Bệnh chàm da (eczema) là tình trạng phổ biến và gây khó chịu trong đời sống thường ngày. Đặc biệt đối với COVID-19, các bác sĩ da liễu cho biết việc tiêm vaccine sẽ có lợi cho hầu hết những người bị chàm da. Cụ thể có những lưu ý gì về độ an toàn, tác dụng phụ và các yếu tố khác mà người bệnh cần lưu ý? Cùng tìm hiểu ngay nhé.
Bệnh chàm da là gì?
Chàm hay còn gọi là eczema là một bệnh ở da có biểu hiện gồm viêm da, đỏ da từng mảng, nổi mụn nước, có thể bị bong tróc, nứt nẻ và ngứa, nếu gãi nhiều sẽ làm da bị dày và đậm màu hơn. Có một số nguyên nhân gây chàm da, trong đó thường gặp là do di truyền và dị ứng với các chất từ môi trường. Bệnh này không lây qua tiếp xúc thông thường giữa người với người.
Bệnh chàm có nhiều dạng khác nhau như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, chàm dạng tổ đỉa, chàm dạng đồng xu, v.v. Trong đó viêm da cơ địa là phổ biến nhất.
Người mắc bệnh chàm cần lưu ý gì đối với vaccine COVID-19?
Vaccine ngừa COVID-19 giúp chúng ta trở lại cuộc sống bình thường một cách an toàn, tuy nhiên một số người vẫn gặp phản ứng phụ sau tiêm. Nếu bạn đang mắc bệnh chàm thì điều quan trọng nhất là: các loại vaccine ngừa COVID-19 có an toàn hay không? Câu trả lời là có – vaccine an toàn cho người bị bệnh chàm và được các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm. Cụ thể có một số điều mà người bệnh cần nắm rõ sau đây.
1. Khi nào người bệnh chàm có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19?
Không có quy định bắt buộc về vấn đề này. Theo Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia Mỹ (NEA), COVID-19 không làm tăng nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng ở những người bị bệnh chàm, như vậy có thể tiêm bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên bệnh chàm thường liên quan đến dị ứng nên cần lưu ý theo dõi tác dụng phụ sau tiêm (xem ở phần dưới).
2. Vaccine ngừa COVID-19 có an toàn và hiệu quả cho người bị bệnh chàm không?
Các loại vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna được xem là an toàn cho người bị bệnh chàm mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Riêng vaccine Johnson & Johnson đã bị khuyến cáo tạm dừng sử dụng ở Mỹ từ ngày 13/4/2021 do có nguy cơ tạo cục máu đông. Theo NEA, những người bị bệnh chàm cũng có thể mắc các chứng dị ứng khác, nhưng điều đó không đáng lo ngại.
Các bác sĩ khuyên rằng người bị dị ứng vẫn có thể tiêm vaccine một cách an toàn, dù là dị ứng với thức ăn, động vật, nọc độc, dị ứng môi trường, dị ứng cao su, hay chàm da. Hiện nay đã có rất nhiều người như vậy được tiêm vaccine an toàn, tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý những người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine.
Bệnh chàm và nhiều loại dị ứng khác không gây ra phản ứng nghiêm trọng khi tiêm vaccine, nhưng dị ứng với thành phần của vaccine thì có thể. Nếu bạn là người dị ứng với nhiều tác nhân khác nhau thì hãy xem kỹ thành phần của loại vaccine mà bạn sắp tiêm và tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Theo Đại học Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch Mỹ (ACAAI), chất polyethylene glycol (PEG) là một thành phần trong vaccine COVID-19 được chứng minh là có thể gây ra sốc phản vệ – tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Nếu đã biết mình bị dị ứng với PEG, bạn không nên đi tiêm ngừa COVID-19. Ngoài ra chất polysorbate 80 có trong vaccine Johnson & Johnson cũng là một thành phần cần chú ý.
3. Người bị bệnh chàm cần lưu ý những tác dụng phụ gì của vaccine COVID-19?
Hiện nay không có bằng chứng cho thấy vaccine làm cho bệnh chàm trở nặng, nhưng có thể xuất hiện tác dụng phụ thông thường nói chung như đau và sưng tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, đau cơ, sốt và buồn nôn. Các triệu chứng này thường gặp nhiều hơn sau liều thứ hai của vaccine Moderna và Pfizer. Nhìn chung, tác dụng phụ của các loại vaccine là tương tự nhau, những phản ứng này là bình thường và sẽ tự hết trong vài ngày, theo CDC.
Khả năng xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine cũng không nhiều, khoảng 5 phần triệu. Nếu bạn là người dễ bị dị ứng hoặc đã từng gặp phản ứng khi tiêm một loại vaccine khác trước đây thì nên ở lại nơi tiêm để theo dõi 30 phút sau khi tiêm thay vì 15 phút như bình thường, theo NEA.
4. Nếu đang dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh chàm thì có thể tiêm vaccine COVID-19 không?
Thuốc ức chế miễn dịch thường được dùng trong điều trị bệnh chàm và có tác dụng làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, ví dụ như prednisolone, azathioprine, cyclosporin, methotrexate, mycophenolate mofetil, dupilumab và tacrolimus. Theo NEA, trước khi tiêm vaccine người bệnh hãy hỏi bác sĩ xem các loại thuốc đang dùng có ảnh hưởng gì và có nên tạm dừng thuốc hay không.
Theo các chuyên gia, hiện nay chưa rõ các loại thuốc ức chế miễn dịch có ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine như thế nào. Có một số phản ứng miễn dịch không bị ức chế bởi các thuốc này, nhưng nhìn chung hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng.
5. Còn vấn đề gì khác mà người bệnh chàm cần lưu ý?
- Nếu vùng da định tiêm vaccine đang bị bùng phát chàm thì hãy hỏi bác sĩ để chuyển sang tiêm ở vị trí khác.
- Nếu vùng da tiêm vaccine bị nổi ban 1-2 ngày sau khi tiêm thì không cần quá lo vì đó là phản ứng bình thường và vẫn có thể tiêm mũi tiếp theo, nhưng bạn nên nói với bác sĩ về hiện tượng này để được theo dõi.
- Quan trọng nhất là nếu bạn đã từng gặp phản ứng khi tiêm vaccine trước đây thì hãy nói với bác sĩ trước để cân nhắc có nên tiêm hay không.
Trên đây là những điều mà người mắc bệnh chàm cần đặc biệt chú ý khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!