Ai cũng biết uống đủ nước mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái. Ngoài nước lọc còn có nhiều cách khác để bổ sung nước như ăn rau và trái cây, nhưng còn nước ngọt thì sao? Có nên uống nước ngọt để cung cấp lượng nước mà cơ thể cần hằng ngày?
Nước ngọt từ lâu đã bị coi là không tốt cho sức khỏe, thậm chí Đại học Harvard đánh giá nó là một trong những thức uống có hại nhất đối với sức khỏe con người và khuyến cáo mọi người uống càng ít càng tốt.
Nước ngọt cũng là chất lỏng, vậy uống nước ngọt có giúp cung cấp nước cho cơ thể giống như các loại nước khác hay không?
Tại sao phải uống đủ nước mỗi ngày?
Uống đủ nước rất quan trọng đối với sức khỏe, giúp điều hòa thân nhiệt, hỗ trợ hoạt động của các khớp, thải các chất độc hại ra ngoài, v.v. Thậm chí nghiên cứu cho thấy chỉ cần mất khoảng 1-2% tổng lượng nước của cơ thể cũng có thể gây suy giảm khả năng nhận thức.
Nhu cầu nước của mỗi người sẽ khác nhau tùy theo giới tính, mức độ vận động và khí hậu môi trường. Theo Viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia của Mỹ, phụ nữ nên nạp khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày, nam giới khoảng 3,7 lít, trong đó khoảng 20% có sẵn trong thức ăn, tức là phần nước uống khoảng 2,2 lít đối với nữ và khoảng 3 lít đối với nam.
Tất nhiên nước lọc là cách tốt nhất, nhưng các loại đồ uống có đường như nước ngọt có được tính là “uống nước” không, và nếu có thì uống bao nhiêu là phù hợp?
Nước ngọt khác với nước thường như thế nào?
Về mặt sức khỏe, nước thường luôn tốt hơn so với bất kỳ loại nước ngọt nào trên thị trường hiện nay. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một lon nước ngọt thông thường khoảng 350 ml chứa khoảng 89% nước, tức khoảng 325 ml. Nhưng các thành phần khác trong nước ngọt mới là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là đường: mỗi lon như trên chứa gần 9 muỗng cà phê đường, theo USDA.
Còn nước ngọt không đường thì sao? Mặc dù không chứa calo nhưng loại nước này cũng không thật sự tốt. Nghiên cứu trước đây cho thấy những người uống nước ngọt không đường thường ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh hơn. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Stroke hồi tháng 2/2019 cho thấy: phụ nữ đã mãn kinh uống nhiều nước này có nguy cơ đột quỵ tăng 23% và nguy cơ mắc bệnh tim tăng 29% so với những người ít uống hoặc không uống.
Ngoài ra một số loại nước ngọt có chứa chất caffeine có tác dụng lợi tiểu nhẹ, tức là khiến cơ thể đi tiểu nhiều hơn và dễ bị mất nước. Tuy nhiên hàm lượng caffeine trong hầu hết các loại nước ngọt hiện nay thường thấp, vì vậy ảnh hưởng không đáng kể.
Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia của Mỹ cho biết tác dụng lợi tiểu này không kéo dài và các loại đồ uống chứa caffeine có thể được xem là cung cấp nước cho cơ thể giống như đồ uống không chứa caffeine.
Nước ngọt có giá trị dinh dưỡng như thế nào?
Nước ngọt thường chứa nhiều calo do được bổ sung đường phụ gia như xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao. Theo USDA, một lon nước ngọt chứa khoảng 155 calo, trong đó khoảng 147 calo từ đường.
Nước ngọt không đường sử dụng chất làm ngọt nhân tạo thay cho đường tự nhiên nên hầu như không chứa calo, nhưng giá trị dinh dưỡng cũng không nhiều. Như đã nêu, các chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến tăng cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy dùng nhiều nước ngọt không đường có liên quan với tăng vòng eo.
Nước ngọt có lợi ích gì cho sức khỏe không?
Uống nước ngọt hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Dù là loại thường hay loại không đường, có chứa caffeine hay không thì tất cả các loại nước ngọt đều có tác động tiêu cực đến cơ thể. Ngoài lượng đường cao, nước ngọt còn chứa nhiều phốt phát – một dạng hợp chất phốt pho tự nhiên có thể gây hại cho sức khỏe theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Kidney International hồi tháng 10/2016. Phốt phát có liên quan đến giảm độ bền chắc của xương.
Theo nghiên cứu, đường và axit trong nước ngọt cũng có hại cho sức khỏe răng miệng, có thể gây mòn men răng và sâu răng. Những người thường xuyên uống nước ngọt sẽ tăng nguy cơ thừa cân và béo phì, mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh gút. Một nghiên cứu lớn được đăng trên tạp chí Circulation hồi tháng 3/2019 cho thấy: càng uống nhiều nước có đường thì nguy cơ tử vong sớm càng tăng.
Tóm lại, cho dù bạn muốn bổ sung nước cho cơ thể hay cải thiện sức khỏe nói chung thì tốt nhất nên hạn chế uống nước ngọt.
Làm cách nào để “cai nghiện” nước ngọt?
Nếu bạn thường xuyên uống nước ngọt và thấy rất khó bỏ thì hãy thực hiện các biện pháp đơn giản để hạn chế dần, chẳng hạn như dùng nước khoáng có ga để thay thế. Ưu điểm lớn nhất của loại nước này là không chứa đường hay chất làm ngọt nhân tạo và thường không chứa caffeine, nhưng vẫn mang lại cảm giác sủi bọt rất sảng khoái.
Nếu muốn tăng thêm hương vị giống như nước ngọt mà vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe, có thể pha thêm nước trái cây hoặc bạc hà tươi vào nước khoáng có ga.
Tổng kết
Nước ngọt không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe, dù là loại có đường hay không đường. Mặc dù nó vẫn cung cấp nước cho cơ thể nhưng tốt nhất bạn nên chọn những loại đồ uống lành mạnh hơn để vừa bổ sung đủ nước vừa đảm bảo sức khỏe nói chung.
Hãy theo dõi Kinhnghiem360.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!