Dinh dưỡng là vấn đề rất quan trọng với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt còn quan trọng hơn nữa đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) – đó là tình trạng phức tạp bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính khiến cho người bệnh ngày càng khó thở. Mặc dù thức ăn không thể thay thế hoàn toàn cho thuốc nhưng một số loại thực phẩm có thể giúp người bệnh COPD giảm bớt các triệu chứng và biến chứng.
COPD là gì?
COPD là viết tắt của “chronic obstructive pulmonary disease”, tức “bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”. Đây là tình trạng phổi bị hủy hoại nghiêm trọng, các mô bị xơ hóa và tiết ra nhiều chất nhầy, hậu quả là người bệnh khó thở ngày càng nặng, không thể sinh hoạt bình thường và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. COPD thường gặp ở những người hút thuốc lá.
Người mắc bệnh COPD nên ăn uống như thế nào?
1. Thực phẩm nhiều protein
Nhiều người bệnh COPD cảm thấy chán ăn dẫn đến sụt cân, giảm cơ bắp và suy dinh dưỡng. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí quốc tế về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tháng 1/2019 cho thấy hầu hết người mắc bệnh này không nạp đủ năng lượng và protein cần thiết.
Khi cơ thể bị thiếu calo và protein, các cơ toàn thân và cơ hô hấp dùng để hít thở bị teo nhỏ và yếu hơn, làm cho người bệnh ngày càng khó thở. Vì vậy ăn nhiều protein là một trong những khuyến cáo dành cho người bệnh COPD.
Để giúp duy trì hoạt động của các cơ hô hấp, Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) khuyến cáo những người mắc COPD nên ăn thực phẩm giàu protein ít nhất 2 lần một ngày. Nguồn protein tốt bao gồm:
- Thịt, cá, trứng, sữa
- Phô mai
- Các loại hạt
- Đậu
Nếu bạn cần tăng cân, ALA khuyên nên chọn các nguồn protein có hàm lượng chất béo cao, ví dụ như sữa nguyên béo và phô mai, sữa chua không tách béo.
2. Thực phẩm giàu vitamin D
Theo Quỹ Khí phế thũng quốc gia Mỹ (NEA), hơn một nửa số bệnh nhân COPD và khí phế thũng bị thiếu vitamin D. Một lý do là vì các loại thuốc steroid được dùng để điều trị bệnh COPD có thể ngăn cơ thể hấp thu vitamin D. Ngoài ra người bệnh thường ít đi ra ngoài trời do sức yếu và khó thở, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên cơ thể không tạo ra vitamin D.
Vitamin D rất cần thiết cho xương chắc khỏe, do đó thiếu chất này có thể dẫn đến loãng xương – một bệnh rất phổ biến ở những người mắc COPD.
Vitamin D cũng là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp phổi khỏe mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy: ở những người mắc COPD, thiếu vitamin D có thể góp phần làm giảm chức năng phổi theo thời gian, đồng thời tăng nguy cơ xảy ra đợt cấp (trở nặng) của các triệu chứng COPD, theo NEA. Có những nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D có thể làm giảm số lần bệnh trở nặng.
Nhưng trước khi bổ sung vitamin D, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để xem việc này có thực sự cần thiết hay không. Mặt khác, có thể tăng thêm vitamin D bằng cách ăn một số loại thực phẩm như:
- Lòng đỏ trứng
- Hạnh nhân
- Nước trái cây bổ sung vitamin D
- Cá hồi
- Cá rô phi
- Nấm
- Sữa, sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác được bổ sung vitamin D
3. Thực phẩm nhiều chất xơ
Chất xơ là một thành phần quan trọng cho người bệnh COPD, vì nó giúp vận chuyển các chất trong đường ruột dễ dàng hơn, tránh bị táo bón và đầy hơi có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở hơn.
Chế độ ăn nhiều chất xơ cũng giúp giảm cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim – vốn là tình trạng thường xuất hiện cùng với COPD.
Theo ALA, người bệnh COPD nên ăn 20-30 gram chất xơ mỗi ngày. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm:
- Bánh mì nguyên cám
- Sợi mì nguyên cám
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Yến mạch
- Hạt quinoa (diêm mạch)
- Gạo lứt
- Các loại đậu
- Rau, trái cây
4. Ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn ít
Chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhiều bữa trong ngày thay vì ba bữa chính như bình thường có thể giúp ích cho người mắc COPD vì tránh ăn quá no gây khó thở. Phần ngực và bụng nằm sát cạnh nhau, nếu bụng chứa nhiều thức ăn sẽ chèn ép phần ngực, làm giảm không gian cho phổi hít thở.
Khi COPD tiến triển theo thời gian có thể làm cho phổi bị ứ khí, phình to ra và đẩy cơ hoành xuống dưới. Khi đó nếu ăn no sẽ càng làm cho cơ hoành khó vận động và cảm thấy khó thở hơn.
ALA hướng dẫn người bệnh COPD nên ăn 4 đến 6 bữa nhỏ mỗi ngày (hoặc thay bằng các bữa ăn vặt lành mạnh) để tạo điều kiện cho cơ hoành vận động dễ dàng, phổi hít thở tốt hơn.
5. Thực phẩm giàu omega-3
Các nghiên cứu cho thấy: ăn nhiều thực phẩm giàu axit béo omega-3 có thể giúp giảm viêm phổi và giảm các triệu chứng COPD. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chế độ ăn Địa Trung Hải – dùng nhiều hải sản và thực vật giàu omega-3 – có liên hệ với giảm tỷ lệ mắc COPD, có thể là nhờ đặc tính chống viêm của loại axit béo này.
Nghiên cứu cũng cho thấy các bệnh nhân COPD dùng nhiều axit béo omega-3 loại alpha-linolenic ít bị ho và khò khè mãn tính hơn.
Omega-3 là chất béo nhiều calo nên cũng giúp người bệnh COPD có đủ năng lượng nếu họ cảm thấy chán ăn do bệnh tật. Omega-3 được coi là chất béo thiết yếu đối với con người vì cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải lấy từ thức ăn, thường là các loài cá nước lạnh và một số thực vật, ví dụ như:
- Cá hồi, cá mòi, cá thu, cá tuyết, cá ngừ
- Hạt lanh
- Hạt óc chó
- Dầu hạt cải
- Các loại rau lá xanh
- Trứng và các thực phẩm khác được bổ sung omega-3
6. Uống nhiều nước và ăn các thực phẩm chứa nhiều nước
Cung cấp đủ nước là rất quan trọng đối với sức khỏe, đảm bảo cho các quá trình sinh học trong cơ thể diễn ra bình thường và các cơ quan hoạt động tốt. Đối với người mắc COPD thì điều này càng quan trọng hơn vì các cơ quan luôn ở trong tình trạng stress.
Người bệnh COPD cũng tiết ra nhiều đờm và các chất dịch khác, vì vậy cung cấp đủ nước sẽ giúp làm loãng đờm và đường thở thông thoáng hơn.
Theo ALA, người bệnh COPD nên uống 6 đến 8 ly nước mỗi ngày, tốt nhất là uống rải rác trong suốt cả ngày để tránh bụng quá no.
Nếu cảm thấy uống nước trắng không ngon, người bệnh có thể dùng các thức uống khác với điều kiện không chứa caffeine, để cung cấp đủ nước cho cơ thể, ví dụ như sữa, trà thảo mộc, nước ép rau và trái cây. Dưa leo, cần tây và dưa hấu là những thực phẩm chứa nhiều nước nhất.
Nhưng lưu ý rằng một số người bệnh COPD kèm theo bệnh tim có thể phải hạn chế lượng nước nạp vào, do đó hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn chính xác.
Trên đây là những lưu ý về cách ăn uống cho người bệnh COPD – căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!