Khẩu trang N95, KN95, KF94 là gì? Cách đeo các loại khẩu trang như thế nào để hiệu quả cao nhất?

Đại dịch COVID-19 buộc chúng ta phải tập thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, nhất là với sự xuất hiện của biến thể Omicron có sức lây lan khủng khiếp. Nhưng bạn đã biết cách đeo khẩu trang sao cho hiệu quả phòng bệnh cao nhất? Khẩu trang N95, KN95, KF94, khẩu trang y tế và khẩu trang vải có cách đeo khác nhau như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Để đối phó với biến thể Omicron đang lây lan ngày càng phổ biến, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDC) gần đây đã đưa ra đánh giá về các loại khẩu trang khác nhau, từ khẩu trang vải bình dân cho tới “khẩu trang phòng độc” cao cấp như N95.

Đại dịch COVID-19 khiến mọi người quan tâm tới khẩu trang nhiều hơn (Ảnh: Internet).

Theo CDC, mặc dù tất cả các loại khẩu trang đều có khả năng bảo vệ nhưng khẩu trang phòng độc được đeo đúng cách sẽ có mức độ bảo vệ cao nhất. Trong khi đó các loại khẩu trang bằng vải dệt thưa bảo vệ kém nhất, khẩu trang vải dày nhiều lớp có khả năng bảo vệ cao hơn, khẩu trang y tế vừa vặn dùng một lần và khẩu trang KN95 bảo vệ tốt hơn nữa, nhưng vẫn kém hơn khẩu trang phòng độc như N95.

Vậy N95 thực ra là gì? Và còn KN95, KF94? Nếu chỉ dùng các loại dễ kiếm như khẩu trang y tế và khẩu trang vải thì phải làm sao để tăng hiệu quả bảo vệ? Dưới đây là hướng dẫn về các loại khẩu trang khác nhau với ưu và nhược điểm riêng của chúng cùng với cách đeo cho từng loại để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

Khẩu trang N95

N95 được coi là loại khẩu trang tốt nhất hiện nay (Ảnh: Internet).

Tên gọi của loại khẩu trang này gồm 2 phần: N là viết tắt của non-oil, nghĩa là nó không thể lọc được các hạt có tính dầu, vì vậy không nên dùng ở những nơi như nhà máy hóa dầu. Còn 95 là khả năng của khẩu trang lọc được 95% hạt vật chất trong không khí.

N95 được thiết kế để ôm khít vào mặt và được làm từ các lớp vật liệu không dệt như polypropylene hoặc polystyrene, là đồ trang bị bảo vệ cá nhân thiết yếu của nhân viên y tế. Khẩu trang N95 đúng chuẩn được sản xuất tại Mỹ và được chứng nhận bởi Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (NIOSH).

N95 được xếp vào nhóm khẩu trang phòng độc vì nó ngăn các chất tiết đường hô hấp của người khác tiếp xúc với người đeo, kể cả các giọt bắn và các hạt nhỏ bay trong không khí được gọi là “khí dung”. Đây là điểm khác biệt của N95 vì các loại khẩu trang khác chủ yếu có tác dụng ngược lại: ngăn giọt bắn từ chính người đeo thoát ra ngoài. Chất liệu của N95 cũng có điện tích để đẩy các hạt vật chất ra xa.

Có nhiều loại N95 với hình dáng khác nhau (Ảnh: Internet).

Khẩu trang N95 có các kiểu dáng khác nhau như hình chiếc cốc, hình mỏ chim hay mỏ vịt. Loại khẩu trang này từng rất khan hiếm hồi đầu đại dịch, tới mức người dân được khuyên nên hạn chế mua để dành cho nhân viên y tế. Hiện nay N95 đã phổ biến rộng rãi hơn nhưng CDC khuyến cáo người dùng không nên mua những khẩu trang được dán nhãn “phẫu thuật” vì loại này có thêm khả năng ngăn chất lỏng bắn và chỉ dành cho nhân viên y tế.

Ưu điểm

Dây đeo của N95 phải vòng qua đầu chứ không phải đeo vào tai (Ảnh: Internet).

N95 được thiết kế để ôm kín khuôn mặt nhờ gọng cứng ở mũi và dây đeo vòng qua đầu chứ không phải vòng qua tai như các loại khẩu trang khác. Nếu đeo vừa vặn, N95 sẽ cản được hầu hết các giọt bắn và virus trong không khí. Loại khẩu trang này cũng ít xuất hiện hàng giả hơn so với các loại khác, tránh mất tiền mua hàng kém chất lượng.

Nhược điểm

Điểm trừ dễ thấy nhất là N95 đắt tiền hơn các loại khẩu trang thường. Bên cạnh đó, chính vì đặc điểm ôm sát khuôn mặt nên nếu đeo trong thời gian dài khoảng vài giờ sẽ thấy khó chịu khiến nhiều người muốn nới lỏng hoặc tháo ra, làm mất hiệu quả của khẩu trang.

Cách sử dụng khẩu trang N95 tối ưu

NIOSH có hướng dẫn cách đeo và tháo khẩu trang phòng độc cũng như cách kiểm tra để đảm bảo nó ôm khít mặt, ví dụ như dùng cả hai tay ép khẩu trang vào mặt và thở nhanh để kiểm tra có không khí lọt qua hay không.

Lưu ý rằng không được đeo bất kỳ loại khẩu trang nào khác phủ bên ngoài khẩu trang phòng độc như N95, vì làm như vậy có thể khiến nó bị lệch và không ôm sát mặt nữa. Nếu bạn đã mua khẩu trang N95 nhưng cảm thấy không vừa hoặc không thoải mái khi đeo thì hãy mua của hãng khác hoặc kích cỡ khác.

Khẩu trang KN95

KN95 có nhiều điểm giống với N95: cũng là khẩu trang phòng độc và ôm kín quanh miệng và mũi, được làm bằng các lớp vật liệu tổng hợp không dệt như polypropylene hoặc polystyrene và có thể cản được 95% các hạt trong không khí.

Khẩu trang KN95 có nhiều màu sắc khác nhau (Ảnh: Internet).

Điểm khác biệt của KN95 là thường có mũi nhọn và vòng đeo qua tai thay vì vòng qua đầu như N95, ngoài ra KN95 được sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Chữ K trong tên của nó thể hiện rằng đây là “phiên bản Trung Quốc” của N95, mặc dù nhiều người cho rằng K là viết tắt của “knockoff” tức là hàng nhái, nhưng thực ra KN95 là loại khẩu trang chất lượng cao đã được CDC khuyên dùng để chống lại biến thể Omicron.

Tuy nhiên hiện nay khẩu trang KN95 giả tràn lan khắp nơi nên mọi người phải hết sức cẩn thận khi tìm mua.

Ưu điểm

KN95 thường dễ kiếm hơn N95 và có thể rẻ hơn, có nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau.

Nhược điểm

Cũng giống như N95, khẩu trang KN95 thường gây khó chịu sau khi đeo một thời gian dài và vòng dây đeo tai có thể gây kích ứng da. Nếu bạn muốn tháo khẩu trang để nghỉ ngơi thì chỉ nên tháo ở ngoài trời và cách xa những người khác ít nhất 2 mét.

Cách sử dụng khẩu trang KN95 tối ưu

Phải tìm mua đúng khẩu trang KN95 hàng thật chất lượng tốt (Ảnh: Internet).

Đầu tiên cần phải tìm hiểu kỹ để mua được khẩu trang KN95 chất lượng cao. CDC có hướng dẫn cách phát hiện hàng giả khi mua khẩu trang phòng độc như KN95 hay KF94 (ở dưới), nhưng thông tin của CDC thường khó áp dụng cho đa số người tiêu dùng bình thường.

Trang New York Times đưa ra một số cách để tránh hàng giả như bao bì phải có tem niêm phong chứ không phải dây buộc sơ sài, có ghi rõ hạn sử dụng và tên của nhà sản xuất.

Khẩu trang KF94

Nếu tìm mua khẩu trang cao cấp trên mạng thì có thể bạn sẽ thấy loại KF94, nhưng nó là gì? KF là viết tắt của Korean filter, tức là loại khẩu trang này được sản xuất ở Hàn Quốc chứ không phải ở Mỹ như N95 hay ở Trung Quốc như KN95.

Khẩu trang KF94 được sản xuất tại Hàn Quốc (Ảnh: Internet).

Khẩu trang KF94 cũng có hình dạng khác biệt: phần thân rộng ở giữa, gọng mũi có thể điều chỉnh và 2 tấm “nắp” giúp ôm sát vào khuôn mặt của người dùng. Theo CDC, khẩu trang KF94 đúng chuẩn có hiệu quả chống lại biến thể Omicron và khả năng cản các hạt trong không khí gần như tương đương với hai loại trên: 94%.

Ưu điểm

KF94 là giải pháp thay thế chất lượng cao cho N95 và KN95, dễ tìm trên thị trường hơn. Khi được đeo đúng cách, nó thường tạo ra khoảng trống quanh mũi và miệng nhiều hơn một chút so với N95 và KN95, do vậy có thể bớt khó chịu hơn khi đeo trong thời gian dài.

Cách sử dụng khẩu trang KF94 tối ưu

Giống như các loại khẩu trang cao cấp khác, bạn phải tránh hàng giả khi mua KF94 và tìm đúng kích thước phù hợp với mình.

Cách đeo khẩu trang KF94 (Ảnh: Internet).

Khẩu trang phẫu thuật (y tế)

Khẩu trang phẫu thuật hay thường được gọi là khẩu trang y tế có dạng phẳng, thường có màu xanh lam và có các nếp gấp nằm ngang ở mặt trước.

Khẩu trang y tế rất quen thuộc với mọi người (Ảnh: Internet).

Giống như các loại khẩu trang phòng độc, khẩu trang y tế được làm từ vật liệu như polypropylene hoặc polystyrene có tác dụng lọc các giọt bắn và hạt khí dung hiệu quả, chỉ khác là khẩu trang phòng độc lọc được các hạt kích thước nhỏ hơn. Tất nhiên khẩu trang phải vừa khít với khuôn mặt thì mới phát huy được tác dụng tối đa.

Theo CDC, khi mua khẩu trang y tế nên tìm những loại có nhiều lớp (thường là 3 lớp trở lên), được làm bằng chất liệu không dệt và có gọng mũi.

Ưu điểm

Khẩu trang y tế rất dễ tìm, rẻ tiền và cảm giác khi đeo thoải mái hơn nhiều so với khẩu trang phòng độc.

Nhược điểm

Khẩu trang y tế không ôm sát vào mặt như các loại cao cấp ở trên, mặc dù chất liệu có khả năng bảo vệ tốt nhưng khi đeo thường để lại khoảng trống lớn ở 2 bên.

Cách sử dụng khẩu trang y tế tối ưu

Nếu khẩu trang y tế của bạn bị lỏng và không ôm sát mặt thì hãy cố định nó bằng cách thắt nút dây đeo tai để thu ngắn lại hoặc đeo thêm một chiếc khẩu trang vải bên ngoài. Nếu dùng khẩu trang vải bổ sung thì chỉ phủ bên ngoài khẩu trang y tế chứ không làm ngược lại, vì khẩu trang y tế có tác dụng che chắn kín xung quanh miệng và mũi còn khẩu trang vải chỉ giữ cố định và bịt hết các khoảng trống.

Khẩu trang vải

Đây là loại khẩu trang dễ tìm nhất, có thể mua ở các tiệm tạp hóa và cửa hàng quần áo, thậm chí nhiều người đã tự làm khẩu trang bằng vải tại nhà từ những ngày đầu của đại dịch. Khẩu trang bằng vải có đủ loại và đủ kiểu, mức giá cũng rất đa dạng tùy chất liệu và kiểu dáng.

Khẩu trang vải rất đa dạng và dễ kiếm (Ảnh: Internet).

Gần đây CDC đã cảnh báo rằng loại khẩu trang này không bảo vệ hiệu quả trước biến thể Omicron. Tuy nhiên khẩu trang vải nếu được sản xuất tốt (có nhiều lớp, vừa vặn với khuôn mặt, che kín mũi và miệng) và đeo đúng cách thì vẫn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm COVID-19. Ngoài ra cũng có thể đeo khẩu trang này bổ sung để giữ khẩu trang y tế che kín mặt.

Một số khẩu trang vải còn được gắn thêm bộ lọc giấy, nhưng chưa rõ có tác dụng tốt hơn hay không.

Ưu điểm

Khẩu trang vải tạo cảm giác thoải mái hơn so với khẩu trang phòng độc và khẩu trang y tế, có nhiều màu sắc và kiểu dáng, đặc biệt là có thể sử dụng nhiều lần và lâu bền hơn.

Nhược điểm

Khẩu trang vải chỉ có một lớp hoặc dùng vải kém chất lượng sẽ không hiệu quả để ngăn cản các hạt trong không khí, nhất là với biến thể dễ lây lan như Omicron. Ngay cả khẩu trang vải nhiều lớp cũng không bảo vệ tốt như khẩu trang phòng độc và khẩu trang y tế, đặc biệt là ở những nơi đông đúc và nơi có nguy cơ cao.

Cách sử dụng khẩu trang vải tối ưu

Nên chọn khẩu trang vải có nhiều lớp (Ảnh: Internet).

Chọn khẩu trang vải có nhiều lớp và vừa khít với khuôn mặt của mình để không chừa khoảng trống nhưng cũng phải thoải mái để đeo trong nhiều giờ liền. Giặt khẩu trang theo hướng dẫn của nhà sản xuất, ví dụ như một số loại vải chỉ được giặt tay và phơi khô tự nhiên. Ngoài ra cũng đừng đeo khẩu trang vải quá lâu.

Có thể đeo nhiều loại khẩu trang khác nhau tùy hoàn cảnh không?

Mỗi người nên đánh giá tình hình của bản thân mình để quyết định dùng loại khẩu trang nào. Theo CDC, nên dùng khẩu trang phòng độc thay vì khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế đối với người bị suy giảm miễn dịch, người chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19, người chưa tiêm vaccine, ở trong môi trường đông đúc không thể giữ khoảng cách với người khác, ở trên phương tiện giao thông công cộng, hoặc ở nơi có nhiều người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia, nếu đi ra ngoài mua sắm và ít tiếp xúc với người khác thì có thể đeo khẩu trang y tế là đủ. Nhưng nếu làm công việc phải tiếp xúc thường xuyên với nhiều người như nhân viên bán hàng thì nên đeo KN95, N95 hoặc KF94.

Tùy từng tình huống mà chọn loại khẩu trang phù hợp (Ảnh: Internet).

Nếu bạn có ý định đi du lịch thì cũng tương tự: khi ở sân bay và trên máy bay, bạn sẽ ở gần những người khác và họ có thể thỉnh thoảng tháo khẩu trang để ăn uống, do đó nên đeo các loại khẩu trang phòng độc chất lượng cao.

Sử dụng lại khẩu trang nhiều lần có được không?

Đối với khẩu trang y tế thì không, khẩu trang vải thì được. Vậy còn khẩu trang phòng độc thì sao?

Theo hướng dẫn y tế cộng đồng nói chung thì có thể sử dụng lại. Nếu không phải ở trong môi trường bệnh viện và khẩu trang phòng độc không bị bẩn thì không nhất thiết phải vứt bỏ chỉ sau một lần dùng. Nhưng phải thay khẩu trang khi nó bị bẩn hoặc không còn ôm sát mặt nữa, và cũng không dùng lâu hơn vài ngày. Đối với N95, sau vài lần sử dụng nó sẽ bị lỏng và phải bỏ đi.

Có thể dùng lại khẩu trang N95 nhưng không quá nhiều lần (Ảnh: Internet).

Vậy khi nào nên thay khẩu trang vải mới? Nếu bạn đã đeo và giặt nhiều lần thì khẩu trang vải có thể đã mất tác dụng và nên bỏ đi. Hiện nay không có hướng dẫn rõ ràng về thời gian thay khẩu trang vải, nhưng kinh nghiệm của nhiều người là nếu giơ khẩu trang lên phía có ánh sáng và nhìn thấy các chấm sáng li ti chiếu qua thì chứng tỏ trên khẩu trang có những khoảng trống đủ lớn để các hạt trong không khí lọt qua, tức là không nên dùng nữa.

Loại khẩu trang nào tốt nhất cho trẻ em?

Trẻ em đi học hoặc ở nhà trẻ cả ngày cũng giống như mọi người ở trên máy bay hoặc sân bay, tức là ở môi trường trong nhà nhiều giờ và có nhiều người xung quanh, trong khi các quy tắc giữ khoảng cách có thể bị lơ là. Do đó CDC hiện nay khuyến cáo đeo khẩu trang trong nhà ở các trường học.

Có nhiều loại khẩu trang dành riêng cho trẻ em (Ảnh: Internet).

Nếu trẻ còn quá nhỏ thì nên dùng khẩu trang y tế để không bị khó chịu khi đeo lâu, còn đối với trẻ lớn có thể dùng khẩu trang cao cấp hơn nếu trẻ cảm thấy thoải mái.

Dù là người lớn hay trẻ em, đeo loại khẩu trang nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải đeo liên tục và đúng cách. Khẩu trang vải chất lượng tốt có nhiều lớp, vừa vặn và được đeo liên tục vẫn là lựa chọn tốt, giúp trẻ em cảm thấy thoải mái khi đeo trong thời gian dài.

Trên đây là những lưu ý về cách đeo các loại khẩu trang khác nhau để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Bạn đang sử dụng loại khẩu trang nào? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *