Đi bơi là thú vui được nhiều người yêu thích đặc biệt là vào mùa hè, nhưng đã bao giờ bạn e ngại khi ngửi thấy mùi clo trong nước hồ bơi? Clo được cho vào nước với mục đích tốt là để khử trùng và bảo vệ sức khỏe, nhưng bản thân nó cũng gây nên nhiều tác dụng phụ khó chịu cho cơ thể như mắt đỏ hay tóc bị khô. Vậy làm cách nào để đi bơi thoải mái mà không bị ảnh hưởng bởi clo trong nước hồ? Hãy cùng khám phá nhé!
Tại sao nước hồ bơi có clo?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), clo là một chất hóa học được thêm vào nước hồ bơi để tiêu diệt các vi khuẩn có hại. CDC khuyến cáo nồng độ clo ít nhất là 1 phần triệu (ppm) trong hồ bơi và 3 ppm trong bồn tắm nước nóng, nhưng không nói rõ giới hạn cao nhất là bao nhiêu. Theo Hội đồng Y tế và Chất lượng Nước của Mỹ, nồng độ clo từ 1 ppm đến 5 ppm là phạm vi chấp nhận được.
Mặc dù có tác dụng khử trùng rất tốt và giúp bảo vệ mọi người khỏi mầm bệnh trong nước nhưng clo có thể gây ra một số tác dụng phụ đối với cơ thể chúng ta như ngứa ngáy, đỏ mắt hoặc mùi nồng nặc khó chịu. Nồng độ clo càng nhiều thì những hiện tượng này càng dễ xảy ra.
Vậy những triệu chứng này có nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe hay không, và có cách nào để phòng ngừa hoặc giảm bớt tác hại của clo để có thể tận hưởng những chuyến đi bơi thư giãn thoải mái? Hãy cùng xem nhé.
Tác dụng phụ của clo trong nước hồ bơi đối với sức khỏe
1. Da bị khô và kích ứng
Khi bước ra khỏi hồ bơi và lau người bằng khăn tắm, bạn có thể cảm thấy da bị khô và ngứa, đặc biệt nếu bạn thường xuyên đi bơi hoặc bơi trong thời gian dài.
Theo các chuyên gia, clo là một chất gây kích ứng có khả năng làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da. Khi bị mất lớp dầu có tác dụng giữ ẩm và bảo vệ, da sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương do các lỗ chân lông mở rộng tạo điều kiện cho nước và clo tác động mạnh hơn. Hậu quả là da bị khô, sần sùi và ngứa.
Cách khắc phục là gì?
Clo bám trên da càng lâu thì da sẽ càng khó chịu, vì vậy hãy tắm lại bằng nước thường ngay sau khi bạn vừa bơi ở dưới hồ lên.
Ngoài ra các chuyên gia cũng khuyên rằng nên sử dụng sữa tắm nhẹ nhàng và không tẩy tế bào chết vì việc này sẽ gây kích ứng da nhiều hơn. Theo Hiệp hội Da liễu Mỹ (AAD), ngay sau khi tắm xong nên thoa một lớp kem dày và dưỡng ẩm để giúp tái tạo lại hàng rào bảo vệ da, đặc biệt sẽ hiệu quả nhất nếu bạn thoa kem khi da vẫn còn ẩm.
2. Tóc bị khô và bạc màu
Ngoài mục đích tiêu diệt vi khuẩn trong bể bơi, clo còn được sử dụng làm chất tẩy trắng trong ngành công nghiệp sản xuất giấy và vải. Tác dụng tẩy trắng của chất này có thể tàn phá mái tóc của bạn bởi nó làm mất lớp dầu tự nhiên trên tóc, có thể dẫn đến tóc bị khô, nhạt màu và thậm chí gây ngứa, kích ứng da đầu.
Nhiều người cho rằng clo gây ra hiện tượng tóc màu xanh lục cũng như những vật bằng kim loại màu sáng bị ngả màu xanh lục khi ngâm trong nước hồ bơi có clo. Tuy nhiên thủ phạm thực sự không phải clo mà là hợp chất đồng bị ôxy hóa. Đôi khi đồng sunfat được cho vào nước hồ bơi để ngăn chặn sự phát triển của tảo làm đục nước. Những người có mái tóc đã từng bị hư tổn trước đó sẽ có khả năng gặp hiện tượng này nhiều hơn.
Cách khắc phục là gì?
Các chuyên gia khuyên rằng nên gội đầu thật kỹ bằng nước thường không có clo trước khi xuống hồ bơi, mục đích là để làm cho tóc ngấm đầy nước nên sẽ ít hấp thụ nước có clo trong hồ.
Sau khi bơi xong, hãy gội đầu với dầu gội để loại bỏ các hóa chất bám trên tóc. Nghiên cứu cho thấy những loại dầu gội làm sạch sâu thường chứa chất tẩy rửa mạnh như lauryl sulfate. Nếu tóc của bạn bị ngả màu xanh lục sau khi bơi thì nên tìm loại dầu gội có công thức đặc biệt giúp loại bỏ hợp chất đồng trên tóc. Dùng thêm dầu xả để bổ sung độ ẩm cho tóc và giúp khôi phục hàng rào bảo vệ tự nhiên cho da đầu.
Tuy nhiên cách đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa tác hại của clo là ngay từ đầu không để cho tóc tiếp xúc với nước hồ bằng cách dùng mũ bơi. Nếu bạn là người tập bơi chuyên nghiệp thì mũ còn có tác dụng giữ cho tóc không bị bết vào mặt để bạn có thể tập trung vào việc tập luyện.
3. Mắt bị đỏ và kích ứng
Mắt bị đỏ, ngứa và khó chịu là triệu chứng thường gặp do nước hồ bơi chứa clo. Khi dính vào mắt, clo sẽ rửa trôi lớp màng nước mắt phủ trên bề mặt của mắt có tác dụng giữ ẩm và nhìn rõ. Theo Viện Nhãn khoa Mỹ (AAO), khi mất đi lớp màng này thì mắt dễ bị tổn thương trước tác động gây kích ứng của clo dẫn đến tình trạng chảy nước, đỏ mắt và nhạy cảm với ánh sáng kéo dài vài giờ sau khi bơi.
Nguy hiểm hơn nữa là mắt dễ bị nhiễm trùng nếu có vi khuẩn tồn tại trong nước hồ bơi, thường gặp là bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là một trong những bệnh thường gặp và cần đề phòng.
Cách khắc phục là gì?
Đầu tiên cần nhớ không đeo kính áp tròng khi xuống hồ bơi. Theo AAO, vi khuẩn có thể bám lên kính áp tròng và phát triển ở đó chỉ sau một lần nhúng nước, và bởi vì loại kính này áp sát vào mắt trong thời gian dài nên các hóa chất hoặc vi khuẩn có hại sẽ liên tục tiếp xúc với mắt gây nguy hiểm.
Đeo kính bơi có thể giúp bảo vệ mắt không tiếp xúc với các hóa chất trong nước và giữ cho lớp màng nước mắt được nguyên vẹn. Thậm chí AAO cho biết rằng chúng ta có thể hỏi bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn mua kính bơi theo toa.
Nếu bạn không thích đeo kính khi bơi thì sau khi bơi xong hãy nhắm mắt và dội nước thường để rửa sạch clo bám trên mí mắt và lông mi. Cuối cùng, AAO khuyên rằng nên sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn không cần kê đơn trước và sau khi bơi để giữ cho lớp màng nước mắt được ổn định.
4. Chloramine có thể gây ra các vấn đề về hô hấp
Khi clo tiếp xúc với các chất hữu cơ có trong mồ hôi, bụi bẩn và tế bào da của người, nó sẽ tạo ra chất gây kích ứng được gọi là chloramine. Theo CDC, chất chloramine trong nước có thể chuyển thành dạng khí trong không khí xung quanh và nếu hít phải sẽ gây ra các triệu chứng hô hấp như ho và thở khò khè.
Những người bị hen suyễn có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất vì đường hô hấp của họ vốn đã rất nhạy cảm với các chất kích thích, khi hít phải chloramine có thể khiến phổi bị co thắt dẫn đến tức ngực và ho.
Vấn đề này có thể xảy ra ở bất kỳ hồ bơi nào nhưng thường nghiêm trọng hơn ở những hồ bơi trong nhà không được thông khí tốt. Ở hồ bơi ngoài trời, chloramine trong không khí thường tan nhanh hơn.
Cách khắc phục là gì?
Tác hại của chloramine không đồng nghĩa rằng những người bị bệnh hen không được bơi ở những nơi sử dụng clo, nhưng cần lưu ý tránh những lúc hồ bơi có mùi clo nồng nặc bởi mùi đó cho thấy có chất chloramine trong không khí. Nếu bạn là người bị hen nhưng thích bơi lội thì hãy hỏi bác sĩ để điều chỉnh thuốc hen nếu cần, và các chuyên gia khuyên rằng bạn cũng nên đặt ống thuốc hen ở trên cạnh hồ bơi để dùng ngay khi cần thiết.
5. Clo có thể làm nặng thêm các bệnh của da
Như đã nêu, clo làm mất lớp dầu tự nhiên bảo vệ da nên có thể dẫn đến bùng phát hoặc làm nặng thêm một số bệnh về da như bệnh vảy nến và bệnh chàm (còn gọi là eczema hay viêm da cơ địa). Nhưng hiện tượng này không phải lúc nào cũng xảy ra và có thể thay đổi tùy từng người.
Trong thực tế, hồ nước có clo đôi khi lại có ích cho một số người bị bệnh chàm. Theo Mayo Clinic, clo là một chất tẩy có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh chàm vì nó giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da, giảm các triệu chứng ngứa, mẩn đỏ và đóng vảy. Nhiều người bị bệnh chàm nhận thấy khi bơi trong hồ nước có clo sẽ giúp làm dịu tình trạng của họ, theo Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia Mỹ (NEA), tuy nhiên một số người khác lại thấy nước hồ bơi gây kích ứng da của họ.
Tương tự, một số người bị bệnh vảy nến cảm thấy dễ chịu khi tắm trong nước có clo, trong khi những người khác cảm thấy da bị khô. Mụn trứng cá cũng có thể được giảm nhẹ bởi clo có đặc tính kháng khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn gây ra mụn. Tuy nhiên nếu clo làm khô da thì tình trạng mụn có thể trở nên tồi tệ hơn. AAD lưu ý rằng da khô là da dễ bị kích ứng, và khi bị kích ứng thì mụn sẽ nặng hơn.
Cách khắc phục là gì?
Nếu bạn mắc bệnh chàm hoặc vảy nến và cảm thấy da bị khó chịu khi đi bơi ở hồ nước có clo thì hãy chuyển sang những nơi dùng nước thường không có clo, theo NEA. Theo Quỹ Bệnh vẩy nến Quốc gia Mỹ, tắm trong nước mặn cũng giúp giảm bớt một số triệu chứng của bệnh, nhưng cần chú ý giữ ẩm cho da sau khi tắm.
Nếu bạn đang có vết thương hở, vết loét hoặc nhiễm trùng trên da thì tốt nhất là không nên đi bơi.
Nếu bạn quyết định bơi ở hồ nước có clo thì hãy tắm sơ bằng nước ấm trước khi xuống. Ngay sau khi bơi xong hãy tắm lại với chất tẩy rửa dịu nhẹ cho da và thoa kem dưỡng ẩm dạng kem dày.
Nếu tình trạng mụn của bạn trở nên nặng hơn do nước hồ bơi thì sau khi bơi hãy tắm sạch với chất tẩy rửa dịu nhẹ cho da. Nên chọn các chất tẩy rửa không có tính bào mòn và không chứa cồn hoặc dầu, theo AAD. Dùng thêm kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng để khôi phục hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. AAD khuyến cáo rằng nên chọn các sản phẩm được dán nhãn “không chứa dầu” và “không gây dị ứng”.
Dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn nhạy cảm với clo
Khi cảm thấy da, mắt hoặc đường hô hấp của mình có vấn đề sau khi bơi trong hồ nước có clo, nhiều người nghĩ rằng có thể mình đã bị dị ứng. Tuy nhiên theo Đại học Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ (ACAAI) thì không có tình trạng dị ứng với clo mà chỉ là nhạy cảm với clo hoặc các phản ứng khác không phải dị ứng, ví dụ như clo gây kích thích đường hô hấp hoặc kích ứng da.
Theo ACAAI, các triệu chứng thường gặp của tình trạng nhạy cảm với clo bao gồm:
- Ho khan
- Khó thở
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Da mẩn đỏ, đau, viêm hoặc ngứa
- Tổn thương da hoặc phát ban
- Da sần sùi, đóng vảy
Theo ACAAI, các triệu chứng này thường xuất hiện nhiều ở những người tiếp xúc lâu dài với clo (hơn 1.000 giờ) và hàm lượng clo cao trong nước.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn bị nhạy cảm với clo thì hãy gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được thăm khám kịp thời.
Trên đây là những điều cần biết về tác hại của clo trong nước hồ bơi đối với sức khỏe và cách làm thế nào để phòng tránh. Bạn đã bao giờ gặp những vấn đề này chưa? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!