Bạn đã nghe nói về lợi khuẩn đường ruột hay probiotic, đó là những vi khuẩn có lợi sống trong đường tiêu hóa của chúng ta hoặc có trong các thực phẩm lên men. Lợi khuẩn có nhiều tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người, nhưng ngoài ra còn có các thực phẩm giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn được gọi là “prebiotic” rất dễ kiếm mà lại thơm ngon. Hãy cùng xem đó là gì nhé!
Prebiotic là các chất có trong một số loại thực phẩm giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Bổ sung các chất này vào chế độ ăn hằng ngày sẽ ngăn các loại vi khuẩn có hại phát triển và giúp vi khuẩn có lợi sinh sôi, tạo ra các hợp chất chống viêm được gọi là axit béo chuỗi ngắn tốt cho các tế bào niêm mạc ruột.
Hầu hết prebiotic là các loại chất xơ có trong thực vật. Nếu coi hệ vi sinh trong đường ruột là một khu vườn thì prebiotic chính là “phân bón”. Có nhiều thực phẩm giàu prebiotic phù hợp với nhiều loại khẩu vị và chế độ ăn khác nhau. Bạn có thể lựa chọn và kết hợp các thực phẩm này vào bữa ăn của mình để nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
1. Hành, tỏi
Các loại rau gia vị có họ hàng gần nhau như tỏi, hành lá, hành tây và tỏi tây đều chứa fructan, một loại chất xơ prebiotic. Hệ tiêu hóa của con người không có các enzyme để phân giải fructan, vì vậy chúng được đưa đến ruột già là nơi có nhiều lợi khuẩn lên men fructan và tạo ra axit béo chuỗi ngắn.
Các axit béo này đã được chứng minh là có khả năng giảm viêm, giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nutrients vào tháng 3/2020.
Ngoài ra axit béo chuỗi ngắn làm tăng tính axit trong đường ruột nên tăng hấp thu các chất khoáng từ thức ăn. Bằng cách nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột và tăng axit béo chuỗi ngắn, fructan được cho là giúp cơ thể tăng hấp thu canxi và cải thiện mật độ xương, theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Vitamin và Dinh dưỡng vào tháng 2/2021 .
Các loại rau gia vị này cũng kích thích sự tăng trưởng và hoạt động của các loại vi khuẩn đường ruột có lợi như Lactobacillus và Bifidobacterium đồng thời ức chế vi khuẩn có hại, theo một đánh giá được đăng trên tạp chí Food tháng 8/2021. Những thay đổi của hệ vi sinh đường ruột này có thể giúp tránh một số bệnh mãn tính như bệnh viêm ruột và béo phì.
Để bổ sung thêm hành tỏi vào bữa ăn, bạn nên:
- Làm các món xào nấu với nhiều hành tây và tỏi
- Cho tỏi tây vào các món canh và món hầm
- Thái nhỏ hành lá cho vào salad và các món xào
- Dùng bột hành tỏi để nêm vào các món ăn
2. Dùng chuối chưa chín hẳn làm món sinh tố
Nghe có vẻ lạ khi dùng những quả chuối chưa chín hẳn để làm món ăn, nhưng thực ra chúng có chứa nhiều chất xơ prebiotic hơn so với chuối chín, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLOS ONE năm 2021.
Chuối chưa chín có chứa tinh bột kháng, là loại tinh bột khó bị tiêu hóa trong đường ruột của con người mà chỉ khi đến ruột già mới trở thành nguồn thức ăn nuôi dưỡng các lợi khuẩn. Khi chuối chín, tinh bột kháng này được chuyển hóa thành các loại đường đơn giản, không còn là prebiotic nữa.
Tinh bột kháng cũng có thể giúp hỗ trợ kiểm soát cân nặng và ngăn béo phì do tác dụng tốt đối với hệ vi khuẩn đường ruột cũng như tăng cảm giác no và kiểm soát lượng đường trong máu, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nutrients vào tháng 6/2019 .
Để bổ sung prebiotic cho một ngày mới, bạn có thể làm một ly sinh tố buổi sáng gồm một quả chuối đông lạnh chưa chín hẳn trộn với sữa chua không đường, 1 muỗng canh bơ đậu phộng, hạt chia và bột cacao, cùng với một lượng sữa hạnh nhân không đường vừa đủ để trộn.
Lưu ý là nếu bạn bị dị ứng với nhựa latex thì nên thận trọng khi dùng chuối vì trong chuối có các protein có cấu trúc giống như latex có thể gây phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.
3. Thêm hạt chia và hạt lanh vào sữa chua, bột yến mạch và sinh tố
Hạt chia và hạt lanh được biết đến với nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, nhưng chúng cũng là nguồn prebiotic tuyệt vời. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nutrients vào tháng 6/2019 cho thấy: hạt chia có liên quan với giảm viêm ở người mắc bệnh tiểu đường type 2, và nguyên nhân có thể là nhờ chất xơ prebiotic.
Trong khi đó hạt lanh có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư bao gồm cả ung thư vú, theo một đánh giá được đăng trên tạp chí Nutrients vào tháng 5/2019. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này là nhờ hàm lượng lignan có trong hạt lanh. Lignan là một chất prebiotic được các lợi khuẩn đường ruột lên men và tạo ra các hợp chất có liên quan với giảm nguy cơ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do ung thư vú.
Cả hạt chia và hạt lanh đều có thể tạo ra hương vị hơi giống hạt dẻ cho các món ăn. Bạn có thể rắc chúng lên món yến mạch hoặc trộn với trái cây làm sinh tố. Ngoài ra hạt chia có thể thay đổi kết cấu của món ăn do chứa nhiều chất xơ hòa tan, khi hút nước sẽ tạo thành dạng gel. Bạn có thể tận dụng đặc điểm này để làm món yến mạch và sữa chua trở nên đặc sệt hơn.
4. Dùng các loại đậu thay cho thịt
Các loại đậu như đậu gà, đậu đen và đậu lăng không chỉ cung cấp protein từ thực vật mà còn chứa chất xơ prebiotic được gọi là galactooligosacarit (GOS). Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Biomolecules tháng 3/2021, GOS làm tăng lợi khuẩn trong ruột có khả năng cải thiện mỡ máu. Ngoài ra, một thử nghiệm được đăng trên tạp chí Nutrients tháng 1/2022 cho thấy GOS giúp giảm táo bón ở người lớn, có thể là do tăng lợi khuẩn trong ruột.
Dùng các loại đậu thường xuyên có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa Anh năm 2020 cho thấy: thay thế thịt bằng các protein từ thực vật như đậu giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
5. Ăn vặt bằng socola đen
Nguyên liệu để làm socola là ca cao có chứa polyphenol, đó là các hợp chất chống oxy hóa tự nhiên mà cơ thể chúng ta không tiêu hóa được, nhưng các lợi khuẩn đường ruột có thể lên men được.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nutrients vào tháng 6/2020 cho thấy các polyphenol trong ca cao làm tăng lợi khuẩn đường ruột như Lactobacillus và Bifidobacterium đồng thời làm giảm các vi khuẩn có hại như Clostridium perfringens. Sự thay đổi hệ vi khuẩn này có liên quan với giảm viêm và tăng chức năng miễn dịch trong cơ thể.
Tuy nhiên không phải loại socola nào cũng có tác dụng giống nhau. Socola có tỷ lệ cacao càng nhiều thì tác dụng prebiotic càng tốt. Một thanh socola đen có hàm lượng ca cao từ 70% trở lên là tốt nhất để nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
Bạn có thể mua socola đen tại đây
Trên đây là những loại thực phẩm dễ kiếm vừa thơm ngon lại tốt cho hệ vi sinh đường ruột để tăng cường sức khỏe của bạn. Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!