng phụ như khó tiêu, gây cảm giác no sớm, làm chậm thời gian làm trống dạ dày hoặc tăng chất béo có hại ở bệnh nhân có thêm bệnh tim mạch đi kèm.
  • Vitamin và khoáng chất: Cung cấp đủ nhưng cần đặc biệt chú ý đến vitamin D và canxi ở bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc corticoid.

Những lưu ý khi xây dựng thực đơn cho bệnh nhân COPD

  • Chia nhỏ bữa ăn với thức ăn giàu dinh dưỡng để giúp bệnh nhân giảm khó thở khi ăn
  • Chọn thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu
  • Tránh ăn uống những thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng như: nước uống có cồn, nước ngọt có gas, các loại đậu, các loại rau họ cải,…

Nói không với thức uống có cồn (Nguồn: Internet)

  • Không nên uống nước trong bữa ăn để không bị no giữa chừng
  • Ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế nói chuyện trong lúc ăn để tránh nuốt không khí trong khi ăn
  • Ngồi ăn để làm giảm bớt áp lực cho phổi

Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.

  • Bộ Y tế (2015). Dinh dưỡng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hướng dẫn điều trị dinh dưỡng lâm sàng, NXB Y Học Hà Nội, 166 – 168.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *