Đôi khi bạn cảm thấy bị ngắt kết nối với bản thân hoặc môi trường xung quanh, và điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu đã tìm đến bài viết này thì hẳn tình trạng của bạn đang “báo động” và cản trở cuộc sống thường nhật. Đọc tiếp bài viết để biết thêm về chứng giải thể nhân cách để tìm ra phương pháp điều trị sớm nhất nhé!
Giải thể nhân cách và tác hại khôn lường
Giải thể nhân cách là gì?
Hội chứng Giải thể nhân cách (Depersonalization hay Derealization) là một dạng của rối loạn phân ly mà trong đó, người bệnh có cảm giác mình đang quan sát bản thân từ bên ngoài cơ thể hoặc cảm thấy môi trường xung quanh mình không có thực. Người mắc chứng GTNC không có biểu hiện những triệu chứng dễ nhận thấy như lờ đờ và uể oải, mà chỉ thường mộng du giữa ban ngày, “lơ lửng” trong suy nghĩ của họ, kể cả người thân hay bạn bè cũng khó mà nhận ra được.
Tình trạng mắc chứng rối loạn giải thể nhân cách trên thế giới
Thông tin về giải thể nhân cách không hề ít, nhưng nhận thức về vấn đề này vẫn còn kém xa so với một số chứng rối loại lo âu khác như chứng sợ khoảng trống, OCD,… Thế nhưng tỉ lệ người mắc hội chứng này lại ngày càng tăng, một phần do việc sử dụng chất gây ảo giác như cần sa, ketamin dần trở thành rộng rãi hơn. Theo tờ báo Guardian năm 2015, cứ 50 người thì có 1 người bị rối loạn giải thể nhân cách, và hội chứng này đang gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của gần 1,3 triệu người ở Anh và 6,4 triệu người ở Mỹ.
Ai dễ mắc chứng giải thể nhân cách?
Cả nam và nữ đều có nguy cơ mắc chứng giải thể nhân cách như nhau với tỉ lệ 1:1, thường ở độ tuổi thanh thiếu niên (16 – 20 tuổi). Chỉ 5% trường hợp mắc bệnh sau tuổi 25. Rối loạn giải thể nhân cách hiếm gặp ở trẻ em và người lớn tuổi.
Trên thực tế, nhiều người đã từng trải qua cảm giác như vậy ít nhất 1 lần trong đời với tỉ lệ phổ biến là 23% (theo nghiên cứu của trường Y Mount Sinai, New York, 2004). Nhưng nếu cảm giác này xảy ra liên tục và cản trở các mối quan hệ, công việc và hoạt động hàng ngày, thì đó được coi là chứng rối loạn giải thể nhân cách.
Tác hại của chứng rối loạn giải thể nhân cách
- Gây ra tình trạng đau khổ, tuyệt vọng.
- Không dung nạp được môi trường bên ngoài khiến bệnh nhân lo lắng và sợ hãi dữ dội.
- Làm suy giảm vai trò xã hội hoặc nghề nghiệp vì khó tập trung vào công việc mình đang làm.
- Rút lui khỏi các tương tác xã hội, chọn cách sống ẩn dật.
- Trường hợp mãn tính có thể dẫn đến tàn tật.
Triệu chứng giải thể nhân cách
Video dưới đây mô phỏng góc nhìn của người bị rối loạn giải thể nhân cách. Hãy xem thử bạn có thấy cảm giác của mình tương tự không nhé.
- Cảm giác như thể đang sống trong một giấc mơ hoặc có một bức tường kính chia tách bạn khỏi môi trường bên ngoài. Cơ thể, tâm trí, cảm xúc đều bị tách rời.
- Cảm thấy mình như robot hoặc không kiểm soát được lời nói và hành động của bản thân. Tay chân không còn là của mình, hoàn toàn thiếu vắng mọi cảm xúc dù tiêu cực hay tích cực.
- Khoảng cách, kích thước, hình dạng vật thể bị biến dạng, trở nên méo mó, mờ, không màu hoặc hai chiều,… Thế giới trở nên vô hồn, giả tạo, không màu sắc. Âm thanh có vẻ to hơn hoặc nhẹ nhàng hơn.
- Mất nhận thức về thời gian, chẳng hạn như thời gian trôi quá chậm/nhanh, hoặc sự kiện gần đây như thể trong quá khứ xa xôi.
Bệnh nhân mắc chứng giải thể nhân cách vẫn hiểu được những cảm giác kì lạ ấy không hề có thật mà chỉ là do cách mà họ cảm nhận. Giải thể nhân cách khác với rối loạn tâm thần hoặc tâm thần phân liệt ở chỗ người bệnh luôn thắc mắc về sự tồn tại của mình liệu có thật hay không, cũng như không bao giờ bị thuyết phục về một thực tại nào đó, mà luôn “cảm giác như” hoặc “như thể” điều gì đó đã xảy ra. Hay nói cách khác, họ vẫn giữ nguyên vẹn khả năng kiểm tra thực tế.
Những người nổi tiếng mắc chứng giải thể nhân cách
Chester Bennington – một ca sĩ nổi tiếng của ban nhạc Linkin Park – phải chịu đựng các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Khán giả có thể dễ dàng bắt gặp những lời bài hát nói về cuộc đấu tranh với rối loạn giải thể nhân cách của anh như Numb, Crawling,… Dường như cũng vì lí do đó mà Bennington đã chọn cách tự vẫn ở độ tuổi 27.
Chứng kiến cả bố mẹ của mình phải vật lộn với cơn nghiện ngập, Rapper Logic từng nhập viện và được chẩn đoán mắc chứng giải thể nhân cách. Anh mô tả nó như một dạng lo âu tột độ bởi cảm giác mình luôn luôn bị tách biệt khỏi thực tại.
Nguyên nhân của hội chứng giải thể nhân cách
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác làm khởi phát chứng rối loạn giải thể nhân cách, nhưng nhiều giả thuyết dựa trên nghiên cứu đã đưa ra những nguyên nhân như sau:
- Chấn thương từ thời thơ ấu như lạm dụng tình dục và bạo hành.
- Những sự kiện gây căng thẳng, tổn thương cảm xúc nghiêm trọng (PTSD).
- Lạm dụng chất kích thích, chất gây ảo giác như lysergide (LSD), nấm (psilocybin), dimethyltrytamine (DMT).
Một số nghiên cứu cho rằng trạng thái ngắt hoàn toàn kết nối não bộ giữa phần điều khiển cảm xúc và phần suy nghĩ logic xảy ra do não đã đạt đến giới hạn của nó, buộc phải kích hoạt cơ chế bảo vệ tự nhiên để chống lại sự lo lắng tột độ. Anthony David – giáo sư về tâm thần kinh nhận thức tại bệnh viện Maudsley, London – cho biết: “Sự thiếu tương đồng giữa mặt tinh thần và thể chất làm tăng cảm giác cắt đứt của một người với thế giới bên ngoài.” Ví dụ như khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, nạn nhân vì quá hoảng loạn nên tạm thời mất đi mọi cảm xúc và khả năng logic để xử lí tình huống.
Điều trị hội chứng giải thể nhân cách
Đến gặp bác sĩ hoặc nhà trị liệu tâm lý
Cảm giác của bệnh nhân mắc chứng giải thể nhân cách thường rất khó diễn tả thành lời và dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như tâm thần phân liệt. Do đó, có thể mất hàng tuần, hàng tháng hoặc nhiều năm để bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị chính xác căn bệnh này. Tình trạng bệnh sẽ kéo dài cho đến khi bắt đầu quá trình hồi phục.
Tuy nhiên một khi đã xác định chính xác vấn đề, các bệnh nhân GTNC thường cải thiện mà không cần can thiệp chuyên sâu. Một số thuốc trợ giúp (nhưng không được chứng minh có hiệu quả rõ ràng) có thể kể đến như: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) (điều trị trầm cảm), Lamotrigin (điều trị động kinh và rối loạn lưỡng cực), thuốc đối kháng opioid (thuốc giảm đau). Hiện tại, cách điều trị rối loạn GTNC có tỷ lệ thành công cao nhất là liệu pháp nhận thức hành vi, giúp bệnh nhân cảm thấy kết nối hơn với bản thân và thế giới xung quanh.
Tự điều trị giải thể nhân cách
- Thừa nhận và chấp nhận cảm giác ngay tại thời điểm đó vì nó thực ra cũng chỉ là cảm giác chứ không phải thực tế. Bạn có thể sử dụng vài câu nói tích cực như:
- “Mình đang hiện diện ở khoảnh khắc này.”
- “Cảm giác này không nguy hiểm hay làm hại gì mình, nó từ từ sẽ qua đi và mình sẽ ổn”
- “Chỉ do mình hơi buồn ngủ chút thôi mà. Tỉnh táo lên nào!”
- Tập trung hơn vào môi trường xung quanh bằng cách: sử dụng một đồ vật ở gần đó, để ý sự vật, âm thanh, nhiệt độ xung quanh; nghe nhạc cũng là một cách để bạn tập trung vào giai điệu và quên đi cảm nhận mình đang bị giải thể nhân cách.
- Tán gẫu, chủ động trò chuyện với mọi người qua tin nhắn, gọi điện hoặc gặp mặt.
- Tập thở đúng kỹ thuật.
- Hoạt động nhiều hơn: chơi nhạc cụ, tập thể dục,…
- Ghi nhật kí: Bạn sẽ không bị mông lung trong mớ suy nghĩ hỗn độn nữa ngay khi bạn ghi hết ra giấy những cảm giác, cảm xúc của mình.
- Tránh những cảm xúc căng thẳng, lo lắng. Ngừng sử dụng chất kích thích. Học cách thích nghi với những tình huống khó khăn.
- MSD Manual
- PubMed
- Mayo Clinic
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!