Bệnh ung thư cùng với các phương pháp điều trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau. Trong đó, tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ khá phổ biến. Vậy cách xử lý khi bệnh nhân ung thư bị tiêu chảy thế nào? Cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu ngay thôi!
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở bệnh nhân ung thư
Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu phân lỏng, nhiều nước, không thành khuôn và đi trên 3 lần/ngày. Trong trường hợp bệnh nhân có hậu môn nhân tạo thì tăng số lượng phân với tính chất như trên thì cũng được xem là tiêu chảy.
Dưới tác dụng phụ của hóa trị hoặc xạ trị vùng bụng chậu, các tế bào niêm mạc ruột bị phá hủy, gây giảm khả năng hấp thu nước và các chất dinh dưỡng. Khi không được hấp thu, nước và các chất dinh dưỡng sẽ tăng thải ra ngoài theo phân và gây ra tình trạng tiêu chảy.
Bên cạnh đó, tiêu chảy còn gây ra bởi ngộ độc thực phẩm, sử dụng kháng sinh dài ngày, sử dụng thuốc điều trị táo bón, hay khi sử dụng sữa trên người bất dung nạp lactose,…
Cần làm gì nếu bị tiêu chảy?
- Uống nhiều nước để bù lượng nước mất qua phân
- Uống 100 – 200ml dịch (tốt nhất là dung dịch bù nước Oresol) hoặc uống Pocari Sweat sau mỗi lần tiêu lỏng
- Nên uống đủ nước một ngày (khoảng 2 lít/ngày và có thể tăng lên trong những ngày nắng nóng). Lượng nước này bao gồm lượng nước uống (nước, sữa, trà, cà phê,…) và nước trong thức ăn như: Canh, cháo, các món nước (bún, phở, hủ tíu,…)
- Nếu có nôn, nên đợi 5 – 10 phút rồi mới bắt đầu uống nước trở lại nhưng nên uống thật chậm
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa thay vì 3 bữa lớn.
- Thực phẩm mềm như bún, cá phi lê, thịt thăn,… thường dễ ăn hơn
- Tiêu thụ thực phẩm ít chất xơ như sữa chua, ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng, gạo trắng,…)
- Nhiệt độ thức ăn nên duy trì ở nhiệt độ phòng, không quá nóng cũng không quá lạnh
- Vệ sinh hậu môn nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc khăn giấy ướt thay vì khăn giấy khô để hạn chế làm tổn thương hậu môn.
Lưu ý khi sử dụng dung dịch bù nước Oresol
- Dùng nước đun sôi để nguội khi pha Oresol, không nên dùng nước khoáng vì có thể làm sai lệch tỉ lệ các chất điện giải
- Sau khi pha, nên uống dung dịch Oresol trong vòng 24h. Quá 24h mà không uống hết thì cũng phải đổ bỏ
- Không nên đun sôi dung dịch Oresol vì quá trình sôi làm nước bay hơi, gây sai lệch tỉ lệ điện giải
- Không nên pha 1/2 gói vì rất khó để chia thành 2 phần bằng nhau
Những thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy
- Thực phẩm giàu xơ như ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, bánh mì đen,…)
- Nước chứa nhiều đường như nước ngọt, nước ép trái cây,…
- Nước uống có gas như nước ngọt, soda,…
- Thức ăn tạo ra nhiều hơi như các loại đậu, rau và trái cây sống
- Các loại thức uống chứa cồn như bia, rượu, nước trái cây, trà hay cà phê lên men,…
- Thực phẩm đậm đà gia vị như tiêu, ớt, hành, gừng, cà ri,…
- Nước uống chứa caffein như trà, cà phê, nước tăng lực hay chocolate,…
- Thực phẩm chứa đường xylitol hoặc đường sorbitol thường có trong kẹo cao su, nước ép táo,…
- Thức ăn/nước uống quá nóng hay quá lạnh
- Thức ăn giàu béo như khoai tây chiên, gà rán, hamburger,…
Hãy tiếp tục theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau .
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Hà Nội (2016) – Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Nhà xuất bản Y học.