80% nữ giới có thể mắc u nang buồng trứng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về những biểu hiện, nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị căn bệnh này. Hãy cùng Kinhnghiem360.edu.vn tìm hiểu nhé!
U nang buồng trứng là bệnh gì?
Hiện tượng bao nang chứa dịch xuất hiện và phát triển ở bên trong buồng trứng được gọi là u nang buồng trứng. Kích thước của các u này thường dao động từ vài mm đến vài cm. Đây là bệnh lành tính, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Tác nhân gây bệnh rất đa dạng và phức tạp, có thể do thể vàng quá phát triển, mạch máu tại các nang trứng bị vỡ, rối loạn nội tiết tố, dinh dưỡng không ổn định hay cơ địa của từng người.
U nang buồng trứng tương đối phổ biến, có đến 80% phái đẹp phải đối mặt với nguy cơ mắc phải bệnh này. Độ tuổi thường gặp phải là tuổi dậy thì và sinh sản (khoảng từ 15 đến 40 tuổi). Phụ nữ mãn kinh thì ít gặp, nếu có thì thường là các u ác tính, ung thư.
U nang buồng trứng có nhiều loại khác nhau như u nang bì (bao nang chứa mô mỡ, tóc,…), u nang tuyến (u không ung thư, phát triển tại mặt ngoài của buồng trứng) hay u nội mạc (mô nội mạc không phát triển ra ngoài tử cung rồi dính vô buồng trứng). Tuy nhiên, hai loại thường gặp phải nhất vẫn là u nang hoàng thể và u nang nang trứng.
- U nang hoàng thể: Túi nang sẽ hết sau khi giải phóng trứng. Song, có trường hợp không hết rồi đóng kín miệng túi, khi dịch hình thành ở bên trong sẽ tạo thành u nang.
- U nang nang trứng: Túi nang thường sẽ vỡ, giúp trứng thoát ra ngoài. Đây được gọi là hiện tượng rụng trứng. Nếu túi không vỡ thì dịch vẫn còn lại biến thành u nang.
Đâu là dấu hiệu u nang buồng trứng?
Triệu chứng thông thường
Hầu hết những người bị ung nang buồng trứng không nhận thấy triệu chứng gì bất thường, nếu có thì dễ nhầm với các hiện tượng của kinh nguyệt. Vì thế, bệnh đa số được phát hiện khi khám sức khỏe. Chỉ khi u lớn lên thì cơ thể mới bắt đầu phát các dấu hiệu cảnh báo dưới đây, xem kỹ để chữa trị kịp thời nhé!
- Kinh nguyệt không đều về cả thời điểm lẫn lượng kinh. Đôi khi người bệnh còn gặp phải tình trạng rong kinh.
- Chướng, sưng và đầy bụng. Khi chạm vào thậm chí có thể thấy khối u.
- Đau bụng khi quan hệ tình dục.
- Đau bụng và gặp khó khăn khi đi vệ sinh. Người bệnh phải chịu đựng táo bón, khó khăn khi tiểu tiện vì khối u chèn ép bàng quang và cơ quan khác.
- Buồn nôn và nôn.
- Xương chậu đau dai dẳng hay theo từng cơn, làn qua lưng và bắp đùi.
- Kích thước ngực thay đổi không rõ nguyên nhân hoặc ngực bị cương.
Triệu chứng nguy hiểm
Bên cạnh các dấu hiệu thông thường trên, u nang buồng trứng còn có một vài triệu chứng nghiêm trọng và cần phải đưa đến bệnh viên ngay để điều trị kịp thời như vùng chậu đau dữ dội, chóng mặt, sốt, thở gấp, ngất. Dù hiếm gặp nhưng nếu các vấn đề này xuất hiện thì có thể do u nang bị vỡ hay buồng trứng bị xoắn.
Cụ thể, vỡ bao nang sẽ dẫn tới hiện tượng chảy máy bên trong, gây nhiều đau đớn cho người bệnh. Còn xoắn buồng trứng là khi u nang quá lớn, làm lệch vị trí hoặc khiến buồng trứng xoắn lại. Đây là tác nhân tổn thương hoặc tệ hơn là hoại tử mô buồng trứng. Do đó, phái đẹp hãy ghi nhớ để bảo vệ bản thân tránh khỏi biến chứng khôn lường nhé!
Điều trị u nang buồng trứng như thế nào?
Phương pháp điều trị u nang buồng trứng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tuổi của người bệnh, tình trạng của u nang (kích thước, hình dạng, số lượng,…) và những dấu hiệu bất thường (nếu có). Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra một trong những giải pháp dưới đây.
1. Để u nang tự biến mất
Nhiều trường hợp u nang lành tính, được phát hiện sớm nên còn nhỏ. Sau khi siêu âm quan sát thì bác sĩ khuyên nên để u tự tiêu trong một khoảng thời gian nhất định là tốt nhất. Thường thì quá trình này kéo dài khoảng một tháng trở lên, rồi người bệnh sẽ đến kiểm tra lại xem u nang còn tồn tại trong cơ thể mình hay không.
2. Uống thuốc tránh thai
Nếu u nang không thể tự biến mất hoặc ngày càng lớn lên, biện pháp uống thuốc tránh thai có thể được áp dụng. Thuốc này sẽ ngăn chặn quá trình rụng trứng, không cho các u nang mới hình thành và phát triển, đồng thời giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, bạn phải làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn.
3. Tiến hành phẫu thuật
Ở các trường hợp nghiêm trọng, việc phẫu thuật là không thể tránh khỏi. Bởi vì u nang đã quá lớn hoặc diễn tra thường xuyên, kéo dài trong nhiều kỳ kinh nguyệt. Bác sĩ sẽ lựa chọn một trong hai phương án dưới đây.
- Mổ nội soi: Nếu u nhỏ và lành tính, bác sĩ sẽ mổ nội soi, rút ngắn quá trình phục hồi và hạn chế tối đa rủi ro tới khả năng sinh sản.
- Mổ mở: Nếu u nang có khả năng ung thư thì bác sĩ sẽ chọn cách mổ mở. Nếu trường hợp thật sự là ung thư, có thể phải cắt bỏ buồng trứng hoặc thậm chí cả tử cung.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về u nang buồng trứng mà các bạn nữ cần nắm rõ để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Hãy chia sẻ bài viết này đến người thân và bạn bè. Cũng đừng quên cập nhật thêm thông tin hữu ích trong chuyên mục Sức khỏe của Kinhnghiem360.edu.vn nhé!