Trào ngược dạ dày : Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những bệnh thường gặp về đường tiêu hóa, gây nhiều bất tiện và khó chịu trong sinh hoạt. Vậy trào ngược dạ dày nguyên nhân do đâu, triệu chứng, dấu hiệu nhận biết ra sao và điều trị như thế nào cho hiệu quả, mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD- Gastro esophagus Reflux disease) là bệnh lý do các chất chứa trong dạ dày, nhất là axit dịch vị, thường xuyên trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng ợ nóng, nóng ngực và các triệu chứng khác, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nhiều khó chịu cho người bệnh (Nguồn: Internet).

2. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản do các nguyên nhân chính sau gây ra:

  • Sự bất thường của cơ thắt thực quản dưới: Cơ thắt thực quản dưới nằm ngay phía dưới thực quản, khi nuốt thức ăn, cơ dãn ra, “mở đường” cho thức ăn đi xuống dạ dày và sau khi ăn, cơ co lại để ngăn không cho thức ăn từ dạ dày “dội ngược” trở lại khi dạ dày co bóp. Cơ thắt thực quản dưới co dãn yếu, làm giảm khả năng ngăn trào ngược, cơ thắt dãn mở bất thường (thường khi dạ dày chứa đầy thức ăn) gây nên hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Chậm làm rỗng thức ăn khỏi dạ dày, tăng áp lực ổ bụng: Thức ăn tồn tại trong dạ dày khiến dạ dày tăng tiết axit để tiêu hóa. Việc co bóp thường xuyên và nhất là khi dạ dày đang đầy thức ăn sẽ tác động đến cơ thắt thực quản, thức ăn, axit dịch vị theo đó có cơ hội “dội ngược” lên thực quản. Việc ăn các đồ ăn thô cứng, ăn vội, nhai không kỹ làm tăng thời gian lưu thức ăn tại dạ dày.
  • Co thắt bất thường thực quản: Thông thường thức ăn được nuốt và di chuyển xuống dạ dày một phần do tác dụng của cơ thực quản với các làn sóng co bóp để đẩy thức ăn. Sóng co bóp không bắt đầu sau mỗi lần nuốt hay biến mất ngay trước khi thức ăn xuống dạ dày, cộng với sự co bóp mạnh của dạ dày đều làm cho thức ăn và dịch vị có khả năng trào ngược trở lại.
  • Các bệnh tai mũi họng, hô hấp: Hen làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới, ho làm tăng áp lực trong ổ bụng, một vài thuốc điều trị bệnh lý về hô hấp như theophylin (chứa caffein) có thể gây trào ngược dạ dày thực quản.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có nhiều yếu tố nguy cơ tạo thuận lợi cho trào ngược biểu hiện và tiến triển như hút nhiều thuốc lá, uống rượu bia, phụ nữ có thai, trẻ em,… Trào ngược dạ dày thực quản khi mang thai hay ở trẻ em là một trong số các nguyên nhân gây ra các biểu hiện buồn nôn, nôn trớ thường gặp.

Bất thường cơ thắt thực quản gây trào ngược dạ dày thực quản (Nguồn: Internet).

3. Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày có nhiều biểu hiện khác nhau, bên cạnh các triệu chứng tại thực quản, còn có các dấu hiệu, hội chứng ngoài thực quản. Cụ thể:

Triệu chứng trào ngược do trực tiếp tác động tại thực quản

  • Ợ nóng: là cảm giác nóng rát vùng mũi ức, lan dọc sau xương ức lên đến cổ, thường xuất hiện sau bữa ăn (nhất là các bữa ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, ăn đồ chua, ăn no, uống nhiều rượu bia), tập thể dục hay khi nằm. Ợ nóng biều hiện nặng hơn khi nằm ngửa hay cúi về phía trước
  • Trớ: trớ được định nghĩa là hiện tượng trào ngược thức ăn từ dạ dày lên vùng hầu họng nhưng chưa dẫn đến nôn, do đó làm người bệnh có cảm giác chua, nóng ở miệng (do axit dịch vị). Các động tác cúi hay vận động mạnh làm tăng áp lực thành bụng dễ gây trớ hơn.
  • Biểu hiện khác: đau thượng vị (thượng vị hay ngay dưới mũi ức là vị trí giải phẫu của dạ dày trong cơ thể người) , nuốt đau, nuốt khó, buồn nôn hay nôn, khàn tiếng, đầy bụng, đau ngực.
  • Triệu chứng tổn thương thực quản giai đoạn muộn: các triệu chứng này là hậu quả của trào ngược dạ dày thực quản như viêm loét thực quản, xuất huyết , chít hẹp thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản

Triệu chứng do tác động các cơ quan lân cận

  • Ho mạn tính, viêm thanh quản mạn tính và suyễn.
  • Các hội chứng trên liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm những ảnh hưởng trực tiếp (hít sặc, thức ăn, dịch vị tràn vào đường hô hấp) hay gián tiếp (qua trung gian thần kinh).

Ợ nóng, rát bỏng là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản (Nguồn: Internet).

Các mức độ của trào ngược dạ dày thực quản

Ngoài việc nhận biết các triêu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, cũng cần phân biệt rõ từng mức độ triệu chứng, khi nào coi là trào ngược sinh lý tự khỏi không cần can thiệp, khi nào coi là trào ngược bệnh lý và phải điều trị

Trào ngược được coi là biểu hiện sinh lý bình thường khi tần suất ít, chỉ thường gặp do các bữa ăn bất thường (ăn nhiều, đồ ăn cay nóng, rượu bia,..) , không có tính chất lặp lại thường xuyên và không ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt.

Nếu các biểu hiện điển hình của trào ngược (nhất là ợ nóng, nóng rát) xuất hiện ngày càng nhiều, khó kiểm soát, xuất hiện ngay cả sau những bữa ăn thông thường hay thậm chí sau bữa ăn 1 thời gian dài, lặp lại thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, thì được coi là trào ngược dạ dày bệnh lý.

Mức độ các triệu chứng và độ trầm trọng của bệnh cũng tăng dần từ triệu chứng trào ngược đến bệnh lý trào ngược, bệnh lý tiến triển nặng dần dẫn đến các tổn thương như viêm thực quản và cuối cùng nặng nhất là thực quản Barret và ung thư (Thực quản Barret là bệnh lý mà biểu mô trụ của đoạn thấp thực quản bị thay thế bởi mô giống như của ruột, dễ dẫn đến loạn sản và ung thư).

Trào ngược dạ dày có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet).

4. Cách chữa trị trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược nếu không chữa trị sớm, để bệnh tiến triển có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Vậy người bị trào ngược dạ dày nên ăn gì, uống thuốc gì và cách chữa trị như thế nào cho hiệu quả?

Với điều trị trào ngược dạ dày thực quản, ngay khi bệnh mới ở giai đoạn nhẹ, phương pháp tốt nhất, ít tác dụng phụ nhất là điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt. Khi bệnh nặng hơn, bên cạnh chế độ sinh hoạt cần phối hợp thuốc hay can thiệp của phẫu thuật. Cụ thể:

Chữa dạ dày thực quản bằng cách điều chỉnh lối sống, chế độ ăn:

  • Không ăn quá no, nhai kỹ, ăn tốc độ vừa phải. Vì khi bạn ăn nhiều với tốc độ nhanh, dạ dày mặc dù đã đầy nhưng chưa kịp gửi tín hiệu đến trung tâm thần kinh để nhận biết, vì thế sau khi ăn xong một khoảng thời gian ngắn bạn mới thấy rõ cảm giác no, căng tức bụng.
  • Sau khi ăn hạn chế các động tác cúi người, nên đi lại nhẹ nhàng.
  • Tư thế ngủ: ngủ để đầu cao, nghiêng sang trái.
  • Nhai kẹo cao su có thể giúp hạn chế trào ngược dạ dày.
  • Tập thể dục thể thao, giảm cân, giữ vóc dáng cân đối, độ nặng của trào ngược giảm dần khi người bệnh giảm cân nặng.
  • Tránh các thức ăn như chocolate, rượu bia, đồ cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, nước có ga, thức ăn chua.

Người bị trào ngược dạ dày nên hạn chế sử dụng rượu bia và nước có ga (Nguồn: Internet).

Sử dụng thuốc, điều trị nội khoa:

Sử dụng nhóm thuốc trung hòa và ức chế bài tiết axit dịch vị

  • Nhóm thuốc trung hòa axit: Aluminum, magnesium, calcium. Các thuốc này có thời gian tác dụng ngắn và có thể gây các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,..
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2: Cimetidine, Ranitidine, Nizatidine, Famotidine, giúp cải thiện triệu chứng.
  • Ức chế bơm proton PPI: ức chế bài tiết axit hoàn toàn, thường dùng khi các thuốc ức chế H2 không hiệu quả, gồm các thuốc như Omeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole, Pantoprazole, Esomeprazole, Dexlansoprazole

Điều trị nội với bệnh trào ngược dạ dày (Nguồn: Internet).

Ngoài ra, ở giai đoạn có biến chứng nặng nề, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để chữa trị cả nguyên nhân và biến chứng của trào ngược dạ dày, thực quản.

Hi vọng với những nội dung trên, các bạn đã có những thông tin hữu ích về bệnh trào ngược dạ dày, thực quản, từ đó có các biện pháp chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân. Đừng quên theo dõi Bloganchoi.com để cập nhật thêm nhiều bài viết bổ ích khác nữa nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *