Dùng máy sục ozone để rửa rau đã phổ biến, nhưng nếu pha ozone vào nước thì sao? Nước ozone có uống được không và có ứng dụng gì đối với chăm sóc sức khỏe? Hãy cùng khám phá nhé!
Nước ozone là gì?
Ozone là một chất khí không màu, không mùi, được tạo thành bởi 3 nguyên tử oxy liên kết với nhau. Ở dạng khí, phân tử ozone không ổn định nên dễ bị phân hủy và có thể gây hại cho hệ hô hấp của con người nếu hít phải.
Nếu hòa tan khí ozone trong nước sẽ tạo thành “nước ozone”. Loại nước này được cho là có một số tác dụng chữa bệnh nhờ đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, được sử dụng trong nha khoa, điều trị ung thư và vệ sinh thực phẩm.
Nước ozone được sản xuất như thế nào?
Để tạo ra loại nước này, cần phải cho khí ozone sủi bọt liên tục vào nước tinh khiết, kéo dài ít nhất 5 phút cho đến khi nước bão hòa ozone tối đa và khí này sẽ tan hoàn toàn vào nước. Ozone ở dạng khí có thể gây hại cho hệ hô hấp, nhưng nước ozone thì dễ kiểm soát hơn. Loại nước này được dùng cả trong công nghiệp và chữa bệnh từ nhiều năm qua.
Nước ozone có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Nhiều phương pháp sử dụng ozone để điều trị bệnh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chủ quan, nhưng có một số trường hợp đã được nghiên cứu khoa học. Trong khoảng 2 thập kỷ qua có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về tác dụng của loại nước này đối với sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích tiềm năng đã được ghi nhận.
Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư
Điều trị ung thư là vấn đề rất phức tạp, các liệu pháp thông thường như hóa trị và xạ trị có thể không nhắm trúng vào khối u cần tiêu diệt mà lại làm hại nghiêm trọng cho các tế bào khỏe mạnh bình thường của cơ thể. Các nghiên cứu từ đầu những năm 2000 cho thấy nước ozone có thể tăng hiệu quả của thuốc hóa trị, giúp nhắm trúng khối u chính xác hơn. Tuy nhiên kết quả này dựa trên nghiên cứu trên chuột và chưa được thử nghiệm trên người.
Một nghiên cứu khác từ đầu những năm 2000 tìm hiểu nguy cơ xuất hiện ung thư bàng quang khi uống nước ozone so với nước có chứa clo – cả hai đều là những phương pháp khử trùng giúp tiêu diệt vi sinh vật gây hại trong nguồn nước sinh hoạt. Kết quả cho thấy: nguy cơ ung thư bàng quang ở những người uống nước ozone thấp hơn.
Tuy nhiên những nghiên cứu này đều đã quá lâu và chưa đánh giá tác động lâu dài của nước ozone đối với cơ thể người.
Điều trị các bệnh nha khoa
Các nghiên cứu gần đây cho thấy ozone có thể được dùng như một phương pháp điều trị trong nha khoa với một số công dụng như làm sạch vi khuẩn gây hại trong miệng và kích thích quá trình chữa lành vết thương.
Một nghiên cứu đánh giá tác dụng chống sâu răng khi dùng nước ozone thay cho nước súc miệng thông thường chứa chlorhexidine. Kết quả cho thấy lượng vi khuẩn Streptococcus mutans đã giảm đáng kể, đó là loại vi khuẩn sống trong miệng được cho là tác nhân làm tăng nguy cơ sâu răng.
Một nghiên cứu khác cho thấy: khi nước ozone tiếp xúc với vết thương trong miệng sẽ thúc đẩy quá trình chữa lành do làm tăng sự tái tạo tế bào.
Chống oxy hóa và kháng khuẩn
Ozone được coi là một chất oxy hóa, tức là nó có khả năng tạo ra các gốc tự do. Nói cách khác, ozone là phân tử không ổn định có thể làm tổn thương các tế bào. Khi cơ thể tiếp xúc với khí ozone sẽ tạo ra phản ứng stress và kích thích sản xuất nhiều chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do.
Về tác dụng kháng khuẩn, đã có một trường hợp năm 2013 sử dụng nước ozone kết hợp với thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở một người phụ nữ 62 tuổi. Kết quả cho thấy người bệnh đã hết nhiễm trùng, hồi phục và không ghi nhận tái nhiễm trong 4 tháng theo dõi sau đó.
Các nhà khoa học cho rằng nước ozone giúp đẩy nhanh quá trình sửa chữa tế bào, giảm lượng vi khuẩn và giảm các triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng đường tiểu. Ngoài đặc tính chống oxy hóa, loại nước này có thể làm cho vi khuẩn nhạy cảm hơn với thuốc kháng sinh và dễ bị tiêu diệt hơn.
Tuy nhiên đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ và dùng kết hợp với thuốc kháng sinh, do đó cần phải nghiên cứu thêm về tác dụng của loại nước này đối với nhiễm trùng.
Khử trùng nước và thực phẩm
Nhờ đặc tính kháng khuẩn và khả năng phá hủy các hóa chất độc hại, ozone có thể được dùng thay cho clo để khử trùng. Năm 1901, thành phố Wiesbaden ở Đức và thành phố Nice ở Pháp là những nơi đầu tiên dùng ozone để khử trùng nước uống. Tới ngày nay đã có ít nhất 3.000 thành phố trên khắp thế giới áp dụng phương pháp này.
Năm 1995, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố rằng ozone “nhìn chung được công nhận là an toàn” đối với nước đóng chai và khi tiếp xúc với thực phẩm. Các nghiên cứu từ lâu và gần đây đều cho thấy nước ozone có thể được dùng để rửa rau tươi, giúp giảm lượng vi khuẩn trên bề mặt rau và tăng khả năng bảo quản lâu. Tuy nhiên phương pháp này phải được thực hiện đúng cách và trong môi trường có kiểm soát.
Bạn có thể mua máy sục ozone tại đây
Nước ozone có tác hại tiềm ẩn gì không?
Ở dạng khí, ozone được coi là một chất gây ô nhiễm có khả năng kích thích phản ứng viêm và gây tổn thương đường hô hấp nếu hít phải, kể cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng hô hấp ở người lớn và trẻ em.
Ngoài ra nghiên cứu từ lâu gợi ý rằng ozone có thể góp phần khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân nếu người mẹ tiếp xúc trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên chưa có nhiều dữ liệu để chắc chắn về điều này và cũng chưa rõ cơ chế tại sao lại như vậy.
Hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đều xem xét ảnh hưởng của ozone dạng khí hơn là nước ozone. Hiện tại không có bất kỳ nghiên cứu nào phát hiện mối liên quan giữa nước ozone với các triệu chứng hô hấp hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân.
Tổng kết
Ozone ở dạng khí đã được công nhận là có thể gây hại cho sức khỏe, nhưng nước ozone lại cho thấy có tiềm năng áp dụng để chữa bệnh. FDA đánh giá nước ozone là an toàn khi dùng để rửa thực phẩm và uống.
Trong môi trường được kiểm soát, chẳng hạn như các nhà máy xử lý nước công nghiệp hoặc có sự giám sát y tế, nước ozone có thể uống được an toàn và dùng trong các liệu pháp chữa bệnh. Nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá lợi ích của nó đối với sức khỏe.
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!