Buồn nôn và nôn là tác dụng phụ thường gặp ở các bệnh nhân đang điều trị ung thư. Đây thường chỉ là vấn đề thoáng qua khi người bệnh điều trị và sẽ biến mất khi việc điều trị kết thúc. Vậy làm sao để cải thiện tình trạng này? Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu giải pháp nha!
Nguyên nhân gây ra tình trạng buồn nôn
Buồn nôn là cảm giác muốn tống thức ăn ra ngoài, có thể theo sau bởi tình trạng nôn ói thức ăn hoặc không. Buồn nôn có thể là tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị vùng bụng hay đầu.
Những biện pháp giúp cải thiện tình trạng buồn nôn
- Lựa chọn thực phẩm dễ chịu cho dạ dày như bánh mì sandwich nướng, sữa chua, nước hầm xương vớt béo, thức ăn cho thêm vài giọt chanh
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa thay vì 3 bữa lớn
- Không bỏ qua bữa chính lẫn bữa phụ, ngay cả khi bạn không có cảm giác đói vì dạ dày rỗng làm tình trạng buồn nôn trở nên tệ hơn
- Không nên ăn thức ăn yêu thích trong lúc này vì dễ làm bệnh nhân nhầm tưởng thức ăn đó là nguyên nhân gây ra tình trạng buồn nôn
- Giảm chất lỏng trong suốt bữa ăn như ít uống nước trong lúc ăn, chỉ ăn cái không ăn nước trong các món canh, món nước như bún, phở, hủ tíu,…
- Nhấp từng chút nước suốt cả ngày
- Nhiệt độ thức ăn nước uống nên duy trì ở nhiệt độ phòng, không quá nóng hay quá lạnh
- Tìm thời điểm thích hợp cho việc ăn uống. Nhiều bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi ăn nhẹ trước điều trị, trong khi một số khác thì phải chờ vài giờ sau điều trị
- Tránh thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, cá,…
- Nhờ gia đình hoặc bạn bè giúp đỡ cho việc nấu nướng để bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với mùi thức ăn
- Mở cửa, bật quạt hoặc bật máy hút mùi ở bếp để hạn chế mùi thức ăn trong bếp
- Thư giãn trước và sau khi điều trị như hít sâu, thở chậm, cầu nguyện, nghe nhạc, đọc sách,…
- Nên ngồi nghỉ ngơi sau ăn hay đi lại chứ không nên nằm sau ăn
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Nguyên nhân gây ra tình trạng nôn ói
Hóa trị hoặc xạ trị vùng bụng hay đầu có thể gây ra tình trạng buồn nôn hoặc nôn ói hoặc cả hai. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác gây ra nôn ói như ngộ độc thực phẩm, mùi thức ăn, đau dạ dày, tâm lý lo lắng,…
Những biện pháp giúp cải thiện tình trạng nôn ói
- Không ăn hay uống bất cứ thứ gì cho đến khi hết nôn
- Khi đã hết nôn, uống chậm và ít các loại dịch trong như nước lọc, nước hầm xương, nước ép trái cây không lẫn xác trái cây, nước mật ong, trà thảo mộc,…
- Khi đã có thể uống dịch trong mà không nôn thì có thể chuyển sang các loại dịch có độ sệt cao hơn như sinh tố, sữa chua, kem,… hoặc thức ăn dễ chịu cho dạ dày như bánh mì sandwich nướng, sữa chua,… hoặc ăn thêm thức ăn đặc khác như cho thêm bún vào nước dùng khi cảm thấy dễ chịu
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa thay vì 3 bữa lớn
- Nhờ bác sĩ kê thêm các loại thuốc có thể kiểm soát tình trạng nôn
- Nên đi gặp bác sĩ khi ói nhiều và kéo dài trên 2 ngày. Nôn ói có thể làm cho cơ thể bị mất nước và gây nguy hiểm đến sức khỏe nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.