Ăn uống là một trong những nhu cầu bức thiết để con người duy trì cuộc sống, tuy vậy nếu ăn phải loại thực phẩm có chứa độc tố sẽ dẫn đến ngộ độc thức ăn, biểu hiện bằng những triệu chứng gây khó chịu, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, việc trang bị một số kiến thức như ngộ độc thức ăn là gì, có mấy nguyên nhân ngộ độc thức ăn, cách phát hiện và thái độ xử trí thế nào khi nghi ngờ ngộ độc sẽ giúp chúng ta có thể ứng phó kịp thời, hạn chế những tình huống nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
1. Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bị ngộ độc do:
- Ăn hoặc uống những loại thực phẩm, nước uống nhiễm khuẩn, nhiễm độc
- Thực phẩm hay thức uống có chứa chất gây ngộ độc
- Thức ăn bị biến chất, ôi thiu
- Thức ăn, nước ống có dư lượng chất bảo quản hay các chất hóa học gây hại cho sức khỏe.
2. Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn?
Có 4 nguyên nhân chính gây ngộ độc thức ăn:
a) Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc
- Độc tố vi khuẩn Staphylococcus (còn gọi là tụ cầu): thường có trong sữa, các loại bánh ngọt, thịt gia cầm chưa nấu chín. Khi nhiễm loại vi khuẩn này, triệu chứng sẽ xuất hiện rầm rộ và cấp tính, ủ bệnh trong vòng vài giờ, dễ nhầm lẫn với các bệnh ngoại khoa ở bụng.
- Người bị ngộ độc thường chóng mặt, nôn ói, đau đầu, mạch đập nhanh, tiêu chảy, rất nhanh rơi vào trạng thái nhiễm trùng nhiễm độc nặng nếu không được xử trí kịp thời.
- Vi khuẩn Salmonella non typhi: đây là tác nhân rất phổ biến gây tiêu chảy cấp nếu ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, gây ra các triệu chứng khó chịu như: nhức đầu, đau bụng, sốt và tiêu chảy (nước đục, mùi tanh), cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị triệu chứng và bù nước kịp thời.
- Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum: thường có trong thực phẩm đóng hộp, xúc xích, lạp xưởng, sữa bột, phomat,… Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm, sinh ra độc tố botulinum, một chất độc thần kinh cực mạnh và là một trong những chất sinh học độc nhất được biết đến. Nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh khiến cho các cơ bị tê liệt, nhanh chóng phá hủy hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn đến tử vong.
- Virus viêm gan A (HAV): khác với virus viêm gan B hay C, virus viêm gan A lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và là loại viêm gan cấp tính, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nó thường có trong các thực phẩm như rau sống, thủy hải sản sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn.
- Sán lá gan nhỏ: Trứng sán lá gan nhỏ tồn tại và phát triển trong môi trường nước, trứng sẽ chết nếu ở trên cạn hoặc khi nhiệt độ quá cao, vì vậy khi ăn các loại thức ăn sống như gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín, rất dễ bị nhiễm loại kí sinh trùng này.
- Sán trưởng thành ký sinh ở đường mật, gây ra các triệu chứng đau tức vùng gan, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, ậm ạch khó tiêu, phát ban toàn thân, nổi mẩn, có thể sạm da, vàng da, kèm theo thiếu máu.
b) Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu
Một số loại thức ăn sau khi chế biến để ở môi trường ngoài không khí và nhiệt độ phòng rất dễ bị biến chất và ô thiu, nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi và phát triển. Các loại thức ăn để ngoài nhiệt độ phòng khoảng 6 giờ, mặc dù được hâm nóng lại nhưng chất lượng vẫn không thể trở về như lúc ban đầu và có thể gây ngộ độc thức ăn.
Dấu hiệu thức ăn bị ôi thiu rất đặc trưng, có thể dễ dàng nhận biết được bằng mắt thường thông qua các dấu hiệu sau:
- Thay đổi màu sắc: màu sậm hơn hoặc có nấm mốc
- Xuất hiện mùi lạ: mùi chua, hôi
- Biến đổi hình dạng: co kéo, chảy nước hoặc rã.
c) Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc
Một số loại thực phẩm có độc như:
- Cá nóc: Chất độc của cá nóc được gọi là tetrodotoxin, có nhiều nhất ở trứng, vì thế nên con cái thường gây độc nhiều hơn con đực. Ngoài ra chất độc này còn có ở da, gan, nội tạng như ruột, cơ bụng và túi tinh của cóc. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, rất dễ gây chết người chỉ với một lượng nhỏ.
- Khoai tây mọc mầm: khi mọc mầm, nồng độ glycoalkaloid tăng cao trong khoai tây, nếu ăn phải chất này với lượng lớn sẽ bị ngộ độc. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn khoai tây mọc mầm một vài giờ, thậm chí là vài ngày.
- Nếu ăn một lượng ít thường chỉ bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, không ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu ăn lượng nhiều hơn có thể gây tăng nhịp tim, hạ huyết áp, sốt, nhức đầu và có thể dẫn tới tử vong.
- Cóc: ngộ độc do ăn thịt cóc bị nhiễm độc (khi sơ chế vô tình làm dính nhựa trên da, gan, mật cóc vào thịt cóc), một vài tình huống do ăn trứng hay gan cóc. Triệu chứng xuất hiện cấp tính, rầm rộ và nặng nề, có thể sau khi ăn vài giờ hoặc xuất hiện sớm hơn nếu bữa ăn có dùng rượu, bia. Các biểu hiện là:
- Tiêu hóa: Nôn ói dữ dội, đau bụng trên rốn, tiêu chảy
- Tuần hoàn: hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, có thể ngừng tim, huyết áp tăng sau đó hạ dẫn đến trụy tim mạch
- Thần kinh: rối loạn cảm giác (tê đầu tay chân như bị kim đâm), vã mồ hôi lạnh, có thể sinh ra ảo giác và tăng tiết nước bọt.
- Tiết niệu: thiểu niệu, có thể vô niệu, nếu nặng có thể dẫn đến biến chứng vô cùng nặng nề là suy thận cấp.
d) Ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm các chất độc hóa học
- Do nhiễm kim loại nặng: các loại động vật, cá, rau màu được nuôi trồng, chế biến hoặc sinh sống tại nơi có nguồn nước hay đất đai nhiễm các loại kim loại nặng (cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá rô phi), sử dụng các vật chứa bằng kim loại để đựng thức ăn (như bình giữ nhiệt rất dễ chứa asen, thủy ngân, crom)
- Do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau màu, dư lượng thuốc thú y trong thịt động vật
- Do phụ gia hay chất bảo quản thực phẩm
3. Khi nào nghi ngờ bị ngộ độc thức ăn?
Tùy vào loại thức ăn đã sử dụng trước đó mà các triệu chứng biểu hiện có thể khác nhau, một vài triệu chứng có thể xuất hiện như:
- Buồn nôn, nôn, có khi nôn ra máu
- Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội
- Đi tiêu nhiều lần, có khi lỏng nước, thậm chí có máu tùy tác nhân
- Có thể sốt hoặc không
- Chóng mặt, nhức đầu
- Mắt nhìn mờ, choáng váng
- Mất nước: khô miệng, khô môi, mắt trũng, da lạnh
- Tiểu ít, thiểu niệu, có khi vô niệu
- Chán ăn, mệt mỏi
- Tim đập nhanh, hạ huyết áp
4. Cách xử trí khi nghi ngờ bị ngộ độc thức ăn?
- Gây nôn: Đây là bước quan trọng cần làm để sơ cứu, nhằm hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể nhiều hơn.
- Bù nước: khi bị ngộ độc, nạn nhân thường bị tiêu chảy và nôn ói nhiều dẫn đến mất nước. Vì vậy bù nước là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trên đường đến bệnh viện. Cho nạn nhân uống nhiều nước, có thể uống thêm Oresol nếu có.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể và chữa trị chuyên sâu hơn nếu đã xuất hiện biến chứng.
5. Phòng ngừa ngộ độc thức ăn
- Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất, phụ gia hay thuốc thú y trong quá trình nuôi trồng, bảo quản.
- Ăn chín uống sôi, không ăn các thực phẩm sống hoặc tái để tránh nguy cơ bị giun sán.
- Ăn ngay khi thức ăn còn nóng, vừa được nấu chín, không nên ăn đồ đã ôi thiu, để lâu ngày, có mùi hay màu lạ.
- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã được nấu chín trong tủ lạnh để có thể giữ được lâu hơn.
- Không để thực phẩm sống lẫn với thực phẩm chín. Khi chế biến đồ sống nên có thớt, dao để dùng riêng, hạn chế lây nhiễm tác nhân gây hại qua thực phẩm đã chế biến.
- Luôn giữ bề mặt bếp sạch sẽ, lau chùi rửa sạch thường xuyên các đồ dùng nhà bếp, giữ cho bếp luôn được thông thoáng, diệt các loại côn trùng, sâu bọ, chuột có trong bếp.
- Đảm bảo tay sạc khi chế biến thực phẩm, rửa tay kĩ trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Bảo vệ thực phẩm tránh các loại động vật như ruồi, chuột, đậy kĩ thức ăn khi chế biến xong, tốt nhất là để vào tủ lạnh hoặc dùng ngay sau khi nấu.
- Sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt, hạn chế dùng nước sông, nước giếng chưa qua sát khuẩn.
Nhu cầu sử dụng thức ăn của con người càng ngày càng cao, khả năng ngộ độc thực phẩm cũng từ đó mà gia tăng. Vì vậy, phòng ngừa ngộ độc thức ăn là một điều hết sức quan trọng và cấp thiết đối với mỗi người tiêu dùng để bảo vệ chính mình. Ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc là bước đầu tiên mà mỗi người cần làm để hạn chế bệnh tật và giữ cơ thể khỏe mạnh.
- Ngộ độc rượu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!