Người mắc bệnh tim mạch cần lưu ý gì đối với COVID-19?

Chúng ta đã biết COVID-19 có thể gây hậu quả nghiêm trọng ở những người mắc bệnh nền, trong đó bệnh tim mạch là cực kỳ phổ biến. Vậy tại sao người bệnh tim mạch dễ bị bệnh nặng hơn khi mắc COVID-19? Cần lưu ý những gì về việc chăm sóc bản thân và tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở những người này? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Bạn đang đọc: Người mắc bệnh tim mạch cần lưu ý gì đối với COVID-19?

Người bị bệnh tim mạch dễ bị bệnh nặng khi mắc COVID-19

Các chuyên gia y tế đã nghiên cứu mối liên hệ giữa bệnh tim mạch và COVID-19 kể từ giai đoạn đầu của đại dịch và đến nay đã có nhiều phát hiện mới. Theo một thông báo của Đại học Tim mạch Mỹ (ACC) vào ngày 6/3/2020, những người mắc bệnh này có tỷ lệ tử vong liên quan với COVID-19 là 10,5%, cao hơn so với những người mắc bệnh hô hấp mãn tính (6,3%).

Bệnh tim mạch làm tăng tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19 (Ảnh: Internet).

Tương tự, theo dữ liệu của Vương quốc Anh được công bố ngày 16/4/2020, có tới 91% những người tử vong vì COVID-19 ở Anh và xứ Wales vào tháng 3/2020 có ít nhất một bệnh nền, trong đó bệnh tim là phổ biến nhất.

Một kết quả được đăng trên Tạp chí Khoa học Y tế Mỹ ngày 6/10/2020 cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở những người mắc bệnh tim mạch là từ 10,5 đến gần 14%, đặc biệt đối với bệnh mạch vành. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân làm tăng các biến chứng của COVID-19 ở người bệnh tim mạch là do phổi và tim có nhiều thụ thể cho phép virus xâm nhập.

COVID-19 ảnh hưởng đến tim như thế nào?

Các nghiên cứu cho thấy nhiều loại virus, trong đó có SARS-CoV-2 gây COVID-19, có thể làm rối loạn nhịp tim và thậm chí gây ra cơn đau tim. Bác sĩ Mohammad Madjid chuyên về tim mạch tại Trường Y McGovern (Mỹ) cho biết: “COVID-19 tạo phản ứng viêm nghiêm trọng trong cơ thể và viêm là nguyên nhân lớn nhất gây ra các cơn đau tim.” Viêm có thể dẫn đến hình thành các mảng bám tích tụ trong động mạch, từ đó xuất hiện cục máu đông làm tắc mạch máu, hậu quả là đau tim và đột quỵ.

COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề tới hệ tim mạch (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu lớn bao gồm hơn 11 triệu người tham gia được công bố vào tháng 2/2022 trên tạp chí Nature Medicine cho thấy những người bị nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Thậm chí những người mắc COVID-19 không nhập viện cũng tăng nguy cơ mắc các vấn đề như đột quỵ, bệnh tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy tim và cục máu đông.

Những kết quả này tương tự với các nghiên cứu từ giai đoạn đầu của đại dịch. Ví dụ một nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Cardiology ngày 27/7/2020 cho thấy: trong số những người mới khỏi bệnh COVID-19, có tới 78% mắc các vấn đề về tim và 60% có tình trạng viêm cơ tim.

Người mắc bệnh tim mạch nên làm gì để bảo vệ bản thân?

Đối với người đang bị bệnh tim, điều đặc biệt quan trọng là phải cẩn thận chăm sóc bản thân và tránh bị nhiễm COVID-19. Những biện pháp sau đây có thể giúp bạn giữ sức khỏe và tránh được các tình huống nguy hiểm:

Luôn ưu tiên chăm sóc tim mạch của mình

Hiệp hội Tim Mỹ (AHA) khuyến cáo: nếu bạn cảm thấy có các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim hoặc đột quỵ thì hãy gọi trợ giúp ngay lập tức. Những người bị bệnh tim cần đặc biệt chú ý nhiều hơn đến các triệu chứng như khó thở, đau ngực hoặc nhịp tim không đều.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhiều người sợ đến chỗ đông người nên không đi khám bệnh thường xuyên, đó cũng có thể là một nguyên nhân làm tăng số ca tử vong do bệnh tim mạch. Hiện nay COVID-19 đã được khống chế một phần và các bệnh viện có thể đảm bảo chăm sóc tốt cho những người mắc bệnh khác.

Uống thuốc điều trị bệnh tim mạch đều đặn

Điều quan trọng luôn phải tuân thủ là dùng các loại thuốc tim mạch được kê đơn một cách đều đặn và đúng hướng dẫn. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến cáo người bệnh tim mạch nên mua sẵn lượng thuốc đủ dùng ít nhất 30 ngày trong nhà mình.

Tìm hiểu thêm: 15 bài tập tĩnh isometric đơn giản mà tác dụng tuyệt vời đối với cơ thể, hãy thử ngay hôm nay!

Mua sẵn lượng thuốc đủ dùng cho nhiều ngày (Ảnh: Internet).

Dùng thuốc không chỉ để điều trị bệnh tim mạch mà còn giúp người bệnh duy trì sức khỏe để chống lại COVID-19 và các biến chứng của nó nếu chẳng may mắc phải.

Không dùng các loại thuốc “truyền miệng” để chữa COVID-19

Tháng 6/2020, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã ngừng cho phép sử dụng khẩn cấp hydroxychloroquine (một loại thuốc chữa sốt rét) để điều trị COVID-19, vì lo ngại các vấn đề về nhịp tim đã được các tổ chức về tim mạch cảnh báo.

Một thử nghiệm của Viện Y tế Quốc gia Mỹ và một thử nghiệm ở Brazil cũng xác định rằng hydroxychloroquine không phải là phương pháp điều trị hiệu quả đối với COVID-19 khi so sánh với các phương pháp khác.

Một nghiên cứu của Đại học Chicago được đăng trên tạp chí JAMA ngày 15/9/2020 cho thấy thuốc kháng sinh azithromycin làm tăng nguy cơ ngừng tim ở người bệnh nếu dùng chung với các loại thuốc khác có tác dụng điều chỉnh hoạt động của tim.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19

Một bản tuyên bố được viết bởi 5 chuyên gia sức khỏe tim mạch của Mỹ và được AHA công bố vào tháng 1/2021 khuyến cáo rằng tất cả mọi người đều nên tiêm vaccine COVID-19 nếu đủ điều kiện, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ tim mạch và bệnh tim, và những người đã từng bị đau tim và đột quỵ, bởi vì đối với những người này thì việc bị nhiễm COVID-19 sẽ gây nguy hiểm hơn nhiều so với việc tiêm vaccine.

Mặc dù thử nghiệm cho thấy các loại vaccine hiện tại bị giảm tác dụng chống nhiễm virus đối với biến thể omicron, nhưng chúng vẫn có thể làm giảm nguy cơ bệnh nặng và nhập viện, và tiêm 2 liều sẽ có tác dụng tốt hơn 1 liều.

>>>>>Xem thêm: 7 loại nước uống buổi sáng bật công tắc cho ngày mới vừa vui vừa khỏe

Người bị bệnh tim mạch vẫn nên tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh: Internet).

Một phản ứng phụ hiếm gặp là viêm cơ tim do vaccine đã được nghiên cứu rất nhiều trong thời gian qua. Một số trường hợp mắc tình trạng này chủ yếu là nam giới dưới 30 tuổi, tuy vậy CDC vẫn khuyến cáo tất cả mọi người trên 5 tuổi nên tiêm đầy đủ các mũi vaccine và cả mũi tăng cường.

Một nghiên cứu của Anh được đăng trên tạp chí Nature Medicine tháng 12/2021 cho thấy nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch hiếm gặp như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và nhịp tim không đều khi bị nhiễm COVID-19 là cao hơn gấp nhiều lần so với khi tiêm vaccine.

Ngoài ra người bị bệnh tim mạch cũng nên tiêm vaccine ngừa các bệnh khác, nhất là khi cuộc sống dần trở lại bình thường. CDC khuyến cáo những người này nên tiêm ngừa cúm hàng năm vì họ có nguy cơ mắc các biến chứng nặng do cúm như đau tim và đột quỵ, đồng thời nên thường xuyên tiêm ngừa phế cầu để tránh các bệnh do phế cầu như viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng máu.

Đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân

CDC khuyến cáo những người có nguy cơ cao đối với COVID-19 nên tiếp tục đeo khẩu trang ở các không gian trong nhà, mặc dù hầu hết các nước đã nới lỏng quy định này. Lý do là vì biến thể omicron dễ lây lan hơn và lây với thời gian tiếp xúc ngắn hơn so với các biến thể trước.

Dữ liệu do CDC công bố vào tháng 2/2022 cho thấy: khẩu trang N95 hoặc KN95 đeo vừa vặn có thể làm giảm 83% nguy cơ mắc COVID-19 cho người đeo, khẩu trang y tế là 66% và khẩu trang vải là 56%.

Cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy

Trên mạng hiện nay tràn ngập tin tức về COVID-19 nhưng không phải tất cả đều đúng. Để đảm bảo thông tin chính xác, hãy theo dõi những nguồn chính thống như CDC, Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế và các cơ quan khác của nhà nước, cũng như các thông tin có dẫn nguồn từ những cơ quan này.

Trên đây là những điều mà người mắc bệnh tim mạch cần đặc biệt chú ý để bảo vệ bản thân trước COVID-19. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *