Ung thư là bệnh lý ác tính có xu hướng ngày càng gia tăng. Hóa trị, xạ trị vẫn là một trong những phương pháp điều trị cơ bản, thế nhưng nó cũng gây nhiều tác dụng không mong muốn như tình trạng khô miệng, tình trạng táo bón. Vậy làm cách nào giúp giảm tình trạng này? Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nha!
Nguyên nhân của tình trạng khô miệng ở bệnh nhân ung thư
Hóa trị hoặc xạ trị vùng đầu cổ có thể làm tổn thương các tuyến nước bọt khiến các tuyến này tiết nước bọt ít hơn bình thường và gây ra tình trạng khô miệng. Khô miệng làm cho bệnh nhân cảm thấy trở ngại khi nói, khó khăn trong quá trình nhai và nuốt thức ăn.
Nên làm gì để cải thiện việc ăn uống khi bị khô miệng?
- Nhấp từng ngụm nước suốt cả ngày để làm ẩm khoang miệng và vùng hầu họng.
- Lựa chọn thực phẩm mềm mịn dễ nuốt như bún, cháo, thịt thăn, phi lê cá, đu đủ, dưa hấu,…
- Chế biến thực phẩm ở dạng mềm, ướt thay cho dạng cứng, khô. Chẳng hạn như: Phi lê cá hấp nước tương thay cho phi lê cá tẩm bột chiên giòn.
- Đối với thực phẩm ở dạng khô cứng thì có thể cho thêm nước sốt hoặc chất lỏng để làm mềm ẩm thực phẩm. Ví dụ: Cá chiên sốt cà hay bánh mì chấm sữa.
- Thực phẩm chua như cam, chanh, thơm,… kích thích tiết nước bọt nhiều hơn. Tuy nhiên, khi có tình trạng đau miệng hay đau họng kèm theo thì việc sử dụng thức ăn chua có thể làm tình trạng này tệ hơn.
- Các động tác như nhai hoặc mút cũng kích thích tiết nước bọt nhiều hơn. Chính vì vậy, bệnh nhân nên nhai thức ăn nhiều lần trước khi nuốt hoặc có thể nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo mút, mút nước đá hay mút trái cây đông lạnh,… Tuy nhiên cần lưu ý vệ sinh răng miệng sau khi nhai hoặc mút kẹo vì đường có thể gây ra tình trạng sâu răng. Tốt nhất là nên ăn các loại kẹo và kẹo cao su không đường.
- Súc miệng mỗi 1-2 giờ với nước muối pha loãng (1/4 muỗng cà phê muối hòa tan với 240ml nước ấm), sau đó súc miệng lại với nước sạch.
- Thoa son dưỡng môi để hạn chế tình trạng nứt nẻ ở môi.
Những thực phẩm cần tránh để cải thiện tình trạng khô miệng
Những thực phẩm sau đây làm cho tình trạng khô miệng trở nên tệ hơn:
- Thức uống chứa cồn như bia, rượu, nước trái cây, trà hay cà phê lên men,… thậm chí cần tránh các loại nước súc miệng có cồn.
- Thực phẩm có thể làm tổn thương miệng như thức ăn nhiều gia vị, thức ăn mặn, cứng,…
- Khói thuốc lá.
Nguyên nhân gây táo bón ở bệnh nhân ung thư
Táo bón là tình trạng nhu động ruột xảy ra không thường xuyên và phân trở nên khô, cứng, gây khó khăn, đau đớn, thậm chí chảy máu trong quá trình đi tiêu. Bên cạnh đó, táo bón còn có thể gây ra đau quặn bụng, cảm giác khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn,…
Hóa trị, xạ trị vị trí khối u, thuốc giảm đau có thể là nguyên nhân gây ra táo bón. Ngoài ra, các nguyên nhân gây ra táo bón còn có thể là uống không đủ nước, ăn không đủ chất xơ, ít vận động hay không có thói quen đi đại tiện đúng giờ,…
Những biện pháp giúp cải thiện tình trạng táo bón
- Uống đủ nước. Nhu cầu nước mỗi ngày của người trưởng thành vào khoảng 2 lít, có thể nhiều hơn nếu thời tiết nóng hoặc vận động nhiều. Lượng nước này bao gồm nước uống như nước, sữa, trà, cà phê,… và nước trong thức ăn như canh, cháo, các món nước như bún, phở, hủ tíu,…
- Lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, bánh mì đen,…), khoai củ, bắp,… Tuy nhiên một số bệnh nhân ung thư cần hạn chế chất xơ, vì vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng trước khi tăng chất xơ trong khẩu phần.
- Tăng cường vận động thể lực khi điều kiện sức khỏe cho phép. Vận động giúp phòng tránh táo bón cũng như giúp giảm tình trạng táo bón.
- Tập thói quen đi tiêu đúng giờ.
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.