Ngay khi biết mang thai, các bà mẹ nên đến cơ sở y tế uy tín để được tầm soát và tư vấn điều trị hợp lý nếu có phát hiện tăng huyết áp thai kỳ. Cùng tìm hiểu với Kinhnghiem360.edu.vn xem tại sao phải như vậy và biết được chế độ dinh dưỡng hợp lý trong tăng huyết áp thai kỳ nha!
Tăng huyết áp trong thai kỳ được định nghĩa là khi huyết áp tối đa > 140mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu > 90mmHg trong thời gian mang thai. Phân độ tăng huyết áp:
- Nhẹ khi có huyết áp tối đa là 140 – 149mmHg hoặc huyết áp tối thiểu là 90 – 99mmHg
- Trung bình khi có huyết áp tối đa là 150 – 159mmHg hoặc huyết áp tối thiểu là 100 – 109mmHg
- Nặng khi có huyết áp tối đa là ≥ 160mmHg hoặc huyết áp tối thiểu là ≥ 110mmHg
Mẹ bị tăng huyết áp thai kỳ sẽ dẫn đến nguy cơ gì?
- Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai dẫn tới nhiều nguy cơ khác nhau, gồm:
- Giảm lưu lượng máu đến nhau thai: Điều này làm giảm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai, có thể làm bé chậm tăng trưởng và nhẹ cân khi chào đời.
- Nhau bong non: Nhau thai sớm tách khỏi tử cung. Nhau bong non có thể làm bé ngạt thở do thiếu oxy và gây chảy máu cho mẹ.
- Sinh non.
- Hội chứng HELLP. Các triệu chứng liên quan đến HELLP bao gồm: Buồn nôn, nôn, đau đầu, đau bụng trên,… Hội chứng HELLP có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến các cơ quan quan trọng nhất của cơ thể.
Nên ăn và hạn chế ăn gì khi mẹ bị tăng huyết áp thai kỳ?
Chế độ ăn cho thai phụ tăng huyết áp tại nhà đơn thuần (dinh dưỡng điều trị đơn thuần) chỉ áp dụng cho trường hợp tăng huyết áp mức độ nhẹ trước 32 tuần tuổi thai và phải khám theo dõi ít nhất 2 lần/tuần. Với thai phụ tăng huyết áp mức độ trung bình thì cần được hội chẩn với chuyên khoa tim mạch và bắt đầu sử dụng thuốc hạ áp phối hợp với chế độ dinh dưỡng.
Tất cả các trường hợp tăng huyết áp nặng đều phải theo dõi nội trụ. Điều trị dinh dưỡng trong các trường hợp này chỉ là điều trị hỗ trợ. Nguyên tắc dinh dưỡng chung trong tăng huyết áp thai kỳ là các mẹ cần hạn chế:
- Những thực phẩm chứa nhiều natri: Những thực phẩm mặn, quả khô
- Những thực phẩm chứa nhiều Phospho: Thịt đỏ
- Alcohol: Thức uống có cồn
- Cafein: Cà phê, trà đặc, nước tăng lực
Bên cạnh đó, các mẹ cần chú trọng tăng cường:
- Những thực phẩm chứa nhiều chất béo không no: Mỡ cá, chất béo thực vật
- Những thực phẩm chứa nhiều canxi: Sữa, cá tép nhỏ
- Những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất: Rau, trái cây
- Những thực phẩm chứa nhiều nước
Điều quan trọng nhất trong dinh dưỡng điều trị tăng huyết áp thai kỳ là hạn chế natri. Các mẹ không những cần loại bỏ tất cả các thực phẩm được ướp muối hoặc nêm thêm muối khi chế biến mà còn cần phải loại bỏ các thực phẩm giàu natri và các gia vị chứa natri như bột ngọt, bột nêm, bột canh,…
Tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Để tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra, trước khi có kế hoạch mang thai, các mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
- Tránh mang thai, sinh nở khi tuổi đã cao
- Phụ nữ thừa cân cần có kế hoạch giảm cân trước khi mang thai
- Thực hiện chế độ ăn lành lạnh, hạ chế muối để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thai kỳ.
- Tập thể dục thể thao điều độ trước và trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sỹ. Với những thai phụ đã được chẩn đoán tiền sản giật thì cần vận động nhẹ nhàng, không khuyến khích nằm tại giường trong thời gian dài.
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.