Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10: WHO kêu gọi phòng chống tự tử với chiến dịch 40 Giây Hành Động

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới diễn ra vào 10 tháng 10 hàng năm là cơ hội để mọi người cùng chung tay nâng cao sức khỏe tinh thần toàn cầu. Năm 2019 này, chủ đề được lựa chọn là Phòng Chống Tự Tử. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã phát động chiến dịch 40 Giây Hành Động (40 seconds of action) nhằm tuyên truyền và ngăn chặn nạn tự sát.

Ngày 10 tháng 9 hàng năm là ngày Thế giới Phòng chống tự tử (#WorldSuicidePreventionDay). Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về phòng chống tự tử. Cuộc vận động này sẽ kéo dài trong suốt 1 tháng tiếp theo với cao điểm là chiến dịch 40 Giây Hành Động vào ngày 10/10/2019.

Tại sao chiến dịch trọng điểm của ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 2019 lại có tên là “40 Giây Hành Động”?

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới WMHD (World Mental Health Day) đầu tiên được tổ chức vào năm 1992. Gần 20 năm qua, rất nhiều tình nguyện viên đã nhiệt tình hỗ trợ công tác tuyên truyền về sức khỏe tâm thần. Thông thường mỗi năm sẽ có một chủ đề khác nhau cho ngày này. Có thể điểm lại một số chủ đề của ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới trong vòng vài năm trở lại đây:

  • Năm 2018: Tuổi trẻ và Sức khỏe Tâm thần trước thế giới đang thay đổi
  • Năm 2017: Sức khỏe tâm thần nơi làm việc
  • Năm 2016: Trợ giúp tâm lí ban đầu

Ngày Sức Khỏe Tâm thần Thế giới đã có lịch sử gần 2 thập kỷ (Ảnh: Internet)

Năm nay, năm 2019, Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới mang chủ đề Chung tay phòng chống tự tử (working together to prevent suicide), với chiến dịch nổi bật mang tên 40 Giây Hành Động. Vậy ý nghĩa đằng sau cái tên này là gì?

Theo ước tính, cứ 40 giây trôi qua lại có 1 người chết vì tự tử. Nói khác đi, sau 40 giây loài người sẽ phải chia tay một đồng loại, có thể do họ không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống hoặc đã trải qua nỗi đau tinh thần sâu sắc. Liệu chúng ta có thể dùng 40 giây của cuộc đời mình để tác động đến một người khác và cứu lấy mạng sống cho họ? Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó với sự chung tay góp sức của cộng đồng và xã hội.

Chiến dịch 40 Giây Hành Động (Ảnh: Internet)

Mục đích của chiến dịch 40 Giây Hành Động

  • Nâng cao nhận thức của mọi người về tính nghiêm trọng của nạn tự tử và xem đó như một vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu
  • Cung cấp kiến thức về việc ngăn chặn tự sát
  • Giảm thiểu sự kỳ thị liên quan đến tự tử
  • Cố gắng giúp những người đang suy sụp tinh thần hoặc có ý định tự sát biết rằng họ không cô đơn và có nhiều người sẵn sàng chia sẻ với họ

Mục đích chiến dịch 40 Giây Hành Động (Ảnh: Kinhnghiem360.edu.vn)

Ý tưởng của chiến dịch 40 Giây Hành Động

  • Nếu bạn cảm thấy tâm trạng khó chịu, hãy dành 40 giây để trò chuyện và chia sẻ với người mà bạn tin tưởng.
  • Nếu bạn biết một ai đó vừa có người thân qua đời do tự tử, hãy dùng 40 giây để an ủi và động viên họ.
  • Nếu bạn làm ở mảng truyền thông, hãy chú trọng đến số liệu 40 giây trong các bài báo, bài phỏng vấn và bài đăng blog.
  • Nếu bạn làm công việc liên quan đến nghệ thuật hoặc kỹ thuật số, bạn có thể sáng tạo hay phát sóng một sản phẩm dài 40 giây để bày tỏ thông điệp chống tự sát.
  • Nếu bạn là người quản lý, hãy trích ra 40 giây để hỗ trợ nhân viên tiếp cận với các công cụ giải tỏa tâm lý.
  • Nếu bạn muốn đề xuất một yêu cầu về sức khỏe tâm thần với lãnh đạo, hãy biến chúng thành một đoạn clip 40 giây.
  • Nếu bạn sử dụng mạng xã hội, hãy dành 40 giây để chia sẻ các câu chuyện có ý nghĩa về tự sát và phòng chống tự sát.

Một số ý tưởng trong chiến dịch 40 Giây Hành Động (Ảnh: Kinhnghiem360.edu.vn)

Sau 40 giây lại có một ca tử vong do tự sát

Sau 40 giây lại có một người qua đời do tự sát (Ảnh: Internet)

WHO cho biết tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ hai ở thanh thiếu niên, đặc biệt là ở độ tuổi từ 15 đến 29. Cứ 40 giây trôi qua lại có 1 người tự kết liễu cuộc đời mình. Dựa trên báo cáo năm 2018 của WHO, trong số tất cả các quốc gia trên thế giới, chỉ có 38 nước có chiến lược phòng chống tự tử quốc gia. Con số này được xem là quá ít.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO cho biết: “Mỗi cái chết đều mang lại nỗi đau lớn lao cho gia đình, bạn bè và người thân của họ. Tuy nhiên, việc tự sát có thể ngăn chặn được. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước kết hợp những chiến lược phòng chống tự tử đã được chứng minh vào các chương trình giáo dục và y tế quốc gia một cách bền vững”.

Tỷ lệ tự tử đáng báo động

Một báo cáo khác năm 2018 của WHO chỉ ra rằng: “Trong giai đoạn 2000-2016, 79% các ca tử vong do tự tử đến từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập cao đối mặt với tỷ lệ tự tử cao hơn là 11,5 / 100.000 người. Bên cạnh đó, ở các quốc gia giàu có, số vụ tự sát của nam giới nhiều gấp 3 lần nữ giới”.

Tỷ lệ tự sát của nam cao gấp 3 lần của nữ (Ảnh: Internet)

WHO cũng ghi nhận 3 phương pháp tự tử phổ biến nhất là treo cổ, tự đầu độc bằng thuốc trừ sâu và tự sát bằng súng. Ngoài ra, WHO nhấn mạnh một vài cách giải quyết hiệu quả trong việc phòng chống tự sát là:

  • Đưa tin về những vụ tự tử trên các phương tiện truyền thông một cách có trách nhiệm
  • Xây dựng các chương trình toàn quốc để giúp giới trẻ rèn luyện các kỹ năng sống phù hợp
  • Phát hiện những trường hợp có ý định tự tử và cung cấp cho họ những biện pháp kịp thời
  • Hạn chế người dân tiếp xúc với các phương tiện tự sát

Do ngộ độc thuốc trừ sâu chiếm tới 1/5 số vụ tự tử trên thế giới nên năm nay WHO đã công bố tài liệu nhằm khuyến nghị các cơ quan đăng ký và quản lý thuốc trừ sâu trong việc phòng chống tự sát. Chẳng hạn, khi Sri Lanka thắt chặt quản lí về thuốc trừ sâu thì trong vòng một thập kỷ từ 1995-2005, số ca tự tử đã giảm 70%. Nói cách khác, khoảng 93.000 sinh mạng đã được cứu sống nhờ quy định này. Tương tự tại Đại Hàn Dân Quốc, sau khi chính phủ ban lệnh cấm paraquat – một loại thuốc diệt cỏ cực độc vào năm 2011-2012, số ca tự tử bằng thuốc trừ sâu đã giảm tới một nửa từ 2011-2013.

Nguy cơ tự tử thường xảy ra trong thời gian ngắn

Ý định tự tử hoàn toàn có thể được tháo gỡ (Ảnh: Internet)

Nhiều người cho rằng khi một người đã nuôi ý nghĩ tự sát trong thời gian dài thì sẽ không có biện pháp nào để ngăn chặn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, WHO cho biết điều này là không chính xác. Nguy cơ tự tử cao thường là ngắn hạn và còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Mặc dù ý định tự tử có thể quay trở lại, nhưng chúng không tồn tại vĩnh viễn. Và nếu trước đây một người đã từng cố gắng tự tử thì không có nghĩa là cuộc sống sau này của người đó có nguy cơ ngắn hơn người bình thường.

Cuộc khủng hoảng tự tử toàn cầu đã và đang đặt ra mối quan ngại to lớn cho cộng đồng. Nhân ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới, hi vọng mỗi chúng ta đều có thể góp một hành động nhỏ bé của mình để giảm thiểu và ngăn chặn việc tự tử.

Nếu bạn có hứng thú với chủ đề Sức khỏe, đừng quên theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn thường xuyên để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *