Glucosamine: Tác dụng, liều dùng, chỉ định và mọi lưu ý cần biết

Glucosamine và các chế phẩm của nó hiện nay khá phổ biến trên thị trường với công dụng được biết đến nhiều nhất là điều trị viêm xương khớp, thoái hóa xương khớp. Vậy Glucosamine là gì? Công dụng, liều dùng, chỉ định, chống chỉ định của glucosamin thế nào? Bạn cần hiểu rõ những vấn đề này để tránh sai lầm trong điều trị bệnh!

Glucosamine là gì?

Glucosamine là một loại đường nội sinh mà cơ thể có thể tự tổng hợp được. Tuy nhiên khả năng tổng hợp Glucosamine sẽ giảm đi theo thời gian và tuổi tác. Về mặt hóa học, nó có cấu tạo một amino-mono-saccharide. Glucosamine gồm 3 loại là glucosamin sulfat và N-Acetylglucosamin, glucosamin hydrochorid. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dạng glucosamine sulfat có tác động nhiều nhất tới vấn đề xương khớp.

Glucosamine có nhiều công dụng trong vấn đề đảm bảo sức khỏe xương khớp (chúng ta sẽ xem xét cơ chế tác dụng của Glucosamine tới cơ thể ở phần sau), nhưng nó lại giảm dần đi theo tuổi. Tuổi càng cao, các vấn đề về xương khớp phát sinh càng nhiều, đó chính là lý do người ta tiến tới nghiên cứu cách để tạo ra Glucosamine nhân tạo.

Trên thị trường, Glucosamine chủ yếu được tạo ra từ vỏ tôm, cua biển và một vài loại động vật biển khác.

Glucosamine được dùng nhiều trong điều trị viêm, thoái hóa khớp (Nguồn: Internet).

Tác dụng của Glucosamine trong điều trị bệnh xương khớp

  • Về mặt sinh lý tự nhiên, Glucosamine được cơ thể tạo ra với mục đích hỗ trợ tạo mô sụn. Sụn là phần có chức năng bao bọc các đầu xương để bảo vệ các đầu xương và ở tại các điểm tiếp hợp như các vị trí khớp, nhờ có bao sụn và dịch khớp mà xương chuyển động trơn tru khi con người hoạt động, di chuyển.
  • Glucosamine còn có tác dụng ức chế các enzym hoạt động với mục đích phá hủy hoặc cản trở tạo sụn
  • Glucosamine hỗ trợ ngăn cản quá trình hủy calci xương, giúp xương chắc khỏe hơn nhờ chức năng kích thích tạo các mô liên kết
  • Glucosamine kích thích tăng tiết dịch khớp để giảm nguy cơ thoái hóa khớp, giúp các khớp vận động trơn tru, dễ dàng
  • Glucosamine giảm đau: Glucosamine có tác dụng giảm đau nhưng sẽ phát huy tác dụng sau một thời gian dài điều trị thường xuyên. Đặc biệt là Glucosamine sulfate. Nhưng Glucosamine là thuốc chủ yếu hỗ trợ chống thoái hóa xương khớp, không phải thuốc giảm đau, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để phối hợp thêm các loại thuốc giảm đau khác nếu cần.

Glucosamine hỗ trợ và phòng ngừa thoái hóa, viêm xương khớp (Nguồn: Internet).

Glucosamine nói chung có nhiều tác dụng đối với xương khớp, nhưng không có nghĩa nó là thần dược. Đa số các thử nghiệm hiện tại được thực hiện trên khớp gối, một số ít nghiên cứu khác đã xem xét trên khớp hông, lưng hay bàn tay. Đối với những vị trí khác thì chưa có kết quả nào rõ ràng.

Tuy nhiên, Glucosamine đang là một sản phẩm đầy hứa hẹn trong vấn đề điều trị thoái hóa khớp và viêm xương khớp. Các nghiên cứu về Glucosamine vẫn đang được tiến hành rất nhiều trên toàn thế giới để tìm ra những công dụng thực sự về nó và áp dụng vào điều trị. Nếu bạn đã hoặc đang có ý định sử dụng Glucosamine, hãy tuân theo chỉ định của bác sĩ trong điều trị.

Chỉ định điều trị Glucosamine

Glucosamine được chỉ định điều trị trong các trường hợp:

  • Thoái hóa xương khớp nguyên phát hoặc thứ phát: thoái hóa khớp gối, khớp vai, khớp háng
  • Viêm xương khớp cấp hay mãn tính
  • Loãng xương
  • Thoái hóa cột sống
  • Gãy xương teo khớp

Liều dùng Glucosamine

Liều dùng Glucosamine thông thường là 1500mg/ ngày chia 1-3 lần. Mỗi lần sử dụng liên tục từ 2-3 tháng và nhắc lại sau mỗi 6 tháng. Việc sử dụng Glucosamine không đủ liều có thể không có tác dụng. Bạn cần thường xuyên trao đổi với bác sĩ về tình hình dùng Glucosamine của mình để biết được tác dụng của thuốc cũng như phát hiện các tác dụng phụ có thể phát sinh.

Lưu ý khi sử dụng Glucosamine

Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cần lưu ý trong khi sử dụng Glucosamine mà ai đã và đang có ý định sử dụng cần biết rõ:

  • Có nhiều dạng chế phẩm của Glucosamine. Như đã nói ở trên Glucosamine Sulfate có tác dụng tốt nhất. Bạn cần xem rõ chế phẩm dạng Glucosamine mà mình đã mua trước khi sử dụng.
  • Dùng Glucosamine dạng viên nén cứng khó để cơ thể hấp thụ hơn dạng viên nang mềm
  • Nên uống Glucosamine sau bữa ăn và uống nhiều nước sẽ tốt hơn cho việc hấp thụ của cơ thể
  • Glucosamine có được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng, rất nhiều cơ sở sản xuất, ngoài thành phần chính, các đơn vị sản xuất có thêm có thành phần khác để hỗ trợ cho tác dụng của thuốc. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn dùng loại Glucosamine nào đó.
  • Sau 3-6 tháng nếu không có hiệu quả từ Glucosamine. Thuốc có lẽ không mang lại tác dụng với bạn, cần xem xét về liều lượng hoặc đổi thuốc.

Người dùng thuốc nên có sự theo dõi và đánh giá hiệu quả dùng thuốc từ bác sĩ (Nguồn: Internet).

Tác dụng phụ của Glucosamine

Glucosamine không nhiều tác dụng phụ và cũng ít gặp. Tuy nhiên, các tác dụng phụ có thể xảy ra như:

  • Đau dạ dày
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đau nhức đầu
  • Chướng bụng
  • Đầy hơi

Những đối tượng cần chú ý khi sử dụng Glucosamine

  • Người có bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp
  • Bệnh nhân đái tháo đường
  • Người rối loạn đông máu hay đang điều trị thuốc chống đông
  • Dị ứng tôm cua
  • Người có tiền sử hen suyễn
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú
  • Trẻ nhỏ dưới 18 tuổi

Nói tóm lại Glucosamin có những tác dụng nhất định để cải thiện các vấn đề xương khớp nhưng không phải tác dụng với tất cả các khớp và tất cả các đối tượng. Glucosamin trên thị trường có được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng nên rất nhiều sản phẩm gắn mác Glucosamin nhưng chất lượng chưa chắc đảm bảo. Người sử dụng cần hỏi ý kiến của bác sĩ!

Đừng quên tiếp tục theo dõi và ủng hộ chuyên mục Sức Khỏe của Bloganchoi.com bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *