Bạn có thích ngồi máy lạnh không? Chắc chắn là có! Thậm chí ngay cả khi ngoài trời mát mẻ thì nhiều người vẫn thích ở trong phòng kín bật điều hòa để không khí “trong lành” hơn. Nhưng máy lạnh thực sự có tốt cho sức khỏe? Ngồi máy lạnh nhiều có thể gây hại gì? Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
Máy lạnh giúp cho cuộc sống của chúng ta “dễ thở” hơn
Máy lạnh – hay máy điều hòa không khí – dường như đã trở thành một phần “tất yếu” trong cuộc sống của nhiều người. Nó được lắp trong các không gian kín như văn phòng, chung cư, thậm chí cả lớp học. Trong những tháng mùa hè nóng nực, chúng ta lại càng muốn dành thời gian thư giãn trong môi trường mát mẻ được kiểm soát một cách nhân tạo như vậy.
Máy điều hòa không khí được tạo ra để giúp con người cảm thấy thoải mái và dễ chịu mọi lúc mọi nơi. Vào những ngày nắng nóng, chúng giữ cho nội thất bên trong xe ô tô luôn ở nhiệt độ an toàn. Máy lạnh cũng được sử dụng để làm mát các trung tâm mua sắm và khu vui chơi giải trí. Nếu đi trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, máy bay, taxi và tàu hỏa, bạn cũng có thể được tận hưởng không khí mát mẻ của máy điều hòa. Thậm chí nhiều người có sở thích mặc thêm nhiều lớp áo dày để vào rạp xem phim, vì nhiệt độ trong đó thường mát lạnh.
Trong các cơ quan công sở làm việc, thường sẽ có một hệ thống điều hòa trung tâm làm mát cả tòa nhà. Nhiều người đã quen với máy lạnh đến mức không hề có ý định mở cửa sổ để không khí bên ngoài tràn vào. Trên thực tế có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng môi trường làm việc mát mẻ có thể nâng cao hiệu suất của người lao động.
Rõ ràng máy điều hòa không khí mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của chúng ta. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, đặc biệt là khi sử dụng một sản phẩm “không tự nhiên” như vậy chắc chắn sẽ có một vài tác dụng phụ không tốt đối với sức khỏe. Sau đây là những vấn đề mà bạn có thể gặp phải nếu sống trong môi trường có máy lạnh quá thường xuyên.
Mệt mỏi
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng mệt mỏi uể oải không rõ nguyên nhân có thể xảy ra ở những người sử dụng máy lạnh trong nhà hoặc văn phòng làm việc. Hiện tượng này đặc biệt dễ xảy ra trong môi trường có nhiệt độ quá thấp. Do đó bạn nên “nghỉ giải lao” khỏi máy lạnh thường xuyên và đặt nhiệt độ cao hơn nếu cảm thấy mệt mỏi bất thường.
Mất nước
Hệ thống điều hòa sẽ làm cho không khí bị khô. Không khí ban đầu trong phòng đi qua một bộ phận của máy điều hòa để làm mát, nhưng khi đó hơi nước trong không khí cũng bị lạnh đi và ngưng tụ thành các giọt nước. Lượng nước này tích tụ lại và sau đó được xả ra bên ngoài.
Quá trình này sẽ có lợi nếu bạn sống trong môi trường có độ ẩm cao và muốn giảm bớt hơi ẩm khó chịu trong không khí. Nhưng nếu bạn sống trong môi trường không khí khô thì máy lạnh sẽ làm cơ thể bạn bị khô thêm. Cơ thể con người liên tục thoát hơi nước ra môi trường xung quanh thông qua các chức năng sinh lý bình thường như hít thở và đổ mồ hôi, và hơi nước này sau đó lại bị máy lạnh lấy đi mất.
Ngoài ra, khi ở trong môi trường mát mẻ chúng ta thường sẽ không cảm thấy khát nước, và nếu không thường xuyên uống để thay thế lượng nước đã mất đi thì cuối cùng cơ thể sẽ rơi vào trạng thái thiếu nước. Mất nước có thể gây ra một loạt các vấn đề bao gồm đau đầu, mệt mỏi, khô môi, khô da và choáng váng.
Da bị khô hoặc ngứa
Khi ở lâu trong môi trường có điều hòa nhiệt độ, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng bất thường, trong đó có khô da và ngứa da. Thường thì khô da là hậu quả của tình trạng mất nước, nhưng cũng có thể là do các yếu tố khác, chẳng hạn như phản ứng với các chất gây ô nhiễm trong không khí của tòa nhà hoặc căn phòng đó.
Các chất này hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có thể xuất hiện do hệ thống điều hòa không hoạt động tốt, hoặc không khí không được làm mới thường xuyên tạo điều kiện cho các hóa chất dạng hơi tích tụ lại. Triệu chứng ngứa da thường được cho là do nhạy cảm với hóa chất.
Các vấn đề về da có thể xảy ra trong bất kỳ môi trường kín nào không có đủ luồng khí lưu thông và không khí không được thay mới thường xuyên. Trong một số trường hợp, những triệu chứng này có thể được xếp vào “hội chứng bệnh trong nhà”, tức là những vấn đề sức khỏe xuất hiện khi bạn ở lâu trong một tòa nhà hoặc căn phòng nào đó.
Để giữ an toàn cho làn da, bạn cần đảm bảo hệ thống điều hòa không khí phải được thiết kế lắp đặt đúng cách và các bộ lọc hoạt động tốt. Điều quan trọng nữa là không khí trong môi trường có máy lạnh phải được thay thế thường xuyên và loại bỏ các chất gây hại tiềm ẩn.
Đau đầu
Đây là một vấn đề phổ biến với những người dành nhiều thời gian ngồi máy lạnh. Môi trường không khí khô làm cho cơ thể mất nước, khi đó não có thể bị co lại tạm thời và gây ra phản ứng đau ở lớp màng bao quanh não. Ngoài ra mất nước cũng có thể gây giảm lưu lượng máu đến não, từ đó gây ra phản ứng đau tương tự.
Những hệ quả khác có thể xảy ra khi thiếu nước là giảm khả năng tập trung và tăng mức độ kích ứng. Đau đầu do mất nước cũng được chứng minh là yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng đau nửa đầu (migraine), và có ý kiến cho rằng mất nước có thể kéo dài thời gian của cơn đau migraine. Nếu phải ngồi máy lạnh quá lâu, bạn nên uống nước thường xuyên để tránh những tác hại này.
Một nguyên nhân tiềm ẩn khác gây đau đầu là chất lượng không khí kém. Hệ thống điều hòa dựa vào các bộ lọc để đảm bảo chất lượng không khí ở mức đạt chuẩn phù hợp. Nếu các bộ lọc này không được làm sạch thường xuyên đúng cách thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
Ngoài ra, nếu hệ thống máy lạnh hoạt động trong một môi trường kín mà không khí không được làm mới thường xuyên thì sẽ làm tích tụ các hóa chất dễ bay hơi từ đồ vật như thảm, đồ nội thất và sơn, cũng như những hạt li ti từ các chất tẩy rửa. Những hóa chất này có thể gây ra phản ứng kích thích cơn đau đầu.
Một số người cũng có thể bị nhạy cảm với hóa chất khiến cho phản ứng xảy ra dữ dội hơn, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác như buồn nôn, sổ mũi và đau họng.
Các vấn đề về hô hấp
Những người ngồi máy lạnh lâu thường dễ mắc các triệu chứng về đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi và cổ họng. Các triệu chứng này thường bao gồm nghẹt mũi, khô rát họng hoặc viêm mũi. Viêm mũi là hiện tượng lớp niêm mạc bên trong mũi bị kích thích và viêm nhiễm, triệu chứng có thể bao gồm hắt hơi, sổ mũi, nhiều đàm ở phía sau mũi và cổ họng.
Vì máy lạnh làm cho không khí bị khô hơn nên có thể dẫn đến khô và kích ứng niêm mạc họng, tạo điều kiện thuận lợi cho viêm họng, trong đó viêm họng hạt là tình trạng viêm nhiễm ở khu vực phía sau cổ họng, thường gây đau và khó nuốt, khiến nhiều người phải nghỉ học, nghỉ làm.
Các bệnh truyền nhiễm
Niêm mạc của đường hô hấp có chức năng như một lớp bảo vệ giúp ngăn chặn các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Khi niêm mạc bị khô và kích ứng do ngồi máy lạnh, cơ thể sẽ dễ bị tổn thương hơn.
Đặc biệt còn có một loại vi khuẩn rất nguy hiểm và có khả năng gây chết người tên là Legionella gây ra bệnh Legionnaires và phát triển mạnh trong các thiết bị điều hòa không khí lớn. Vi khuẩn này là thủ phạm khiến nhiều người bị nhiễm trùng và tử vong trên thế giới, đặc biệt là ở những thành phố có sử dụng thiết bị điều hòa không khí lớn để làm mát các tòa nhà.
Dị ứng và hen suyễn
Có rất nhiều tác nhân kích thích cơn hen suyễn tồn tại trong không khí trong nhà. Nếu các bộ lọc của máy lạnh được làm sạch thường xuyên và thiết bị hoạt động bình thường thì có thể giảm bớt các chất gây kích ứng này.
Do hơi ẩm có thể tích tụ bên trong máy điều hòa nên sẽ có nguy cơ tạo môi trường cho nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi, sau đó phát tán vào không khí. Điều này có thể gây ra phản ứng dị ứng ở nhiều người hoặc thậm chí làm khởi phát cơn hen suyễn.
Bộ phận điều hòa không khí của ô tô là tác nhân nguy hại nhất khi xét về khả năng phát tán bụi bẩn, nấm mốc và bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy rằng có nhiều loại nấm mốc phát triển trong phần lớn các xe ô tô. Cũng có thể nguyên nhân là do khói từ các xe khác cũng đang chạy máy lạnh khi dừng xe gần nhau.
“Thích nghi” với không khí lạnh
Nếu để điều hòa ở nhiệt độ thấp thường xuyên và lâu dài, cơ thể bạn sẽ dần dần quen với nhiệt độ đó. Hậu quả là khi cần làm việc ở ngoài trời với nhiệt độ không khí tự nhiên, bạn có thể sẽ cảm thấy rất khó chịu và căng thẳng.
Cơ thể sẽ rất khó khăn để thích nghi với sự thay đổi từ lạnh sang nóng, sau đó quay trở lại môi trường lạnh. Tốt nhất là hãy cố gắng chỉnh máy lạnh của bạn ở nhiệt độ hợp lý để không bị chênh lệch quá nhiều dẫn đến “sốc nhiệt”.
Vậy là bạn đã biết về những tác dụng phụ khi lạm dụng máy điều hòa không khí có thể gây hại cho sức khỏe của mình như thế nào rồi. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và dành thời gian để tận hưởng môi trường tự nhiên ngoài trời nhé!
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!