Các loại thuốc không cần kê đơn như aspirin, ibuprofen và paracetamol thường được dùng để giảm đau hạ sốt rất phổ biến và cũng được dùng rất nhiều trong thời kỳ COVID-19. Nhưng thực tế các loại thuốc tưởng như “vô hại” này có thể ảnh hưởng tới phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng, trong đó có COVID-19.
Thuốc giảm đau hạ sốt ảnh hưởng tới kết quả điều trị COVID-19
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Sydney (Úc) dẫn đầu cho thấy: các loại thuốc thường được dùng để giảm đau hạ sốt có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 theo cách có lợi hoặc có hại tùy từng loại thuốc.
Kết quả này được đăng trên Tạp chí Dược lâm sàng Anh ngày 1/3 mới đây, đề cập đến thuốc paracetamol (còn gọi là acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin và ibuprofen, và thuốc giảm đau opioid như morphin và codein.
Tác giả chính của nghiên cứu là bác sĩ Christina Abdel-Shaheed cho biết: “Đánh giá của chúng tôi cho thấy một số loại thuốc giảm đau hạ sốt thông thường có thể hoạt động cùng với hệ miễn dịch để chống lại nhiễm trùng, trong khi những loại khác có tác dụng chống lại và làm tăng nguy cơ mắc phải hoặc phản ứng xấu với các bệnh truyền nhiễm”.
Trong số các loại thuốc được nghiên cứu, aspirin được coi là một lựa chọn phù hợp để điều trị bệnh lao – một bệnh nhiễm trùng ở phổi do vi khuẩn gây ra. Các nghiên cứu khác đã gợi ý rằng tác dụng của aspirin cũng có thể áp dụng cho COVID-19.
Một bài báo được đăng trên tạp chí BMJ Heart tháng 10/2021 cho biết aspirin giúp cải thiện kết quả lâm sàng cho những người mắc COVID-19. Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Dịch tễ học Lâm sàng và Sức khỏe Toàn cầu cũng trong năm ngoái cho thấy: sử dụng aspirin có liên quan đáng kể với giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19.
Thuốc giảm đau hạ sốt ảnh hưởng tới miễn dịch sau khi tiêm vaccine COVID-19
Khi xét chung các thuốc hạ sốt gồm paracetamol, ibuprofen và aspirin dùng để giảm đau sau tiêm vaccine, kết quả cho thấy chúng có thể làm giảm phản ứng miễn dịch so với bình thường.
Bác sĩ Abdel-Shaheed cho biết: “Dùng paracetamol hoặc ibuprofen trước hoặc ngay sau khi tiêm chủng – ví dụ như COVID-19 – để ngăn ngừa sốt nhẹ hoặc đau đầu, là điều không được khuyến cáo vì có thể làm giảm phản ứng miễn dịch cần có của cơ thể đối với vaccine.” Đối với bệnh thủy đậu, cũng không nên dùng ibuprofen vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn.
Các tác giả nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng loại thuốc chống viêm indomethacin (thường được dùng để giảm đau cấp tính mức độ nhẹ đến trung bình, giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp và bệnh gút) có thể làm giảm sự nhân lên của virus gây bệnh COVID-19, nhưng cần phải thử nghiệm quy mô lớn trên người để xác nhận điều này.
Tiến sĩ Justin Beardsley thuộc Viện Bệnh truyền nhiễm Sydney cũng là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết: thuốc morphin dùng để giảm đau mạnh có thể ức chế các tế bào quan trọng của hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là ở người bệnh sau khi phẫu thuật ung thư.
Các chuyên gia cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về vấn đề này để hiểu rõ về ảnh hưởng của các loại thuốc thông thường đối với các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay chúng ta đang rất cần phát triển các phương pháp điều trị mới để chống lại COVID-19, trong khi một số phương pháp cũ đang giảm dần hiệu quả do hiện tượng kháng thuốc, do đó cần tìm ra các loại thuốc có thể hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của các phương pháp điều trị sẵn có.
Phần lớn các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa có kết quả thống nhất và các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn những loại thuốc này có ảnh hưởng như thế nào tới miễn dịch của con người chống lại các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy aspirin và indomethacin có thể làm giảm tử vong liên quan đến COVID-19, trong khi các dữ liệu khác cho thấy chúng không có tác dụng gì cả.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!