Thoát vị đĩa đệm là bệnh ngày càng phổ biến ở Việt Nam, chiếm tới 30% dân số và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người do phát hiện bệnh muộn và không điều trị đúng cách dẫn đến bệnh dai dẳng khó hồi phục. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, lựa chọn phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm sao cho tối ưu và phù hợp là hết sức cần thiết.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm là bệnh về cột sống, xảy ra khi nhân nhày của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống, có đứt rách vòng sợi nên xuất hiện hội chứng thắt lưng hông điển hình.
Dấu hiệu thường thoát vị đĩa đệm thường gặp
Người bệnh thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện các triệu chứng phổ biến sau:
- Đau dây thần kinh tọa: các cơn đau buốt trải dài từ hông xuống đùi, lan xuống các ngón chân dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
- Đau cánh tay hoặc đau chân: đau tùy thuộc vị trí nơi thoát vị đĩa đệm. Cụ thể đau cánh tay (thoát vị đĩa đệm ở vùng cổ) hay đau chân (thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).
- Teo, yếu cơ.
- Tê, ngứa ran, cảm giác như bị châm chích, điện giật ở vùng cơ thể có các dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi thoát vị đĩa đệm.
Bên cạnh các dấu hiệu điển hình trên, khi có các dấu hiệu dưới đây, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được điều trị phù hợp:
- Các cơn đau vùng cổ, thắt lưng lan ra vùng cánh tay hay chân, hoặc kèm theo các cảm giác đau nhức, tê bì, yếu cơ,…Khi các biểu hiện trên đang từ mức độ nhẹ, chuyển nặng hơn dẫn đến cản trở sinh hoạt, người bệnh nên nhanh chóng tới thăm khám bác sĩ để sớm chẩn đoán nguyên nhân và có các biện pháp trị liệu phù hợp.
- Rối loạn chức năng ruột và bàng quang.
- Mất cảm giác vùng phía sau chân, bắp đùi phía trong và quanh trực tràng.
Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
Hiện nay, có nhiều biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm khác nhau, tùy theo giai đoạn bệnh và đặc điểm của thoát vị để chọn ra phương pháp tối ưu và phù hợp.
Điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc
Thoát vị đĩa đệm ít khi phải sử dụng các can thiệp phẫu thuật để điều trị. Tập luyện và phối hợp với sử dụng thuốc đều đặn có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn, vài ngày hoặc nhiều hơn là vài tuần.
Nếu tình trạng không cải thiện, người bệnh sẽ được thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu để hạn chế tác động đến các bộ phận khác xung quanh. Các bài tập làm khỏe cơ nâng đỡ vùng lưng, điều chỉnh tư thế và cải thiện tính mềm dẻo:
- Phương pháp kéo nắn xương khớp (chiropratic): đem lại hiệu quả ở mức độ vừa phải đối với các cơn đau do thoát vị ở vùng lưng dưới, thực hiện ít nhất trong vòng một tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý, phương pháp này khi áp dụng với thoát vị đĩa đệm cổ, một số hiếm trường hợp có thể gây ra đột quỵ.
- Châm cứu, bấm huyệt làm giảm đau lưng và đau cổ
- Massage: giảm đau ngắn hạn cho các trường hợp đau lưng dưới kinh niên
- Yoga: cải thiện chức năng và giảm đau lưng kinh niên
Ở giai đoạn đầu, khi thoát vị còn chưa bị xơ hóa, tác động cột sống giúp kéo dãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi ra trở về vị trí bình thường. Ngoài ra, biện pháp mặc áo nẹp cột sống cũng giúp cố định tạm thời, bớt ảnh hưởng đến phần cột sống bị tổn thương, hạn chế các tác động lên đĩa đệm.
Bên cạnh đó, một số phương pháp khác giúp giảm áp đĩa đệm qua da: giảm áp đĩa đệm bằng Laser, bằng sóng cao tần (radio frequency)…tuy nhiên chỉ nên áp dụng cho các trường hợp lồi đĩa đệm, đĩa đệm chưa bị rách bao xơ, đĩa đệm thoái hóa độ I, II.
Thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm
Thường áp dụng ở giai đoạn bao xơ đĩa đệm chưa bị rách (lồi đĩa đệm). Tỷ lệ thành công có thể lên tới 95% nếu điều trị đúng chỉ định và phương pháp. Điều trị nội khoa có tác dụng làm giảm đau, phục hồi chức năng vận động và giúp phần đĩa đệm bị thoát vị co bớt lại làm giảm chèn ép thần kinh. Điều trị theo từng giai đoạn bệnh :
- Giai đoạn 1: Giảm đau phối hợp với thuốc chống viêm non-steroid, thuốc chống co cứng cơ và/hoặc corticoid đường uống.
- Giai đoạn 2: Tiêm ngoài màng cứng (là phương pháp dùng để điều trị cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm từ trung bình đến nặng, mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 – 7 ngày.), tiêm quanh rễ thần kinh và các biện pháp khác (vật lý trị liệu, xoa bóp, kéo giãn cột sống, đai lưng…)
Có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc hay tiêm ngoài màng cứng (dùng Hydrocortisol) để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép trong một số trường hợp nhất định, thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng, hiệu quả trong 3 – 4 tháng cho mỗi lần thực hiện. Trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống, sử dụng các thuốc dãn cơ: mydocalm, myonal…
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp phẫu thuật
Người bệnh được chỉ định phẫu thuật để điều trị thoát vị đĩa đệm trong các trường hợp:
- Thất bại với điều trị nội khoa sau 5-8 tuần
- Thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh cấp tính
- Thoát vị gây rách bao xơ, thoát vị di trú
Bên cạnh đó, có một số trường hợp cần tiến hành mổ cấp cứu:
- Thoát vị gây đau quá mức, thuốc giảm đau không có hiệu quả
- Thoát vị đĩa đệm gây liệt hay hội chứng đuôi ngựa: do ảnh hưởng của chèn ép dây thần kinh, nên làm giảm trương lực cơ, gây yếu hoặc liệt các nhóm cơ do các rễ thần kinh đó chi phối,…
Khi phẫu thuật, các bác sĩ có thể loại bỏ phần nhô ra của đĩa đệm, đặc biệt trong một số trường hợp phải loại bỏ toàn bộ đĩa đệm. Khi đó, các đốt sống có thể cần phải được kết hợp với phần cứng kim loại để cung cấp sự ổn định cho cột sống.
Một số phương pháp phẫu thuật hiện nay được áp dụng:
- Mổ mở hoặc qua ống banh, lấy phần nhân thoát vị ra để giải quyết tình trạng chèn ép thần kinh, kính hiển vi có thể được sử dụng như dụng cụ hỗ trợ khi tiến hành mổ.
- Phẫu thuật nội soi cột sống, tiến hành lấy nhân thoát vị.
Như vậy, tùy từng giai đoạn bệnh và dạng thoát vị đĩa đệm khác nhau sẽ có cách thức điều trị khác nhau. Hi vọng qua bài viết trên, bạn đọc có thể có được những thông tin bổ ích về thoát vị đĩa đệm, cách nhận biết cũng như lựa chọn phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm tối ưu và phù hợp nhất.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích mới bạn nhé!