Chúng ta đều biết trong cơ thể người có rất nhiều vi sinh vật cùng sinh sống và phát triển, ví dụ như hệ vi sinh vật đường ruột có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Nhưng bạn có biết rằng ngay trên bề mặt da cũng có hàng triệu vi sinh vật có vai trò quan trọng không kém, giúp bảo vệ da khỏi một số bệnh? Làm thế nào chăm sóc hệ vi sinh vật này đúng cách để làn da khỏe đẹp? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về hệ vi sinh vật trên da, nhưng các nhà khoa học tin rằng chúng có vai trò quan trọng đối với các bệnh viêm da, ví dụ như viêm da dị ứng, bệnh vẩy nến, mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ và có thể những bệnh toàn thân khác. Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để tìm hiểu chính xác thành phần của hệ vi sinh vật khỏe mạnh và làm thế nào để chăm sóc chúng tốt nhất.
Hệ vi sinh vật trên da là gì?
Theo các chuyên gia, hệ vi sinh vật trên da là cộng đồng các vi khuẩn, nấm và virus, có thể bao gồm cả bọ ve và các loài ký sinh, cư trú trên da và trong da của chúng ta. Những vi sinh vật “thân thiện” này có thể giúp kiểm soát sự phát triển của các vi khuẩn có hại ở da. Còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, nhưng các nhà khoa học cho rằng hệ vi sinh vật khỏe mạnh lý tưởng là phải đa dạng và cân bằng.
Hệ vi sinh vật trên da của mỗi người là đặc trưng cho người đó, thậm chí từng vùng da khác nhau trên cơ thể cũng có thành phần vi sinh vật riêng. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng một số bệnh của da như viêm da dị ứng, vẩy nến và mụn trứng cá có liên quan với sự mất cân bằng của các vi sinh vật này.
Hệ vi sinh vật trên da có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Hệ vi sinh vật lành mạnh sẽ ngăn sự phát triển của các vi khuẩn và nấm có hại trên da. Có một số bằng chứng cho thấy sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da có thể dẫn đến tình trạng viêm tế bào, có liên quan với nhiều bệnh mãn tính. Vi khuẩn và nấm hại trên da có thể gây viêm và kích thích hệ miễn dịch.
Hệ vi sinh vật trên da cũng được cho là có vai trò hỗ trợ miễn dịch bằng cách giúp phát hiện và ngăn chặn các mầm bệnh, theo một bản đánh giá được đăng trên tạp chí Nature Reviews: Microbiology tháng 1/2018. Các nghiên cứu phát hiện rằng những người bị suy yếu miễn dịch có thành phần vi sinh vật khác với những người khỏe mạnh, cho thấy rằng hệ miễn dịch rất quan trọng đối với sự hình thành hệ vi sinh vật.
Ngoài ra hệ vi sinh vật trên da cũng có thể liên quan với nhiều vấn đề về da như:
- Mụn trứng cá: Vi khuẩn Cutibacterium acnes có thể tích tụ trên da và là thủ phạm gây ra mụn trứng cá. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Da liễu Lâm sàng Mỹ tháng 9/2020 cho thấy rằng các loại vi khuẩn khác cũng có thể liên quan đến mụn trứng cá.
- Viêm da dị ứng (chàm da, eczema): Một số chủng vi khuẩn Staphylococcus có liên quan với các đợt bùng phát bệnh chàm da, nhưng chưa thể khẳng định đó là nguyên nhân chính xác. Những người mắc bệnh này có hệ vi sinh vật khác với bình thường, trong đó có nhiều vi khuẩn Staphylococcus aureus, theo một nghiên cứu vào tháng 3/2019.
- Bệnh trứng cá đỏ (rosacea): Các nhà nghiên cứu cho biết bệnh rosacea rất có thể bị ảnh hưởng bởi hệ vi sinh vật trên da, nhưng chưa hiểu rõ về cơ chế chính xác.
- Bệnh vảy nến: Hệ vi sinh vật trên da có thể liên quan với bệnh vảy nến nhưng cần phải nghiên cứu thêm, theo một bản đánh giá được đăng trên tạp chí Clinics in Dermatology vào tháng 3/2019.
Hệ vi sinh vật trên da có liên quan với hệ vi sinh đường ruột không?
Vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học cho biết thành phần vi sinh vật sống trên da và trong ruột là khác nhau. Chưa rõ sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột có ảnh hưởng tới vi sinh vật trên da hay không, nhưng có một sự thật là một số chế phẩm sinh học đường uống ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột có thể giúp cải thiện các bệnh viêm da như chàm.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem các hệ vi sinh vật này có liên quan gì với nhau và với các vấn đề của da như bệnh vảy nến, viêm da dị ứng, bệnh trứng cá đỏ, mụn trứng cá, lão hóa da và vết thương trên da, và liệu chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các vấn đề này hay không.
Cách chăm sóc hệ vi sinh vật trên da khỏe mạnh như thế nào?
Nhìn chung, hệ vi sinh vật trên da của chúng ta tương đối ổn định và có khả năng tự phục hồi tốt. Nhưng cần lưu ý các yếu tố môi trường, sản phẩm làm đẹp, chất tẩy rửa và chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến các vi sinh vật.
- Chăm sóc da bằng lợi khuẩn (probiotic) là phương pháp ngày càng phổ biến hiện nay nhưng cũng có thể làm hại da vì làm mất cân bằng hệ vi sinh vật, ví dụ như một loại vi sinh vật nào đó chiếm số lượng quá nhiều so với các loại khác. Sự đa dạng nhiều chủng loại mới là điều quan trọng, kể cả những loại vi sinh vật có lợi nhưng quá nhiều thì cũng không tốt.
- Thuốc kháng sinh đường uống cũng có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trên da. Nghiên cứu cho thấy những người khỏe mạnh dùng thuốc kháng sinh đã làm xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc trên da của họ một năm sau đó. Vì vậy đừng tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà chỉ dùng khi thật sự cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng đủ liều, đủ thời gian và chọn đúng loại kháng sinh đặc hiệu.
- Đối với các sản phẩm trên thị trường được quảng cáo là thay đổi hệ vi sinh vật trên da để tốt cho sức khỏe, các chuyên gia cho rằng chưa thể tin tưởng vì hiện nay chúng ta vẫn chưa rõ cách tương tác của các vi sinh vật với nhau và ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào. Ngay cả trên cơ thể một người thì hệ vi sinh vật ở các vùng da khác nhau cũng không giống nhau, vì vậy rất khó tạo ra một sản phẩm chăm sóc toàn thân.
- Để bảo vệ hệ vi sinh vật trên da, bạn có thể chọn các sản phẩm chăm sóc da và sữa rửa mặt dịu nhẹ. Các sản phẩm có tính mài mòn sẽ phá hỏng hàng rào bảo vệ của da, khiến các mầm bệnh và vi khuẩn có cơ hội xâm nhập. Thông thường cũng không cần sử dụng các chất có tính kháng khuẩn để chăm sóc da, trừ khi rửa tay.
Tổng kết
Hệ vi sinh vật sống trên da của chúng ta bao gồm vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng, có thể đóng vai trò giữ cho làn da khỏe mạnh và ngăn chặn một số bệnh của da. Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về ảnh hưởng của các vi sinh vật này, nhưng có thể chăm sóc làn da khỏe mạnh bằng cách hạn chế sử dụng các chất có tính kháng khuẩn và mài mòn da.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!