Tiêu chảy cấp ở trẻ em là một bệnh lý hay gặp. Nó đứng hàng thứ 2 về nguyên nhân gây tử vong cho trẻ sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu về bệnh tiêu chảy cấp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhé!
Tiêu chảy là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em, nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong. Theo thống kê, ở nước ta, một trẻ dưới 5 tuổi bình quân mỗi năm mắc từ 0,8 -2,2 đợt tiêu chảy, 80% trẻ tử vong do tiêu chảy nhỏ hơn 2 tuổi. Bệnh tiêu chảy là vấn đề toàn cầu, gây ra gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy có thể do virus, vi khuẩn hay kí sinh trùng. Trong đó, đáng chú ý nhất là Rotavirus.
Theo kết quả khảo sát, 1/3 số trẻ em dưới 2 tuổi chắc chắn bị ít nhất một lần tiêu chảy mà nguyên nhân là Rotavirus. Cơ chế gây bệnh là virus sẽ tồn tại ở ruột non, phát triển và nhân lên nhanh chóng. Chúng phá hủy các cấu trúc nhung mao có chức năng hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột non, phá hỏng cấu trúc men tiêu hóa đường đôi dẫn đến sự hạn chế hấp thu đường ở trẻ.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân còn lại gây tiêu chảy cũng rất đáng chú ý đó là vi khuẩn E. coli. Đây là nhân tố quan trọng gây nên triệu chứng đi ngoài phân tóe nước ở bệnh tiêu chảy cấp. Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn E. coli khác với Rotavirus. Nó không xâm nhập và phá hủy niêm mạc ruột mà gây bệnh bởi các độc tố vốn có của nó.
Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em
Trong bệnh cảnh tiêu chảy cấp, ở trẻ xuất hiện 2 nhóm dấu hiệu lớn thường gặp phải trên lâm sàng, đó là nhóm triệu chứng về cơ quan tiêu hóa và nhóm triệu chứng mất nước:
1. Triệu chứng tiêu hóa
- Tiêu chảy: Thường xảy ra đột ngột. Phân có thể lỏng hoặc tóe nước, mùi chua lẫn chất nhầy. Chú ý nếu phân có dính máu là triệu chứng bệnh lỵ. Một ngày 10-15 lần. Tuy nhiên trẻ đi ngoài phân tóe nước > 3 lần một ngày đã được coi là tiêu chảy
- Nôn: Nôn có thể có hoặc không. Nếu tác nhân gây bệnh là Rotavirus hay tụ cầu, trẻ thường nôn hơn các chủng virus, vi khuẩn khác. Trẻ nôn liên tục nhiều lần, cũng có thể nhiều ngày gây nên hội chứng mất nước.
- Biếng ăn: Sau khi các triệu chứng nôn, tiêu chảy đến một giai đoạn nhất định, trẻ có tình trạng biếng ăn, không muốn ăn đồ ăn khác, chỉ muốn uống nước.
2. Hội chứng mất nước
Các triệu chứng về tiêu hóa như nôn nhiều, sốt, tiêu chảy phân nhiều nước trên 6 lần/ ngày là báo hiệu cho nguy cơ mất nước ở trẻ.
- Khát nước: Cho trẻ uống nước bằng cốc hoặc thìa, bình thường trẻ uống một chút hoặc không uống, nhưng khi khát, trẻ uống một cách háo hức, giằng lấy thìa hoặc khóc khi mẹ ngừng cho uống.
- Mắt trũng: Khi có dấu hiệu mất nước rõ ràng, trẻ có biểu hiện mắt trũng. Tuy nhiên cần chú ý lúc bình thường mắt trẻ có trũng hay không để so sánh.
- Nước mắt: Ở giai đoạn mất nước trung bình, trẻ khóc to cũng không thấy có nước mắt chảy ra hoặc rất ít.
- Độ chun giãn da: Ở trẻ bình thường, độ chun giãn da tốt, mẹ véo da ở vùng đùi hay bụng thành nếp rồi bỏ ra sẽ thấy nếp nằn da mất đi nhanh. Khi trẻ ở tình trạng mất nước nặng, các nếp véo mất đi lâu hơn bình thường (>2 giây). Tuy nhiên, cũng cần chú ý là với trẻ bụ bẫm dấu hiệu này khá khó đánh giá. Do độ chun giãn da tốt nên dù mất nước thì nếp nằn da vẫn mất đi nhanh như trẻ bình thường.
- Thóp lõm: Với trẻ sơ sinh, thóp chưa liền, khi có dấu hiệu mất nước thóp sẽ lõm hơn bình thường. Khám cẩn thận sẽ thấy được điều đó.
- Nhịp thở: Trong tình cảnh mất nước nặng, tốc độ chuyển hóa của các cơ quan trong cơ thể tăng nên trẻ thở nhanh hơn bình thường. Tiêu chuẩn đánh giá nhịp thở nhanh tùy vào độ tuổi: Trẻ em từ lúc đẻ ra đến 2 tháng tuổi > 60 nhịp/ phút; từ 2 đến 12 tháng > 50 nhịp/ phút, từ 1 đến 5 tuổi > 40 nhịp/ phút.
- Tinh thần: Chưa có dấu hiệu mất nước trẻ tỉnh táo, nếu trẻ quấy khóc, kích thích nhiều là bắt đầu có mất nước độ nhẹ hoặc trung bình; ở giai đoạn nặng, trẻ hôn mê, li bì, mệt lả.
- Sốt, biểu hiện nhiễm trùng có thể có hoặc không. Mua máy đo nhiệt độ tại nhà dễ dàng sử dụng cho trẻ em ở đây.
Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em
Người ta chia tình trạng mất nước ở tiêu chảy cấp thành 3 mức độ từ nhẹ đến nặng để đưa ra phác đồ điều trị:
1. Tiêu chảy chưa có dấu hiệu mất nước trên lâm sàng (phác đồ A)
Trẻ chưa có biểu hiện của sự mất nước trên lâm sàng. Theo nghiên cứu, khi mất nước nhỏ hơn 5% so với trọng lượng cơ thể, các bé chưa có biểu hiện mất nước rõ ràng để nhận biết.
Trường hợp này, bé có thể được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Phụ huynh chú ý cho con uống nhiều nước và điện giả hơn bình thường để bù lượng nước mất. Dung dịch để bù điện giải nên dùng là oresol (pha theo đúng liều lượng), hoặc nước cháo, muối, gạo rang. Với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, mẹ nên cho uống 50 ml sau mỗi lần tiêu chảy, trẻ 2-10 tuổi thì lượng oresol là 100-200ml, trẻ trên 10 tuổi thì hãy khuyến khích để con uống tới khi không còn khát nữa.
Mua oresol hoa quả dễ uống ở đây.
2. Mất nước mức độ nhẹ hoặc trung bình (phác đồ B)
Ở trường hợp này, bé mất nước ở mức độ đã có biểu hiện trên lâm sàng và cha mẹ cần đặc biệt chú ý. Về lý thuyết, trẻ mất 5-10% trọng lượng của cơ thể. Như các dấu hiệu mất nước đã đưa ra ở trên, ở mức độ mất nước nhẹ hay trung bình, trẻ khát nhiều, ỉa nhiều lần, phân nhiều nước, nôn nhiều lần, phân có máu, mắt trũng, khóc không ra nước mắt, thóp trũng, hay kích thích, quấy khóc, kém ăn, kém bú,…
3. Mất nước mức độ nặng (Phác đồ C)
Trẻ mất nước mức độ nặng khi mất > 10% trọng lượng cơ thể. Biểu hiện ở giai đoạn này là trẻ hôn mê, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, mắt rất trũng, da nhăn nheo, uống kém hoặc trẻ không uống được nước,…
Trong các mức độ trên, chỉ mức độ A là trẻ có thể được chăm sóc tại nhà. Nếu nhận thấy trẻ có ít nhất 2 biểu hiện ở mức độ B hay C, điều cha mẹ cần làm là đưa con ngay tới cơ sở y tế để nhận được sự trợ giúp của bác sĩ. Việc bù dịch với mức độ thế nào sẽ dựa vào sự đánh giá của bác sĩ điều trị. Gia đình tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, kháng sinh hay cầm ỉa mà chưa có sự hướng dẫn cụ thể.
Cách phòng tránh tiêu chảy cấp ở trẻ em
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng, không có kháng thể dị ứng và đảm bảo vệ sinh cho con. Nên cho con ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu.
- Dinh dưỡng đầy đủ, hợp vệ sinh cho trẻ: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, đạm, việc chế biến, bảo quản cũng cần đảm bảo vệ sinh để tránh gây bệnh cho bé.
- Cần chú ý vệ sinh nguồn nước
- Sử dụng hố sí bảo đảm vệ sinh
- Phụ huynh chú ý vấn đề vệ sinh của bản thân khi chăm sóc trẻ: Trẻ không thể tự vận động mà mọi sinh hoạt đều cần dựa vào sự quan tâm, chăm sóc của người lớn. Vì thế phụ huynh khi chăm sóc trẻ cần chú ý vấn đề vệ sinh của chính mình. Rửa tay trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh hay thay tã lót, bỉm cho trẻ,…
- Uống phòng Rotavirus: Như đã trình bày ở trên, Rotavirus là nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, nó có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng và không dễ dàng để phòng tránh bằng các biện pháp thông thường.
Vacxin rota được sản xuất với 2 liều uống, 1 liều dùng lúc trẻ 4 tuần tuổi, liều còn lại cần dùng trước 6 tháng tuổi, 2 liều vacxin này sẽ giúp trẻ chủng ngừa bệnh từ 10-24 tuần sau đó, tức là tránh được giai đoạn nguy cơ mắc tiêu chảy cấp cao nhất (3-17 tháng tuổi).
Vậy là với bài viết trên đây, Kinhnghiem360.edu.vn đã gửi tới quý độc giả các thông tin cần thiết về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh là gì, triệu chứng ra sao, cách phòng tránh và điều trị thế nào. Kinhnghiem360.edu.vn hi vọng sẽ đồng hành cùng quý phụ huynh, cha mẹ để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe con trẻ.
Đừng quên ghé thăm chuyên mục Sức Khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích nữa nhé!