Để cơ thể phát triển khỏe mạnh cần phải bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài các nhóm dinh dưỡng chính như đường, đạm, béo, chúng ta cần bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Kẽm chính là một trong những loại khoáng chất thiết yếu đó, tuy nhiên mọi người vẫn chưa nắm rõ được vai trò và lợi ích to lớn của kẽm. Bài viết này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu kẽm là gì, tác dụng của kẽm đối với cơ thể và bổ sung kẽm thế nào cho hợp lí.
1. Kẽm là gì?
Kẽm là một khoáng chất vi lượng thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của con người, đặc biệt là thai nhi và trẻ sơ sinh. Kẽm được cung cấp cho cơ thể qua đường tiêu hóa, nó được hấp thu chủ yếu ở ruột non.
Ngày nay trên thế giới vẫn còn hơn 2 tỷ người ở các nước đang phát triển gặp tình trạng thiếu kẽm, điều đó dẫn đến một số bệnh tật không đáng có. Chính vì vậy, việc bổ sung kẽm cần được chú trọng và phổ biến rộng rãi.
2. Tác dụng của kẽm đối với sức khỏe
- Giúp ăn ngon miệng hơn: kẽm có vai trò điều hòa vị giác và tạo cảm giác ngon miệng. Đó là lí do việc bù kẽm là một trong những nguyên tắc quan trọng khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy bên cạnh bù nước và dinh dưỡng. Kẽm giúp bé ăn ngon miệng hơn, tránh biếng ăn và giúp phục hồi cân nặng nhanh chóng
- Chức năng sinh sản của nam giới: trong tuyến tiền liệt của nam giới, nồng độ kẽm rất cao góp phần duy trì lượng testosterone trong máu, số lượng và tính di động của tinh trùng và điều hòa chức năng của tuyến tiền liệt.
- Điều hòa kinh nguyệt ở nữ giới: kẽm không chỉ giúp điều hòa kinh nguyệt mà còn giảm bớt các vấn đề khó chịu của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS – Premenstrual Syndrome: là tập hợp các triệu chứng rối loạn tâm sinh lý, hành vi của nữ giới khoảng thời gian trước kỳ kinh. Hội chứng tiền kinh nguyệt kéo dài có thể gây khó chịu về mặt thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến cảm xúc, sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ).
- Miễn dịch: kẽm có vai trò kích thích sự phát triển của tế bào lympho của hệ miễn dịch, là hàng rào bảo vệ quan trọng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Phát triển ở trẻ em: kẽm có vai trò quan trọng đối với phát triển chiều cao và cân nặng ở trẻ sơ sinh, trẻ em lẫn thanh thiếu niên. Nó còn là một chất hết sức quan trọng cho sự phát triển não bộ của con người, bởi vì kẽm có nồng độ rất cao tạo vùng hồi hải mã (khu vực được xem như là trung tâm trí nhớ của bộ não).
3. Thiếu kẽm gây ra những bệnh gì?
- Loét miệng
- Rụng tóc: kẽm có vai trò trong việc hấp thu đạm và giúp tế bào nhân lên, chính vì vậy nó giúp tóc phát triển chắc khỏe. Khi thiếu kẽm, tóc bị xơ yếu và rất dễ gãy rụng.
- Bệnh mạn tính: do kẽm giúp tăng cường miễn dịch cơ thể cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của các tế bào. Chính vì vậy, khi thiếu kẽm chúng ta rất dễ mắc các bệnh như: bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh Alzheimer, một số bệnh tự miễn liên quan đến thiếu kẽm, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của chúng ta.
- Giảm thị lực, thính lực
- Khó lành vết thương
- Bệnh xương khớp: kẽm có vai trò quan trọng đối với việc phân chia và nhân lên của tế bào xương, đồng thời giúp collagen có thể được duy trì và tái tạo liên tục, làm cho xương chắc khỏe.
4. Cách bổ sung kẽm hiệu quả cho cơ thể?
Kẽm có rất nhiều trong thức ăn của chúng ta hằng ngày, nếu sử dụng các loại thức ăn này một cách đa dạng và hợp lí, đối với một người bình thường, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp đủ số lượng kẽm cần cho cơ thể.
Các loại thức ăn giàu kẽm như:
- Các loại thịt: thịt bò, heo, gà,…
- Thủy hải sản: nghêu, sò, ốc, cua, tôm,..
- Các loại cá: cá hồi, cá mòi,…
- Đậu và hạt các loại, ngũ cốc nguyên hạt
- Rau: củ cải, gừng, nấm,…
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: phô mai, sữa chua,…
Tuy nhiên một số đối tượng cần phải bổ sung thêm viên kẽm uống để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. Những đối tượng đó là:
- Người ăn chay: do thành phần thức ăn hằng ngày chủ yếu là tinh bột, rau quả trong khi kẽm phần lớn có trong các sản phẩm thịt, thủy hải sản. Khi ăn chay lâu ngày, việc thiếu kẽm là điều cần phải hết sức lưu ý và thận trọng.
- Những người bị các bệnh như: loét miệng, rụng tóc, rối loạn tiêu hóa,…, họ là những người đã có triệu chứng của việc thiếu kẽm trong thành phần dinh dưỡng hằng ngày, vì vậy, những đối tượng này cần phải cung cấp kẽm càng sớm càng tốt theo chỉ định của bác sĩ.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: là những người cần tăng nhu cầu của tất các các nhóm chất dinh dưỡng để em bé có thể phát triển tốt, bao gồm cả kẽm.
- Trẻ em đang bị tiêu chảy, biếng ăn: kẽm kích thích bé ăn ngon, tăng cường miễn dịch, giảm số lần tiêu chảy cũng như mức độ tiêu chảy, ngoài ra còn giảm nguy cơ tái lại trong vòng 2-3 tháng tới.
Lưu ý rằng không nên lạm dụng mà bổ sung quá nhiều kẽm khi không có chỉ định của bác sĩ, bởi vì dư thừa kẽm sẽ dẫn đến một vài tác dụng phụ như:
- Nôn và buồn nôn
- Tiêu chảy
- Ăn không ngon
- Thiếu các chất vi lượng khác như đồng và sắt
Tóm lại, kẽm là một vi chất quan trọng cần phải được quan tâm và bổ sung đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh và phát triển tốt. Cần phải quan tâm và bổ sung kẽm qua đường uống đối với các đối tượng đặc biệt để tránh tình trạng thiếu hụt kẽm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, không nên uống nhiều kẽm quá mức mà không có chỉ định của bác sĩ, điều này sẽ gây tác dụng phụ không mong muốn cho người sử dụng.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!