Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên, có nguy cơ dẫn đến tử vong. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhiều nơi trên thế giới và có khả năng lây truyền từ người này sang người khác.
Sốt rét là gì?
Sốt rét là một chứng bệnh có khả năng truyền nhiễm, bệnh thường xuất hiện khi người nhiễm ký sinh trùng Plasmodium từ vết muỗi đốt. Các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Á và châu Phi là nơi sốt rét hoành hành. Sốt rét phổ biến ở mọi lứa tuổi, mỗi năm có khoảng 515 triệu người mắc bệnh, trong đó có từ 1-3 triệu người tử vong. Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch với sốt rét không đầy đủ và chỉ trong một thời gian ngắn nên khả năng tái nhiễm là rất cao.
Do đó, cần có hướng điều trị đúng đắn cho bệnh nhân sốt rét trước khi bệnh diễn tiến nặng. Trong một số trường hợp sốt rét nặng, người bệnh có thể tử vong chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày do bệnh tiến triển một cách nhanh chóng. Cần lưu ý sốt rét ở trẻ em gây mất máu và tổn thương não trực tiếp do sốt rét thể não. Nguy cơ xuất hiện các biến chứng như: suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi hay động kinh là khá cao.
Người bệnh có các triệu chứng lâm sàng điển hình hoặc sốt không điển hình, không được xét nghiệm máu hoặc kết quả âm tính nhưng có các đặc điểm sau:
- Sốt trong 3 ngày gần đây hoặc sốt trên 37,5 độ C.
- Sốt không rõ nguyên nhân
- Người bệnh đã từng đi vào hoặc ở trong vùng dịch tễ của sốt rét vòng 9 tháng trở lại.
- Trong vòng 3 ngày, người bệnh có đáp ứng tốt với thuốc điều trị sốt rét.
Nguyên nhân gây ra sốt rét
Sốt rét được gây ra bởi kí sinh trùng thuộc chi Plasmodium, trong đó bao gồm 5 loài gây bệnh ở người: Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale, Plasmodium vivax và Plasmodium knowlesi.
Gây bệnh phổ biến và nguy hiểm hơn là hai loài Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax, đối với Plasmodium malariae, Plasmodium ovale ít gây tử vong hơn. Với loài Plasmodium knowlesi xuất hiện phổ biến ở Đông Nam Á, được phát hiện có khả năng gây bệnh sốt rét ở khỉ và có thể gây sốt rét nặng ở người. Ở Việt Nam xuất hiện 3 loài chính là Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae, Plasmodium vivax.
Kí sinh trùng sốt rét xâm nhập được vào cơ thể người qua đường máu do muỗi Anopheles đốt.
Vùng dịch tễ xuất hiện tác nhân gây sốt rét
Vì vector truyền bệnh là muỗi cho nên bệnh sốt rét liên quan chặt chẽ với môi trường và điều kiện kinh tế xã hội. Điều kiện kinh tế và trình độ dân trí thấp, người dân thường có thói quen canh tác và ngủ trên nương rẫy, làm tăng nguy cơ bị mắc sốt rét do rừng núi thường là vùng dịch tễ của sốt rét.
Trong tổng số 422 loài Anopheles thì tính đến hiện tại có 70 loài có khả năng truyền bệnh sốt rét. Ở Việt Nam có khoảng 15 loài Anopheles truyền bệnh cho người.
Triệu chứng của sốt rét
Thời gian ủ bệnh: tuỳ vào loài Plasmodium bị nhiễm và lượng ký sinh trùng trong máu
- Plasmodium falciparum. 9-12 ngày
- Plasmodium vivax: 12-17 ngày
- Plasmodium malariae: 20 ngày trở lên, thậm chí là vài tháng
- Plasmodium ovale: 11 ngày -10 tháng
Theo WHO-Tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt rét ở Việt Nam chia làm hai mức độ trên lâm sàng:
Sốt rét thông thường
Thường được thể hiện rõ nhất qua các cơn sốt rét:
Cơn sốt sơ nhiễm: Thường sốt cao vài ngày liền và không điển hình ở cơn sốt đầu, những cơn sốt sau điển hình hơn
Cơn sốt điển hình: là một cơn sốt rét điển hình diễn ra lần lượt theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn rét run: rét run toàn thân, kèm theo môi tái, mắt quầng và nổi da gà
- Giai đoạn sốt nóng: cơn rét run giảm, cảm giác nóng tăng dần, thân nhiệt tăng lên 40 – 41 độ, bệnh nhân xuất hiện biểu hiện mặt đỏ, da khô nóng, mạch nhanh, đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng hạ sườn phải.
- Giai đoạn vã mồ hôi: các biểu hiện trong giai đoạn sốt nóng dần ổn định, bệnh nhân vã mồ hôi cảm thấy dễ chịu và ngủ thiếp đi.
Cơn sốt thể cụt: Là kiểu sốt không thành cơn, người bệnh chỉ xuất hiện các cảm giác ớn rét và khó chịu. Cơn sốt thể cụt chỉ thường thấy ở bệnh nhân có tình trạng sốt rét đã xuất hiện trong nhiều năm.
Sốt rét ác tính
Hay còn gọi là sốt rét biến chứng vì nó có khả năng để lại biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh
- Sốt rét biến chứng thể não: Tỷ lệ tử vong từ 20-50%, đây là thể thường để lại nhiều biến chứng khi sốt rét ở trẻ em.
- Sốt rét biến chứng thể đái huyết cầu tố: Diễn ra do xuất huyết ồ ạt, suy thận, truỵ tim mạch. Có khả năng làm giảm hồng cầu và huyết sắc tố trong cơ thể.
- Sốt rét biến chứng thể giá lạnh: Ở thể này, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện như: da tái nhợt, tụt huyết áp, ớn lạnh,…
- Sốt rét biến chứng thể tiêu hoá: Các dấu hiệu của hệ tiêu hoá như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy,…
- Sốt rét biến chứng thể gan mật: vàng mẳt, vàng da, nước tiểu màu vàng nhiều muối mật,…Bên cạnh đó thể gan mật có khả năng dẫn đến hôn mê
Sốt rét lây như thế nào?
Sốt rét là một bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường máu, trong đó có 4 hình thức lây truyền:
- Truyền qua vector là muỗi: Đây là phương thức xuất hiện phổ biến nhất
- Truyền qua truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét
- Truyền từ mẹ sang con qua nhau thai bị tổn thương: Tỉ lệ xuất hiện khá ít
- Truyền qua đường tiêm chích dùng chung bơm kim tiêm có chứa ký sinh trùng sốt rét
Điều trị sốt rét
Nguyên tắc của điều trị sốt rét:
- Chẩn đoán sớm, hạn chế lây lan và điều trị càng sớm càng tốt để tránh tử vong
- Hướng điều trị: cắt cơn kết hợp với chống lây lan và chống tái phát (ngăn thể ngủ trong gan của Plasmodium vivax và Plasmodium ovale)
Tuỳ vào loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh và tính kháng thuốc của chúng mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân để cắt cơn sốt rét. Vì sốt rét là một bệnh lý có khả năng gây tử vong và những biến chứng khó lường nên người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.
Phòng ngừa sốt rét
Các biện pháp có thể giúp phòng ngừa sốt rét, bao gồm:
- Phun thuốc diệt muỗi
- Giữ chỗ ở khô ráo, thoáng mát và hợp vệ sinh
- Có thói quen ngủ mùng
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh
- Không để ao tù, nước đọng gần nhà
Bạn đọc có thể tham khảo một số bài viết về sức khỏe tại đây:
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnchoi để tìm hiểu thêm những bài viết hữu ích về sức khỏe bạn nhé!