Paracetamol: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ?

Paracetamol là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay có tác dụng giảm đau, hạ sốt… Tuy là loại thuốc phổ biến, thường là lựa chọn đầu tiên của người bệnh nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về paracetamol. Để tránh những hệ lụy khôn lường do sử dụng sai mục đích hoặc sai liều lượng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của paracetamol trong bài viết dưới đây nhé!

1. Công dụng của paracetamol

Paracetamol (hay Acetaminophen) là một dẫn xuất của para aminophenol, được xếp vào nhóm các thuốc dùng cho cơn đau nhẹ và vừa. Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt tương tự aspirin nhưng an toàn và dung nạp tốt hơn nên sử dụng được cho người không dùng được aspirin.

Paracetamol có dạng bào chế rất đa dạng:

  • Dạng viên nén: Viên nén 200 mg, viên nén 325 mg, viên nén 500 mg…
  • Dạng viên sủi: 500 mg
  • Dạng siro, hỗn dịch, tiêm truyền
  • Dạng viên đạn đặt hậu môn
  • Ngoài ra, paracetamol còn có các chế phẩm phối hợp với các thuốc khác

Paracetamol viên nén 500 mg (Nguồn: Internet)

 

2. Liều dùng của paracetamol

Liều lượng sử dụng của paracetamol cũng là vấn đề cần hết sức chú ý trong khi sử dụng.

Liều paracetamol cho người lớn

  • Dùng 0,5 – 1 g/lần
  • Khoảng cách giữa 2 lần cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ
  • Sử dụng không quá 4 g/ngày

Liều paracetamol cho trẻ em

  • Dùng 10 – 15 mg/kg/lần
  • Khoảng cách giữa 2 lần cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ
  • Sử dụng không quá 60 mg/kg/ngày

3. Lưu ý khi sử dụng paracetamol

Trên mỗi sản phẩm paracetamol đều có cách sử dụng, người bệnh cần lựa chọn dạng sử dụng phù hợp với bản thân, thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng hoặc theo chỉ dẫn, tư vấn của bác sĩ.

  • Lưu ý sử dụng paracetamol dạng uống sau khi ăn để giảm kích thích dạ dày.
  • Đặc biệt lưu ý khi đối tượng sử dụng thuốc là trẻ em, cần sử dụng đúng loại có thể sử dụng cho trẻ em và nếu không có sự đồng ý từ bác sĩ, không dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi
  • Thuốc paracetamol dạng lỏng: Sử dụng dụng cụ đo có sẵn trong sản phẩm để đảm bảo đúng liều lượng.
  • Với thuốc dạng sủi bọt: Hòa tan một viên sủi có thể hòa được khoảng 150 – 200 mL dung dịch thuốc.
  • Đối với Paracetamol dạng bột pha: Cần một lượng nước khoảng 5-10 mL để hòa tan hoàn toàn bột.
  • Đối với Paracetamol dạng đặt hậu môn: Thuốc viên đạn đặt có tác dụng hạ sốt vô cùng tốt. Chú ý giữ vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước và sau đặt thuốc và giữ thuốc trong cơ thể đủ thời gian ghi trên bao bì để đạt hiệu quả tốt nhất.

4. Chống chỉ định khi sử dụng paracetamol

  • Trước khi sử dụng thuốc nên có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị bệnh về gan, thận, nghiện rượu. Do khi paracetamol tác dụng với rượu sẽ tăng nguy cơ viêm gan.
  • Dùng thuốc đúng theo hướng dẫn sử dụng hoặc theo chỉ định của bác sĩ, không uống quá liều hay khoảng cách giữa các lần uống quá ngắn.
  • Không dùng thuốc khi có tiền sử dị ứng với acetaminophen.
  • Trong thời gian dùng thuốc, không uống rượu. Không tự ý kết hợp thuốc khác với paracetamol.

Không uống rượu khi đang điều trị bằng paracetamol (Nguồn: Internet)

5. Tác dụng phụ của paracetamol

Tại liều điều trị hầu như không có tác dụng không mong muốn. Với liều cao ( > 10g) sau 24 giờ xuất hiện hoại tử tế bào gan, sau 5-6 ngày bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được cứu chữa.

Trên lâm sàng, người quá lạm dụng paracetamol sẽ có các biểu hiện: Đau nhức hạ sườn phải, gan to, vàng da, thậm chí hôn mê. Nguyên nhân gây độc: Do tại gan, paracetamol bị oxy hóa tạo thành chất gây độc (N-acetylparabenzoquinonimin), bình thường, chất độc này được khử độc tại gan nhờ phản ứng liên hợp glutathion. Tuy nhiên, khi quá liều, chất độc bị tạo ra quá nhiều, không kịp khử sẽ gắn vào protein của tế bào gan gây hoại tử.

Đặc biệt, trẻ em là đối tượng hay xảy ra ngộ độc cấp, biểu hiện của trẻ khi bị quá liều: đau bụng, mặt xanh tái, nôn mửa, khó thở, cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ rất nguy hiểm. Ngay khi nhận ra uống quá liều, bạn cần nghĩ đến khả năng ngộ độc, hãy gây nôn càng sớm càng tốt. Nếu không nôn được có thể dùng than hoạt tính hoặc nước chè đặc để giảm sinh độc cho gan.

6. Xử trí quá liều paracetamol bằng N-acetylcystein

Thuốc giải độc đặc hiệu khi quá liều paracetamol là N-acetylcystein (NAC): Đây là thuốc giải độc đơn giản, có hiệu quả cao trong phòng tránh và cải thiện tình trạng viêm gan, suy gan, giảm tử vong cho bệnh nhân. Thuốc cũng có thể sử dụng cho bệnh nhân suy gan cấp bởi nguyên nhân ngộ độc khác.

N-acetylcystein (Nguồn: Internet)

NAC được sử dụng sớm trong vòng 8 giờ sẽ đảm bảo giải độc hoàn toàn, sau 8 giờ, bệnh nhân vẫn có nguy cơ viêm gan dù đã dùng thuốc. Chú ý liều dùng của NAC:

  • Đường uống: Liều đầu tiên: 140 mg/kg, các liều sau 70mg/kg/lần, 4 giờ/lần (tổng 18 liều).
  • Đường truyền tĩnh mạch: Có nhiều phác đồ hiệu quả. Có thể kể đến: Liều đầu 150mg/kg, truyền trong 60 phút, liều kế tiếp 50mg/kg, truyền trong 4 giờ, liều duy trì 100mg/kg, truyền trong 16 giờ.
  • Thời gian dùng: Sử dụng cho tới khi paracetamol máu âm tính, men gan bình thường trở lại.

Hiện nay, do thói quen sử dụng thuốc tự phát, uống thuốc dựa trên kinh nghiệm, không qua thăm khám và tư vấn của bác sĩ nên tình trạng ngộ độc thuốc nói chung và ngộ độc paracetamol nói riêng ngày càng phổ biến. Hy vọng bài viết sẽ phần nào nâng cao hiểu biết của mọi người về thuốc paracetamol và cách xử trí khi bị ngộ độc!

Đừng quên theo dõi chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích mới bạn nhé!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *