Mụn trứng cá là nỗi ám ảnh chung của thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì, nhưng bạn có biết rằng nhiều người lớn ở độ tuổi trưởng thành vẫn phải khổ sở vì mụn? Dưới đây là một số nguyên nhân và giải pháp mà các bác sĩ da liễu khuyên dùng để giảm mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
Mụn trứng cá không chỉ là vấn đề của tuổi dậy thì
Khi đã thành người lớn, bạn thường nghĩ rằng mình đã thoát khỏi những nốt mụn đáng ghét ở tuổi thiếu niên rồi phải không? Nhưng không may là thỉnh thoảng những tên “bạn cũ” xấu xí đó lại xuất hiện trên khuôn mặt khiến bạn khó chịu và không hiểu vì sao lại thế.
Tuổi dậy thì là nguyên nhân phổ biến gây ra mụn trứng cá – có tới khoảng 80% các bạn nhỏ ở tuổi teen và “trước teen” bị nổi mụn. Nhưng hormone không phải là thứ duy nhất tạo ra những nốt mụn nhọt, vì vậy ngay cả khi bạn đã qua khỏi độ tuổi đó thì chúng vẫn có thể xuất hiện trở lại.
Trên thực tế có tới 15% phụ nữ ở tuổi trưởng thành bị mụn trứng cá, theo thống kê của Viện Da liễu Mỹ (AAD). Bác sĩ Francesca Fusco, chuyên gia về da liễu tại Trung tâm Y tế Mount Sinai ở thành phố New York, cho biết: “Điều thú vị là bạn có thể mắc phải nó [khi trưởng thành] ngay cả khi bạn không mắc phải lúc còn ở tuổi thiếu niên.”
Mặc dù vẻ ngoài trông giống nhau nhưng thực ra các nốt mụn khi trưởng thành khác với mụn mà bạn từng gặp hồi còn đi học. “Mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành thường ở nửa dưới của khuôn mặt, còn mụn ở tuổi thiếu niên thường ở nửa trên,” bác sĩ Fusco cho biết, “Mụn trứng cá ở người trưởng thành cũng sâu hơn và xuất hiện dưới dạng mụn nang hoặc mụn dưới da, không thể tiêu được,” trong khi đó mụn trứng cá ở tuổi vị thành niên thường nằm trên bề mặt da.
Vậy rốt cuộc nguyên nhân gây ra loại mụn đó là gì? Một trong những thủ phạm là sự thay đổi nồng độ hormone, chẳng hạn như sụt giảm hormone tiền kinh nguyệt (hay còn gọi là nổi mụn theo chu kỳ) và những biến động xảy ra quanh thời kỳ mãn kinh.
Bên cạnh hormone thì mỹ phẩm, chế độ chăm sóc da và lối sống của mỗi người cũng có thể là nguyên nhân, cùng với những yếu tố mà có thể bạn chưa từng nghĩ đến. Sau đây hãy cùng tìm hiểu 10 nguyên nhân đáng ngạc nhiên gây ra mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành và cách làm thế nào để ngăn chúng nhé!
1. Các sản phẩm tạo kiểu tóc khi tiếp xúc với da có thể góp phần gây ra mụn
Mụn do các sản phẩm chăm sóc tóc gây ra phổ biến đến mức có hẳn một cái tên riêng dành cho chúng: mụn pomade.
Bác sĩ Richard Fried, giám đốc Hội Da liễu Yardley ở bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết: “Các sản phẩm tạo kiểu tóc làm thấm dầu lên trán, có thể giữ vi khuẩn gây mụn mắc kẹt trong lỗ chân lông của bạn”. Các lỗ chân lông bị tắc sẽ dẫn đến viêm, sau đó là mẩn đỏ, tạo mủ và cuối cùng là mụn đầu đen và mụn đầu trắng dọc theo đường chân tóc và trán.
Kiểu tóc cũng là yếu tố quan trọng: tóc mái khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn vì làm cho các sản phẩm chăm sóc tóc tiếp xúc sát với trán. Bác sĩ Fried nói: “Thường thì những thứ bạn sử dụng trên tóc sẽ xuất hiện trên khuôn mặt của bạn, đặc biệt là nếu bạn dùng các sản phẩm có vòi xịt.”
Cách khắc phục vấn đề này là gì? Hãy thoa các sản phẩm đó bằng tay và tránh xa chân tóc. Sau khi thoa, bạn nên lau sạch da bằng sữa rửa mặt để loại bỏ các chất còn sót lại.
2. Tẩy lông mặt có thể gây ra mụn trứng cá
Thật khó chịu khi bạn đang muốn giải quyết một vấn đề về da là lông mặt nhưng rốt cuộc lại gặp phải một vấn đề khác: nổi mụn.
Bác sĩ Fusco cho biết, các sản phẩm bôi lên da trước hoặc sau khi tẩy lông có thể gây mụn do chúng làm tắc nghẽn lỗ chân lông và kích thích mụn phát triển. Các vết sưng ngứa sau khi tẩy lông có thể không phải là mụn trứng cá thực sự, mà là “sự kích ứng của nang lông gây phát ban thoáng qua”.
Cách khắc phục là gì? Bạn có thể giảm tình trạng phát ban bằng cách chườm ấm lên mặt từ ba đến bốn lần một ngày. Nếu cách này không hiệu quả thì hãy đến gặp bác sĩ, vì có thể phải dùng thuốc kháng sinh để làm hết phát ban.
Để giảm vi khuẩn trên da, hãy làm sạch các vùng có lông trước khi tẩy lông và sử dụng các sản phẩm không gây dị ứng sẽ không làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da mặt của bạn.
3. Sử dụng quá nhiều sản phẩm chăm sóc da có thể gây kích ứng da và làm nổi mụn
Nhiều người có sở thích “thử nghiệm” các sản phẩm chăm sóc da mới liên tục, nhưng điều đó thực ra lại không tốt cho làn da của bạn. Việc thay đổi sản phẩm hoặc dùng thêm một sản phẩm mới trước khi sản phẩm cũ phát huy tác dụng sẽ thách thức làn da của bạn do tiếp xúc với các chất bảo quản và thành phần hoạt tính mới, có thể gây kích ứng và làm nổi mụn.
Một điều đáng ngạc nhiên là: ngay cả các sản phẩm trị mụn cũng có thể gây nổi mụn nếu sử dụng quá nhiều. Có những bệnh nhân bị mụn trứng cá vì thay đổi giữa nhiều loại kem trị mụn khác nhau hoặc sử dụng chất làm se da, sữa rửa mặt và kem chấm, tất cả đều có thành phần trị mụn trứng cá. Làm như vậy sẽ khiến da bị tổn thương nặng nề.
Cách khắc phục là gì? Cho dù mục tiêu của bạn là xóa nếp nhăn hay trị mụn thì chỉ nên chọn một hoặc hai sản phẩm và sử dụng ít nhất 4 đến 6 tuần để chúng phát huy được tác dụng, vì làn da phải mất nhiều thời gian để tự tái tạo và khi đó mới thể hiện được tác dụng của mỹ phẩm.
4. Dùng chất tẩy trang hoặc không tẩy trang cũng có thể gây mụn
Các loại mỹ phẩm làm tắc lỗ chân lông có thể kết hợp với chất nhờn tự nhiên trên da và gây ra mụn. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở bản thân sản phẩm mà còn là cách bạn tẩy trang như thế nào.
Nhiều người rửa mặt sơ sài vì đang vội, hoặc vì đang sử dụng các sản phẩm trang điểm khoáng chất nên nghĩ rằng không cần phải rửa mặt thật kỹ. Nhưng sau cả ngày dài, các lớp trang điểm cùng với bã nhờn và bụi bẩn sẽ tích tụ lại làm tắc nghẽn lỗ chân lông, “nhốt” vi khuẩn gây mụn bên trong và làm mụn bùng phát.
Cách khắc phục là gì? Hãy tìm các sản phẩm không gây dị ứng và rửa mặt nhẹ nhàng nhưng thật sạch mỗi đêm. Ngoài ra bạn cũng nên trang điểm nhẹ thôi, làm sạch cọ trang điểm hằng tuần và không dùng chung mỹ phẩm với người khác.
5. Đi du lịch cũng có thể là nguyên nhân gây mụn
Bạn đã bao giờ phát hiện làn da của mình bỗng nhiên nổi mụn sau một chuyến đi xa? Đó là vì sự thay đổi của các yếu tố môi trường như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ và độ ẩm có thể gây ra mụn trứng cá. Da của bạn không quen với sự thay đổi đột ngột, vì vậy nó bị kích thích và phản ứng lại bằng cách nổi mụn.
Cách khắc phục là gì? Bạn không thể thay đổi thời tiết hoặc độ ẩm của môi trường, nhưng tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng có oxit kẽm hoặc titanium dioxide là những biện pháp có thể giúp giảm mụn khi đi du lịch. Và bởi vì làn da của bạn đang thích nghi với những thay đổi của môi trường nên đừng gây áp lực thêm bằng các loại mỹ phẩm mới nhé.
6. Các loại kem chống nắng “hạng nặng” có thể kích thích nổi mụn
Kem chống nắng là thứ bắt buộc phải có nếu bạn sở hữu làn da dầu dễ nổi mụn, nhưng loại kem nào mới phù hợp với làn da?
Yoram Harth, bác sĩ da liễu kiêm giám đốc y khoa của MDacne tại San Francisco (Mỹ) cho biết: “Những người bị mụn trứng cá hoặc da dễ nổi mụn nên tìm loại kem chống nắng không chứa dầu, không gây kích ứng”. Những loại kem chống nắng “hạng nặng” không được dán nhãn là “không chứa dầu” có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da và gây ra nhiều mụn hơn.
Thực tế kem chống nắng có hai loại hoạt chất: các chất hóa học hấp thụ vào da và bảo vệ khỏi tia cực tím có hại, còn các tác nhân vật lý (còn gọi là chất chống nắng khoáng) bám trên bề mặt da để tạo ra một tấm chắn nắng.
Loại kem chống nắng vật lý thường được khuyên dùng cho da nhạy cảm vì chúng làm chệch hướng tia nắng mặt trời, nhưng loại kem này có thể dày hơn, để lại vệt trắng trên da và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Trong khi đó kem chống nắng hóa học không để lại dấu vết, rất nhẹ và khiến da không bị bóng – bác sĩ Harth giải thích.
Cách khắc phục là gì? Nếu bạn bị mụn sau khi sử dụng kem chống nắng vật lý thì hãy tìm các sản phẩm không quá dày hoặc chuyển sang kem chống nắng có các thành phần hóa học như avobenzone, oxybenzone, methoxycinnamate hoặc octocylene. Cũng đừng quên rửa sạch kem chống nắng trên da sau cả ngày tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì ngay cả những loại kem chống nắng dịu nhẹ nhất cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông nếu để qua đêm.
7. Chế độ ăn nhiều thực phẩm đã qua chế biến và tinh bột có thể làm tăng mụn
Các bằng chứng khoa học mới nhất hiện nay cho thấy rằng chế độ ăn nhiều carbohydrate có thể khiến da dễ nổi mụn. Cụ thể, ăn nhiều carbohydrate tinh chế (còn gọi là “thực phẩm trắng” bao gồm bánh mì trắng, mì trắng, các loại bánh quy, bánh ngọt) có chỉ số đường huyết cao có thể làm tăng sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của mụn. Nhưng vấn đề này vẫn cần nghiên cứu thêm.
Mụn trứng cá cũng có thể liên quan với sữa. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các sản phẩm từ sữa làm tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1), có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá. Một trong những loại sữa gây kích thích mạnh nhất là sữa bò, đặc biệt là sữa ít béo, chứa một lượng lớn các hormone giống progesterone và có hàm lượng đường cao hơn sữa nguyên chất.
Cách khắc phục là gì? Hãy giảm những món ăn vặt không lành mạnh như khoai tây chiên và kem, thay vào đó là sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và thực phẩm giàu protein.
8. Stress đi kèm với sự thay đổi nội tiết tố làm tăng nguy cơ bị nổi mụn
Bạn lo lắng về deadline cho một dự án lớn? Hay những trục trặc trong chuyện tình cảm khiến bạn thao thức suốt đêm? Mặc dù bản thân stress không phải là nguyên nhân làm cho mụn xuất hiện, nhưng nó có thể làm tình trạng nổi mụn trở nên trầm trọng hơn.
Lý do cho điều này là vì stress kích thích cơ thể giải phóng các hóa chất gây viêm gọi là neuropeptide và làm thay đổi nội tiết tố. Ngay cả những trường hợp căng thẳng có lợi – chẳng hạn như chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại – cũng có thể làm mụn bùng phát. Đó là lý do một số người nhận thấy nốt mụn lớn xuất hiện trên mặt vào ngày cưới của mình hoặc trước một cuộc hẹn quan trọng.
Cách khắc phục là gì? Hãy sử dụng các sản phẩm trị mụn có thành phần như axit salicylic và benzoyl peroxide để làm sạch mụn do stress. Để ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai, hãy tìm cách xoa dịu tinh thần của bạn bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như tập yoga, hít thở sâu hay xem phim, nghe nhạc.
9. Điện thoại di động có thể đưa vi khuẩn gây mụn lên da mặt của bạn
Những cuộc trò chuyện điện thoại kiểu “mọi lúc mọi nơi” có thể rất tuyệt vời, giúp bạn giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và công việc. Nhưng đối với làn da của bạn thì không tốt chút nào đâu.
Suốt cả ngày dài, điện thoại di động tiếp xúc với các bề mặt có vi khuẩn ở khắp mọi nơi. Khi nói chuyện điện thoại, bạn sẽ vô tình đưa vi khuẩn này tiếp xúc với da mặt của mình. Vi khuẩn cũng có thể được đưa lên da mặt sau khi bạn dùng ngón tay để nhắn tin trên điện thoại di động.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên sử dụng điện thoại di động hoặc kể cả điện thoại bàn thì việc cọ xát chúng lên mặt có thể dẫn đến xuất hiện “mụn cơ học”, tức là mụn do ma sát.
Cách khắc phục là gì? Thỉnh thoảng hãy để điện thoại của bạn nghỉ ngơi và làm sạch điện thoại bằng khăn tẩm cồn hằng ngày.
10. Da khô – cũng giống như da nhờn – có thể dễ bị mụn
Ai cũng biết da nhờn là nguyên nhân gây ra mụn, nhưng ở chiều ngược lại cũng vậy. Da khô có thể xuất hiện những vết rạn và vết nứt cực nhỏ, bên trong đó vi khuẩn có thể sinh sôi và gây ra mụn. Thêm vào đó, vảy của da khô bị bong tróc ra cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến nổi mụn.
Cách khắc phục là gì? Hãy tẩy da chết một cách nhẹ nhàng vài lần một tuần và giữ độ ẩm bằng kem dưỡng ẩm không gây kích ứng dành riêng cho da khô.
Vậy là bạn đã biết về những nguyên nhân khiến người trưởng thành đã qua tuổi dậy thì vẫn có thể bị nổi mụn, và cách làm thế nào để tránh xa những “kẻ thù” đó. Hãy chăm sóc làn da và cơ thể mình đúng cách mỗi ngày nhé!
Hãy đón xem Kinhnghiem360.edu.vn mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!